(Congannghean.vn)-Hơn một tháng nay, người dân hai huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh khốn đốn vì cấm đường. Việc cấm xe khách, xe tải trên 10 tấn đi vào Quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn hai huyện trên nhằm mục đích “ép” các phương tiện giao thông đi vào tuyến có thu phí. Trước thực trạng trên, nhiều doanh nghiệp xăng dầu, chủ cửa hàng kinh doanh ăn uống và người dân đã gửi đơn thư cầu cứu khắp nơi nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm.
Kể từ ngày 1/6 vừa qua, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình thực hiện phân luồng, cấm đường vào tuyến Quốc lộ 1A đối với xe khách trên 30 chỗ ngồi và xe tải trên 10 tấn. Các tài xế buộc phải đi đường tránh lũ thu phí BOT kéo dài hơn 30 cây số, từ xã Hưng Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ đến xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh. Những ngày này, Quốc lộ 1A đoạn đi qua 2 huyện này vắng bóng xe cộ. Đặc biệt, công việc làm ăn, kinh doanh của các nhà hàng, cây xăng dầu cùng với hàng nghìn người lao động lâm vào tình cảnh khốn đốn.
Người dân sống dọc Quốc lộ 1A gửi đơn phản ánh cầu cứu lên cơ quan chức năng |
Bà Lê Thị Chín, chủ doanh nghiệp xăng dầu Thái Bình, xã Hồng Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình cho biết, do xe khách, xe tải không đi qua Quốc lộ 1A nên cây xăng của bà phải treo bảng nghỉ bán. Gia đình bà đầu tư vào cây xăng dầu với số tiền lớn, vay nợ ngân hàng hơn 3 tỷ đồng. Những ngày qua, bà Chín mất ăn, mất ngủ vì lo không đủ tiền trả lãi. Nhiều nhân viên là bà con, hàng xóm của bà Chín đành phải nghỉ việc, bị nợ tiền lương.
Hàng loạt cây xăng dầu phải đóng cửa vì không đủ chi phí hoạt động |
Cùng chung tình cảnh, ông Nguyễn Thái Quỳnh, chủ quán cơm Xuân Quỳnh nằm dọc Quốc lộ 1A đoạn đi qua xã Hưng Thủy, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình cho biết, nhà xe, hành khách qua lại tuyến đường giúp hoạt động buôn bán của bà con sôi động, từ đó góp phần nâng cao đời sống cho người dân. Bây giờ, đường vắng người, quán vắng khách không buôn bán được nguy cơ đóng cửa là hiện hữu.
Điều đáng nói ở đây, chính quyền cũng như các cơ quan chức năng không hề thông báo kế hoạch về việc cấm đường cho bà con biết khiến bà con càng bức xúc. Quán cơm của ông Quỳnh ký hợp đồng lao động thuê hơn 10 nhân viên nấu nướng, phục vụ ăn uống cho hành khách. Tháng đầu tiên của việc cấm đường, quán bị lỗ vốn hơn 100 triệu đồng.
Trước thực trạng này, nhiều hộ dân ở 2 huyện Lệ Thuỷ và Quảng Ninh đã làm đơn thư cầu cứu gửi khắp các ban nghành, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình, các cơ quan Trung ương. Người dân hy vọng có phương án giải quyết hợp tình hợp lý cho bà con, nhằm ổn định cuộc sống mưu sinh, và cũng vì quyền lợi chính đáng của người dân.
Bà Nguyễn Thị Thái, người dân xã Hồng Thủy cho biết, việc cơ quan chức năng cấm đường làm đảo lộn cuộc sống của hàng ngàn hộ dân sống dọc theo tuyến Quốc lộ 1A. Đời sống bà con phụ thuộc vào quán cơm, quán nước dọc theo Quốc lộ 1A. Bây giờ, xe cộ không qua lại, nhiều người thất nghiệp phải đi làm ăn xa. Con em địa phương đi học, đi làm ăn thay vì đón xe dọc Quốc lộ 1A như trước đây thì phải lặn lội ra đường tránh lũ. “Đường tránh giữa nơi hoang vắng, không bóng người qua lại tiềm ẩn nguy cơ cướp giật. Bà con ai cũng lo ngại” bà Thái cho biết.
