(Congannghean.vn)-Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn đang tồn tại 150 đường ngang dân sinh và lối đi tự mở, với tổng chiều dài toàn tuyến gần 100 km, chạy qua 7 huyện, thành, thị. Do là đường tự mở nên hầu hết tại các đường ngang dân sinh này thường không có gờ giảm tốc, thiếu biển cảnh báo, vì vậy, việc xảy ra tai nạn giao thông là điều khó tránh khỏi.
Các hàng rào chắn tự động được lắp đặt tại những điểm tiềm ẩn xảy ra tai nạn giao thông cao |
Theo Ban ATGT tỉnh Nghệ An, từ đầu năm 2019 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 12 vụ tai nạn giao thông đường sắt, làm chết 11 người, bị thương 5 người. Chỉ mới đây, ngày 24/2/2020, tại khu vực đường ngang dân sinh thuộc địa bàn phường Vinh Tân, TP Vinh, xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng giữa xe ôtô tải và tàu chở hàng, khiến một người tử vong. Vào thời điểm trên, tài xế Nguyễn Xuân Hùng (28 tuổi) trú tại phường Vinh Tân, TP Vinh, điều khiển xe tải băng qua đường sắt, đúng lúc tàu hàng chạy hướng Nam - Bắc lao tới đâm trúng. Cú va chạm mạnh làm chiếc xe tải bị húc văng xuống ao, tài xế rơi ra khỏi cabin và tử vong tại chỗ. Được biết, đây là khu vực đường ngang dân sinh, lối đi tự mở giao với đường sắt nhưng không có gác chắn. Ngành đường sắt đã lắp biển cảnh báo nguy hiểm cho người dân và cấm xe tải đi qua. Tuy nhiên, do thiếu chú ý quan sát, không chấp hành tín hiệu đèn khi có đoàn tàu chạy qua nên xảy ra vụ việc đáng tiếc. Đó là một trong những vụ tai nạn thương tâm xảy ra trong thời gian gần đây, để thấy rằng việc mất an toàn tại các đường ngang dân sinh và lối đi tự mở là nguy hiểm đến mức nào.
Nguyên nhân dẫn đến các vụ tại nạn là do người tham gia giao thông thiếu chú ý quan sát, không để ý tàu hỏa đến gần, nhất là các đường lối đi tự mở không có rào chắn, biển cảnh báo nguy hiểm. Với suy nghĩ thuận tiện cho việc đi lại nên người dân cố tình không chấp hành các quy định pháp luật về ATGT đường sắt, thậm chí một số trường hợp còn phá bỏ các hệ thống rào chắn, cột giới hạn an toàn mà ngành Đường sắt đã xây dựng. “Để hạn chế tai nạn giao thông xảy ra trong tuyến đường sắt, ngoài bố trí người canh gác, lắp đặt các biển, đèn tín hiệu tại nút giao với đường bộ thì công ty còn phối hợp với các cơ quan chính quyền địa phương phát quang các lối đi tự mở, tạo tầm nhìn. Tiến hành hạn chế lối đi từ 3 m xuống 1 m và phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Ban ATGT tỉnh cũng như Ban ATGT các huyện, thị xã, thành phố bổ sung các gờ giảm tốc qua các lối đi tự mở nhằm hạn chế tốc độ qua các lối đi này”, ông Trần Văn Kế, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Đường sắt Nghệ Tĩnh cho biết.
Theo thống kê của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), trung bình cứ 1 km đường sắt có đến 1,85 đường ngang giao cắt và 70% số vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra tại các điểm giao cắt đường bộ và đường sắt. Cụ thể, trên toàn quốc có 5.564 điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt. Trong số đó, đường ngang hợp pháp là 1.516 điểm, còn đường dân sinh, lối đi dân sinh tự mở là 4.048 điểm (chiếm 74%). Ngoài ra, còn có khoảng 14.000 vị trí vi phạm hành lang ATGT đường sắt. 70% số vụ tai nạn giao thông là lối đi tự mở và đường ngang dân sinh. Đây là vấn đề cực kỳ nan giải trong công tác đảm bảo ATGT đường sắt nước ta hiện nay.
Cần xóa bỏ các đường ngang dân sinh
Nhiều vụ tai nạn thương tâm xẩy ra tại các lối đi tự mở, mà nguyên nhân chính là do phương tiện không chú ý quan sát khi đi qua đường sắt |
Thực tế hiện nay, công tác xóa bỏ lối đi tự mở đang gặp nhiều khó khăn, bởi hầu hết các đường này có từ lâu cũng là độc đạo từ khu dân cư này qua khu dân cư khác. Cho nên, việc đóng các lối đi này sao cho vừa thuận tiện đi lại, vừa đảm bảo ATGT cho người dân là điều không phải giải quyết trong ngày một ngày hai. Hiện nay, tỉnh Nghệ An đã và đang có nhiều giải pháp nhằm hạn chế và ngăn ngừa tai nạn giao thông tại các lối đi này. Ngoài 34 điểm được lắp đặt hệ thống rào chắn và biển báo tự động tại các đường ngang dân sinh và lối đi tự mở, Nghệ An còn tiếp tục bổ sung thêm kinh phí lắp đặt, thêm các hệ thống rào chắn tự động tại những điểm có lưu lượng tham gia giao thông đông và đóng các lối đi tự mở tiềm ẩn xảy ra tai nạn giao thông cao. Đồng thời, xây dựng phương án làm các đường gom để đến năm 2025 xóa bỏ hết toàn bộ các đường ngang dân sinh và lối đi tự mở trên địa bàn toàn tỉnh. Tiến hành cắm biển cảnh báo, biển hạn chế phương tiện qua lại, làm hàng rào bảo vệ.
Ông Trần Lê Thắng, Phó Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Nghệ An cho biết: “Trước mắt, Ban ATGT tỉnh một mặt tuyên truyền đối với người dân khi đi qua các lối đi tự mở chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ, đường sắt. Mặt khác, cũng đã đề xuất với Tổng Công ty Đường sắt cũng như Cục Đường sắt Việt Nam tiến hành nâng cấp các lối đi tự mở có lưu lượng tham gia giao thông cao và tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn. Bên cạnh đó, nâng cấp các đường ngang hợp pháp để có những biện pháp đảm bảo ATGT”.
Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu theo kế hoạch hiện gặp vô vàn khó khăn do kinh phí hạn hẹp. Trước mắt, tỉnh Nghệ An đã ban hành các văn bản chỉ đạo chính quyền các xã, phường, thị trấn thực hiện kiểm soát chặt chẽ các lối đi dân sinh đã được rào chắn, đảm bảo không cho người dân phá dỡ các lối đi này. Đồng thời, phối hợp với chính quyền các địa phương thường xuyên tuyên truyền cho người dân các quy định pháp luật về trật tự ATGT đường sắt. Công an tỉnh phối hợp với Công an huyện, các lực lượng, Ban ATGT huyện, các xã, thị trấn có tuyến đường sắt chạy qua tiếp tục tổ chức kiểm tra dọc tuyến nhằm phát hiện, giải quyết kịp thời các sai phạm. Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực của các đơn vị chức năng, quan trọng hơn cả vẫn là mỗi người dân cần tự nâng cao ý thức trách nhiệm khi tham gia giao thông qua những điểm giao cắt với đường sắt, tránh để tai nạn đáng tiếc xảy ra.
.