(Congannghean.vn)-Những năm qua, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các ban, ngành và người dân, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tai nạn giao thông (TNGT) tiếp tục được kéo giảm cả 3 tiêu chí. Tuy nhiên, trước những thách thức trong việc giảm thiểu tình trạng vi phạm, TNGT đối với người dân, đặc biệt là trẻ em đòi hỏi tinh thần trách nhiệm, sự quyết liệt hơn nữa của lực lượng chức năng và cộng đồng xã hội. “ATGT cho trẻ em” không chỉ dừng lại ở một chương trình cụ thể, mà cần khơi dậy ý thức, sự chung tay của mỗi người dân.
Bài 2: Hơn 1 thập kỷ với quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm
Cách đây gần 11 năm, quy định bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm (MBH) khi đi môtô, xe gắn máy có hiệu lực ở Việt Nam. Nghị quyết số 32 của Chính phủ đã quy định: “Từ ngày 15/12/2007, người đi môtô, xe gắn máy trên tất cả các tuyến đường bắt buộc phải đội MBH”; Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: “Người điều khiển, người ngồi trên xe môtô hai bánh, xe môtô ba bánh, xe gắn máy phải đội MBH có cài quai đúng quy cách”. Trên thực tiễn, quy định bắt buộc đội MBH đã góp phần kéo giảm nguy cơ tử vong và chấn thương khi bị va chạm giao thông cho người dân, nhất là đối với trẻ em. Những mất mát do TNGT có thể tránh và giảm nếu người lớn, trẻ nhỏ đội MBH đúng cách và đảm bảo chất lượng.
Công an TP Vinh phát hiện cơ sở kinh doanh mũ bảo hiểm không đạt chất lượng |
Vào cuộc quyết liệt
Sau khi có Nghị quyết 32 của Chính phủ, các cấp, ngành tỉnh Nghệ An đã cụ thể hóa bằng các văn bản chỉ đạo sát với tình hình thực tiễn địa phương, đưa nội dung “Bắt buộc đội MBH khi ngồi trên môtô, xe gắn máy” là nội dung quan trọng trong các kế hoạch tuyên truyền, phổ biến về trật tự ATGT hàng năm. 100% trường học trên địa bàn tỉnh đều đưa quy định pháp luật về đội MBH cho trẻ em; triển khai kế hoạch “Ngày cao điểm” tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm quy định bắt buộc đội MBH đối với trẻ em trên bảng tin nhà trường; thường xuyên lồng ghép vào nội dung sinh hoạt đầu tuần, lễ chào cờ, sinh hoạt lớp, sinh hoạt Đoàn, Hội... và tổ chức học sinh, phụ huynh ký cam kết nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về trật tự ATGT; trong đó, quán triệt quy định pháp luật về đội MBH khi ngồi trên môtô, xe gắn máy, xe đạp điện ngay từ đầu năm học.
“Vào mỗi năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nghệ An đều có nội dung tuyên truyền về ATGT trường học nói chung và đội MBH nói riêng. Đối với các bậc học, nội dung và hình thức sẽ được thiết kế phù hợp với từng lứa tuổi. Trong đó, đưa tiêu chí 100% học sinh đội MBH khi ngồi trên xe môtô vào đánh giá xếp loại thi đua cho từng đơn vị trường học theo từng năm học. Mục đích cao nhất là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hình thành ý thức, thói quen đội MBH cũng như ý thức tự giác chấp hành quy định bắt buộc đội MBH trong học sinh trên địa bàn toàn tỉnh”, ông Phạm Viết Tỏa, chuyên viên Sở GD&ĐT cho biết.
Cùng với các ban, ngành, những năm qua, Công an Nghệ An đã có nhiều hoạt động nhằm tạo sự chuyển biến về quy định đội MBH cho người tham gia giao thông, nhất là trẻ em. Công an tỉnh đã phối hợp với Công ty Honda Việt Nam, các doanh nghiệp tư nhân đóng trên địa bàn tổ chức hơn 100 buổi tuyên truyền quy định pháp luật, kỹ năng điều khiển, phát MBH và hướng dẫn đội MBH đúng quy cách cho đoàn viên, học sinh với hơn 80.000 người tham gia.
Song hành cùng các lực lượng chức năng, các doanh nghiệp đã phối hợp tuyên truyền quy định pháp luật về trật tự ATGT và hỗ trợ MBH đạt chuẩn cho các hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh: Công ty Yamaha Việt Nam trao tặng 1.000 MBH cho trẻ em TP Vinh, Công ty Mai Linh trao tặng 100 MBH cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn, Công ty sản xuất thép Định Nhàn trao tặng 200 MBH cho học sinh THCS trên địa bàn tỉnh...
Đồng thời, Ban ATGT cũng đã phối hợp với các đơn vị cung cấp MBH đạt chuẩn, triển khai chương trình hỗ trợ người dân đổi MBH đạt chuẩn. Theo đó, với cách làm này, người dân sẽ mang MBH cũ, không đảm bảo chất lượng đến các điểm quy định sẽ được nhân viên hướng dẫn đổi lấy MBH đảm bảo chất lượng với mức trợ giúp từ 30.000 - 100.000 đồng/chiếc. Sau một thời gian triển khai, trên địa bàn tỉnh đã đổi được hơn 2.000 MBH đạt chuẩn cho người dân và hướng dẫn, tuyên truyền cho nhân dân cách nhận biết MBH đạt chất lượng.
