An toàn giao thông
Cần xử lý nghiêm hành vi sử dụng điện thoại khi lái xe
(Congannghean.vn)-Theo quy định tại Điểm l, Khoản 3, Điều 5, Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, phạt tiền từ 600 - 800 nghìn đồng đối với người điều khiển xe ôtô và các loại xe tương tự xe ôtô dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường. Quy định trên đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2017, nhưng hiện nay, nhiều người vẫn không chấp hành.
Tình trạng người dân vừa điều khiển phương tiện vừa sử dụng điện thoại diễn ra phổ biến |
Vi phạm phổ biến
Thực tế, việc sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông diễn ra rất phổ biến. Có mặt trên đại lộ Lê Nin (TP Vinh) lúc 17 giờ 30 phút ngày 14/8/2017, trong thời gian 30 phút, chúng tôi phát hiện được hơn 20 trường hợp người điều khiển ôtô, xe máy, xe đạp điện 1 tay điều khiển phương tiện, tay còn lại cầm điện thoại nhắn tin, gọi điện khi xe vẫn lao vun vút. Dù lưu lượng phương tiện rất đông, người đàn ông trung niên điều khiển xe máy vẫn một tay đưa điện thoại áp vào tai, một tay điều khiển xe lao vút về phía trước. Vài chục giây sau, cũng tại đoạn đường này, 1 nam thanh niên khác điều khiển xe máy một tay, tay kia lướt bàn phím điện thoại nhắn tin. Đến khu vực chờ đèn đỏ, do không để ý phía trước, người thanh niên phanh dúi dụi trước sự bức xúc của nhiều người đi đường.
Tình trạng sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông phổ biến tại rất nhiều tuyến đường, nhất là tại các nút giao thông. Khi đèn tín hiệu chuyển đỏ, hàng loạt các chủ phương tiện bắt đầu mở điện thoại ra sử dụng. Đến khi đèn chuyển xanh, các phương tiện phía sau còi inh ỏi, những người sử dụng điện thoại mới tá hỏa một tay cầm điện thoại, một tay lái xe qua nút giao thông. Ngoài việc sử dụng điện thoại để nghe, gọi, nhiều người thậm chí còn dùng điện thoại nhắn tin, nghe nhạc, lướt mạng khi đang điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Chị Nguyễn Thị Lâm - một người điều khiển phương tiện tham gia giao thông bức xúc: “Hiện nay, tôi thấy nhiều người đang lái ôtô nhưng vẫn sử dụng điện thoại. Có nhiều trường hợp vì mải nghe điện thoại khi lái xe, tài xế qua đường thiếu quan sát, chuyển hướng không báo hiệu, đèn đỏ quên dừng lại…, gây bất bình cho những người điều khiển phương tiện cùng lưu thông, thậm chí xảy ra tai nạn”.
Người tham gia giao thông vừa điều khiển phương tiện vừa sử dụng điện thoại |
Khó trong xử lý
Đại tá Cao Minh Phượng, Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ, đường sắt Công an tỉnh cho biết, tình trạng sử dụng điện thoại khi lái xe diễn ra rất phổ biến, đặc biệt là với người lái xe ôtô. Đáng lo ngại hơn, những hành vi vi phạm này lại đang lan rộng với sự tham gia đa dạng của các lứa tuổi, phương tiện tham gia giao thông. Khi vừa điều khiển phương tiện tham gia giao thông vừa sử dụng điện thoại di động, tư tưởng lái xe sẽ bị phân tán, khả năng quan sát bị ảnh hưởng, việc điều khiển phương tiện kém nhanh nhạy. Vì vậy, việc tăng cường xử lý người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sử dụng điện thoại sẽ giảm được TNGT, đảm bảo ATGT cho cá nhân và những người xung quanh. Tuy nhiên, để xử phạt hành vi này rất khó khăn bởi hành vi này diễn ra rất nhanh, việc ghi lại hình ảnh để chứng minh vi phạm gần như không thể.
Để xử lý hành vi sử dụng điện thoại lúc đang lái xe ôtô, xe máy, ngoài việc tăng cường tuần tra kiểm soát, lực lượng CSGT sẽ thường xuyên trích xuất dữ liệu từ hệ thống camera giám sát để lấy chứng cứ xử phạt tài xế vi phạm. Bên cạnh đó, để giúp người tham gia giao thông hiểu rõ tác hại của việc sử dụng điện thoại khi đang điều khiển phương tiện tham gia giao thông, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho người dân ý thức chấp hành tốt các quy định mới trong Nghị định 46 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trong đó có quy định cấm sử dụng điện thoại trong khi đang lái xe và chế tài xử phạt đối với những trường hợp vi phạm.
Trước nguy cơ mất ATGT từ việc vừa lái xe vừa dùng điện thoại, rất cần các tổ chức đoàn thể, trường học, gia đình vào cuộc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân. Chấp hành tốt quy định về ATGT không chỉ tránh được những nguy cơ cho bản thân mà còn giúp người khác đi lại an toàn.
Cao Loan