(Congannghean.vn)-Nhiều hợp tác xã (HTX) vận tải được thành lập nhưng không phát huy tính ưu việt trong liên kết xã viên để tạo ra năng lực tổng hợp của kinh tế tập thể, mà chủ yếu để thu tiền, “bán” phù hiệu, không nắm bắt được xã viên hoạt động ra sao… Những tồn tại này gây ra không ít khó khăn, hệ lụy trong công tác giám sát, quản lý hoạt động của các HTX vận tải hiện nay.
Nhiều HTX vận tải thành lập để thu tiền xã viên và “bán” phù hiệu vận tải |
Láo nháo như… HTX vận tải!
Hiện nay, trên địa bàn Nghệ An có nhiều mô hình HTX vận tải đang hoạt động, quản lý hàng nghìn xã viên kinh doanh trong lĩnh vực vận tải. Bên cạnh những mặt ưu việt, mô hình HTX hiện đang bộc lộ nhiều bất cập, mà nói như Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Nghệ An Nguyễn Văn Hùng tại Hội nghị sơ kết thực hiện Luật HTX năm 2012 trong lĩnh vực giao thông vận tải, diễn ra tại Hà Nội vào cuối tháng 6/2017 thì, hiện phần lớn các HTX vận tải hành khách trên địa bàn chỉ lo làm thủ tục với Sở Giao thông Vận tải (GTVT) và kiểm soát dữ liệu thiết bị giám sát hành trình thay các hộ cá thể. Chủ nhiệm HTX (nay là giám đốc) hầu như không có tiếng nói gì đối với xã viên.
Đó là thực trạng đáng buồn, bởi hiện nay hoạt động của nhiều HTX vận tải, cơ quan chức năng hữu quan không nắm được chính xác số lượng xã viên, việc HTX có ký hợp đồng với xã viên và nhân viên hay không, hay đơn thuần chỉ làm thuê, “bán” phù hiệu vận tải rồi bỏ mặc cho doanh nghiệp, cá nhân muốn hoạt động ra sao thì hoạt động. Đặc biệt là từ sau ngày 1/7/2018, khi Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ về “Kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô” bắt buộc tất cả xe tải từ 3,5 đến dưới 7 tấn dù không kinh doanh vận tải vẫn phải đăng ký kinh doanh lại để được cấp phù hiệu có hiệu lực, tình trạng “bán” phù hiệu này diễn ra khá nhộn nhịp.
Theo quy định của Luật HTX thì các HTX phải thực hiện việc ký hợp đồng lao động đối với người lao động, và bản chất liên kết các xã viên để tạo ra năng lực tổng hợp của kinh tế tập thể đang diễn ra diện rộng. Trên thực tế tại Nghệ An và cả nước nói chung, các HTX vận tải hiện không phát huy được điều này, thậm chí nhiều HTX còn không có cả tài sản chung, phương pháp quản lý yếu kém, khi xảy ra sự cố liên quan đến kinh doanh vận tải đối với phương tiện được cấp phù hiệu (nói đúng ra là xã viên), nhiều HTX cũng không nắm bắt được.
Trước sự “láo nháo” này của các HTX kinh doanh vận tải, thời gian gần đây, Sở GTVT Nghệ An đã có những động thái tích cực, mạnh tay siết chặt hoạt động của các HTX trong lĩnh vực linh doanh này. Mới đây nhất, ngày 25/7, Sở có Quyết định 487 xử lý vi phạm đối với các phương tiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô trên địa bàn Nghệ An. Theo Quyết định này, có 12 xe trước đó đã có quyết định thu hồi phù hiệu nhưng không nộp lại cho cơ quan chức năng nên đã bị thu hồi, không cấp lại trong thời gian 6 tháng vì vi phạm tốc độ.
Cũng lỗi này, có đến 30 xe bị thu hồi phù hiệu 1 tháng vì vi phạm từ lần thứ 2 trở lên và cảnh cáo 42 xe vi phạm lần đầu. Cụ thể, 12 xe bị thu hồi và không cấp lại trong thời gian 6 tháng thuộc sự quản lý của các HTX: Trung Trầm (2 xe), Bông Sen, Thanh Anh, Dũng Anh, Huy Hải, Hòa Quang, Miền Tây, Lộc Thủy, Quang Thái, Thanh Hồng Sơn và HTX Thành Vinh. Nguyên nhân, dữ liệu trích xuất từ hệ thống quản lý thiết bị giám sát hành trình của Tổng cục Đường bộ Việt Nam trong tháng 6/2018 của các phương tiện kinh doanh vận tải có từ 5 lần vi phạm tốc độ/1.000 km xe chạy trở lên (không tính các lần vi phạm tốc độ dưới 5km/h).