Trong năm học 2018 - 2019, để hưởng ứng “Năm ATGT 2018” với chủ đề: “ATGT cho trẻ em”, xa hơn là hướng tới mục tiêu quan trọng đến năm 2020, nâng tỉ lệ đội MBH cho trẻ em lên mức 80%, Ủy ban ATGT Quốc gia đã phối hợp với Bộ GD&ĐT và Công ty Honda Việt Nam tổ chức chương trình tặng gần 2 triệu MBH đạt chuẩn cho tất cả học sinh lớp 1 trên phạm vi cả nước, trong đó Nghệ An được trao tặng 75.000 chiếc. Đây là hoạt động có sức ảnh hưởng rộng lớn, góp phần gia tăng tỉ lệ trẻ em đội MBH đạt chuẩn khi tham gia giao thông, từ đó tác động đến nhận thức của phụ huynh học sinh nói riêng và cộng đồng nói chung về việc đội MBH cho con em mình.
Vào sáng 15/10 vừa qua, Thường trực Ban ATGT tỉnh phối hợp với Sở GD&ĐT tổ chức Lễ trao tặng MBH cho 256 học sinh lớp 1 tại Trường Mầm non Hưng Phúc, TP Vinh. Đây là một trong những hoạt động nằm trong chuỗi chương trình nâng cao nhận thức và thói quen văn hóa giao thông cho trẻ.
Công an Nghệ An tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho học sinh |
Xử lý nghiêm việc sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm kém chất lượng
Theo bà Thái Thị Hồng Liên, Chi cục phó Chi cục Tiêu chuẩn Đo Lường chất lượng kiêm Trưởng phòng Tiêu chuẩn chất lượng, Sở Khoa học - Công nghệ Nghệ An, trên địa bàn tỉnh hiện nay xuất hiện các loại MBH cho người đi xe môtô, xe máy có kiểu dáng tương tự MBH không đảm bảo chất lượng. Thực trạng này đang có chiều hướng gia tăng với sự “biến tấu” các loại MBH như mũ thời trang, mũ dành cho người đi bộ, mũ dành cho người chơi thể thao... Các cơ sở kinh doanh cũng đã rất tinh vi khi trà trộn giữa hàng thật và hàng nhái, làm cho người tiêu dùng khi mua hàng khó phân biệt. Các loại mũ này có giá rẻ từ 40.000 - 100.000 đồng/chiếc tùy theo loại và được bày bán tại các điểm di động như trên vỉa hè, hai bên lề đường. Do đó, rất khó khăn cho các cơ quan quản lý trong thực thi nhiệm vụ.
Qua kiểm tra thực tế của các đoàn liên ngành cho thấy, các cơ sở kinh doanh và phân phối MBH với quy mô và số lượng lớn chủ yếu tập trung tại TP Vinh. Một số hãng sản xuất còn tìm cách gây hiểu lầm khi “nhái” giống tên thương hiệu lớn để khiến người tiêu dùng khó phân biệt. “Trong từng năm, các đoàn liên ngành sẽ phối hợp tăng cường thanh, kiểm tra các cơ sở kinh doanh, sản xuất, nhập khẩu MBH trên địa bàn toàn tỉnh. Thời gian qua, Công an tỉnh đã phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường, Thanh tra ngành Khoa học - Công nghệ, các địa phương phát hiện, bắt giữ 12 vụ mua bán, vận chuyển MBH không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, tịch thu 2.500 MBH, xử phạt 24.150.000 đồng”, bà Liên cho biết thêm. Các lỗi chủ yếu gồm MBH không có hóa đơn, chứng từ liên quan đến nguồn gốc hàng hóa, vi phạm quy định ghi nhãn, tem hàng hóa, MBH giả nhãn hiệu và xâm phạm sở hữu công nghiệp.
Trên thực tiễn, do chưa hiểu hết tác dụng của việc đội MBH đạt chuẩn, nhiều phụ huynh, học sinh chọn lựa các kiểu mũ thời trang. Tình trạng một số cơ sở kinh doanh mũ không đảm bảo chất lượng vẫn còn tồn tại. Rõ ràng, các bậc phụ huynh đều có lý do cho việc không đội MBH mà quên rằng, sự an toàn của con, em họ mới là điều quan trọng nhất. Bởi xảy ra va chạm giao thông, một trong những biện pháp hữu hiệu để giảm thiểu TNGT cho người sử dụng xe môtô, xe gắn máy là việc bắt buộc đội MBH đạt chuẩn. Đội MBH đạt chuẩn là biện pháp duy nhất, hiệu quả nhất để phòng tránh chấn thương vùng đầu và tử vong do TNGT gây ra.
Hơn 10 năm sau khi quyết định bắt buộc đội MBH đối với người đi môtô, xe gắn máy đi vào cuộc sống, theo số liệu từ các cơ quan chức năng thì tỉ lệ người dân chấp hành đạt hơn 90%. Điều này đã góp phần kéo giảm số người thiệt mạng vì TNGT xuống dưới con số 9.000 người mỗi năm, đồng thời cũng đã hạn chế được nhiều thương tích nặng như chấn thương sọ não. Còn theo báo cáo nghiên cứu, 500.000 ca chấn thương đầu và 15.000 ca tử vong đã được ngăn chặn nhờ sự gia tăng đội MBH trong 10 năm qua. Tuy nhiên, tỉ lệ đội mũ cho trẻ em - đối tượng dễ bị tổn thương nhất do TNGT vẫn ở mức thấp, chỉ 35 - 40%. Dù các cấp, ngành đã vào cuộc quyết liệt, tạo nên những chuyển biến rõ ràng nhưng ý thức của phụ huynh, học sinh về đội MBH và các quy định liên quan khi tham gia giao thông vẫn còn nhiều tồn tại, đòi hỏi phải có một giải pháp căn cơ, mạnh mẽ và thực chất hơn nữa.