Không riêng gì bà con sống dọc tuyến Quốc lộ 1A mà cánh lái xe cũng bất bình về việc cấm đường. “Đường BOT tránh lũ dày đặc sóng trâu, sụt lún, chỉ cần tài xế không chú ý có thể bị lạc tay lái gây tai nạn nguy hiểm. Thực tế thời gian qua nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra trên cung đường này. Đường BOT tránh lũ làm ven biển, dân cư thưa thớt, khi xe cộ chẳng may bị hư hỏng thì không có chỗ để sửa chữa, tài xế cũng không kiếm ra quán cơm, quán nước để ăn uống, nghỉ ngơi. Cấm xe đi dọc Quốc lộ 1A bắt đi đường thu phí BOT là việc làm hết sức vô lý. Quốc lộ là đường của dân, một phần từ tiền thuế, phí của nhân dân đóng góp. Chính quyền tỉnh cấm đi đường Quốc lộ 1A là hạn chế quyền đi lại của công dân, gây thiệt hại quyền lợi cho người dân và tài xế” một tài xế bức xúc nói.
Được biết, đường tránh lũ được đầu tư theo phương thức Xây dựng - Vận hành - Chuyển giao (BOT) do Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh làm chủ đầu tư với tổng số vốn gần 1.000 tỷ đồng. Nhiều năm nay, giới tài xế cũng như người dân địa phương đã bất bình vì việc đặt trạm BOT không đúng vị trí. Trạm BOT của Tập đoàn Trường Thịnh ngang nhiên thu phí phương tiện của xe đi Quốc lộ 1A cũng như tuyến tránh lũ.
Ông Phạm Quang Hải, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Quảng Bình lý giải, việc phân luồng cho phương tiện đi qua đường tránh lũ BOT là để giảm tải cho tuyến Quốc lộ 1A. Đi đường tránh lũ, đường sá có tầm nhìn thông thoáng hơn, xe được phép lưu thông với tốc độ cao hơn so với Quốc lộ 1A. “Tất nhiên khi cấm là sẽ ảnh hưởng đến đời sống, việc kinh doanh của các hộ dân. Tuy nhiên, mình phải lấy người đại diện, lấy cái toàn cục để mà làm việc. Đường giao thông mục đích là để phục vụ giao thông chứ không phải là để phục vụ kinh doanh cho các hộ dân. Đây là một trong những giải pháp để Sở lập lại trật tự”- ông Hải nói thêm.
Được biết, vào năm 2017, UBND tỉnh Quảng Bình gửi văn bản đề xuất phân luồng ra Tổng cục Đường bộ Việt Nam thì đơn vị này có công văn phúc đáp, cho rằng việc phân luồng tuỳ vào quyết định, thẩm quyền của tỉnh. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà UBND tỉnh Quảng Bình vẫn gửi liên tiếp ra Tổng cục nhiều văn bản đề xuất. Đến năm 2019, Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải uỷ quyền lại cho Cục quản lý Đường bộ II chủ trì, ký quyết định đồng ý cắm bảng phân luồng, cấm xe khách, xe tải trên 10 tấn đi vào Quốc lộ 1A.
Trao đổi với PV, ông Đỗ Xuân Thuỷ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ II.4, thuộc Cục Quản lý đường bộ II. Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, trước khi cấm đường vào Quốc lộ 1A, vẫn có tính toán phương án chọn tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh đông kéo dài từ xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh đến ngã tư Sòng, tỉnh Quảng Trị. Đây là tuyến đường chất lượng tốt, tầm nhìn thông thoáng. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà cơ quan chức năng kiên quyết đề xuất chọn đường BOT tránh lũ. Trong khi dư luận đang bất bình vì đi BOT thì phải trả tiền phí, chất lượng đường không đảm bảo.
“Thực ra về mặt quản lý nhà nước, chúng tôi thấy tài xế đi xe trên tuyến Quốc lộ 1A cũ thuận lợi hơn. Thứ nhất là mặt đường êm hơn, đường cong đứng ít, xe khách qua khu vực dân cư bắt khách, trả khách thuận lợi hơn. Phía chuyên môn thì an toàn giao thông là trên hết, còn vấn đề quan tâm đời sống các hộ dân thì thực ra không phải trách nhiệm của Chi cục, mà Chi cục cũng không quan tâm đến chuyện đó” – ông Thủy nói thêm.
Có thể nói, cấm xe lưu thông trên Quốc lộ 1A đoạn qua hai huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh chưa phải là biện pháp tối ưu nhất để giảm thiểu tai nạn giao thông. Hơn nữa việc đề xuất của UBND tỉnh Quảng Bình về cấm đường vào Quốc lộ 1A đã không đồng thuận với nguyện vọng của đại bộ phận người dân sống dọc theo tuyến đường, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng ngàn người dân và hoạt động giao thông vận tải bình thường. Dư luận đặt ra câu hỏi việc có hay không có sự “ủng hộ” của chính quyền để doanh nghiệp “ép” phương tiện tham gia giao thông vào đường có thu phí. Thiết nghĩ, UBND tỉnh Quảng Bình cần xem xét, giải pháp thích hợp về việc phân luồng, cấm đường để đảm bảo cuộc sống bình yên cho người dân trên địa bàn.