Siết chặt quản lý
Đối với các xe không truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ, Sở GTVT Nghệ An cũng đã từ chối các thủ tục hành chính liên quan đối với các đơn vị vận tải có số lượng lớn phương tiện không truyền dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình về Tổng cục Đường bộ. Có ít nhất 20 HTX nằm trong danh sách này, trong đó có những đơn vị có số lượng lớn phương tiện “bặt vô âm tín” như HTX Dịch vụ vận tải Hòa Quang (175 phương tiện); HTX Tiến Thành (151 phương tiện); HTX Dịch vụ vận tải và Thương mại Sông Lam (150 phương tiện); HTX Sự Chuyên (149 phương tiện); HTX Vận tải Thành Vinh (144 phương tiện); HTX Miền Trung (135 phương tiện); HTX Dịch vụ vận tải Trung Minh (114 phương tiện)...
Ông Nguyễn Sỹ Thắng, Chánh Thanh tra Sở GTVT Nghệ An cho biết: Ngay sau khi Sở GTVT có Quyết định 487, Thanh tra Sở cũng đã thành lập tổ công tác, kiên quyết cưỡng chế, thu hồi phù hiệu và xử lý nghiêm đối với các đơn vị kinh doanh cố tình không chấp hành. Ngoài ra, đơn vị cũng đã đôn đốc, chỉ đạo các đội Thanh tra khu vực tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm hoặc cố tình không chấp hành. Lực lượng Thanh tra Sở GTVT cũng đã thành lập đoàn kiểm tra tại các đơn vị vận tải.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Viết Hùng, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Nghệ An cho biết thêm, hiện tại những phương tiện có danh sách thông báo vi phạm trong tháng 6 (vi phạm tốc độ và không truyền dữ liệu giám sát hành trình), doanh nghiệp đã khắc phục được khoảng 70%, số còn lại theo báo cáo của các HTX là do phương tiện hư hỏng, chạy theo thời vụ… nên chưa nộp lại được.
Trước đó, để siết chặt quản lý hoạt động của các phương tiện vận tải thông qua các HTX vận tải, ngày 26/3/2018, Sở GTVT đã có Công văn 836, yêu cầu các doanh nghiệp vận tải duy trì các điều kiện về kinh doanh vận tải. Tiếp đó, ngày 13/7, Sở GTVT tiếp tục có Công văn 2053, chấn chỉnh lắp định vị và duy trì các thiết bị giám sát hành trình trên các phương tiện vận tải theo quy định. Trước đó, hàng tháng, Phòng quản lý vận tải cũng đã tham mưu, ban hành các quyết định xử phạt đối với những trường hợp vi phạm. Số liệu thống kê cho thấy, trên địa bàn Nghệ An tính đến thời điểm hiện nay, có 19 HTX vận tải hoạt động theo mô hình HTX vận tải và có khoảng 300 đơn vị kinh doanh vận tải đang hoạt động.
Cũng theo Trưởng phòng Quản lý vận tải, bên cạnh lỗi vi phạm tốc độ, Sở GTVT siết chặt phương tiện không truyền dữ liệu giám sát hành trình về Tổng cục Đường bộ, là bởi khi có sự cố về vận tải xảy ra, không có dữ liệu này sẽ gây khó khăn cho công tác điều tra của các cơ quan chức năng có thẩm quyền; hoạt động này bị gián đoạn cũng gây khó trong việc xử lý vi phạm của các lực lượng như Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông cũng như hỗ trợ công tác kiểm tra, xử lý và quản lý về mặt Nhà nước trong công tác quản lý phương tiện vận tải.
Đơn cử, chiều 13/4/2017, trên QL1A đoạn qua xã Nghi Trung (Nghi Lộc), xe khách BKS 37B-006.70 thuộc HTX DVVT&TM Miền Tây quản lý, đang lưu thông bất ngờ nổ lốp, bốc cháy dữ dội. Sau khi sự việc xảy ra, Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiểm tra và phát hiện, xe khách này đã không truyền dữ liệu về Tổng cục trước và sau thời điểm xảy ra tai nạn. Kiểm tra 105 phương tiện thuộc HTX này quản lý, có 46 xe không có dữ liệu giám sát hành trình trong thời gian từ ngày 1 - 30/4/2017.