An toàn giao thông
Nhiều chuyển biến trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông
(Congannghean.vn)-Thời gian qua, tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) ở Nghệ An có nhiều chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông (TNGT) giảm cả 3 tiêu chí. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, cần các biện pháp quyết liệt hơn nữa nhằm xử lý những hành vi vi phạm về TTATGT, góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn.
Nhiều tín hiệu đáng mừng
Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2017, tình hình TTATGT trên địa bàn có nhiều tín hiệu đáng mừng, TNGT giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2016. Cụ thể, toàn tỉnh xảy ra 134 vụ TNGT, làm chết 105 người, bị thương 100 người (giảm 25 vụ, giảm 6 người chết, giảm 13 người bị thương so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, chủ yếu là TNGT đường bộ; giao thông đường thủy không xảy ra vụ tai nạn nào. Trên địa bàn không xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài trên các tuyến.
Cán bộ, chiến sỹ Trạm Cảnh sát Giao thông Diễn Châu xử lý tài xế xe khách vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông |
Có được kết quả trên, trước hết là nhờ sự quyết tâm cao của cấp uỷ, chính quyền địa phương đã kiên quyết thực hiện mục tiêu giảm thiểu TNGT. Hàng tháng, từ tỉnh đến cơ sở đều kiểm điểm công tác đảm bảo TTATGT, kịp thời đưa ra những ý kiến chỉ đạo để chính quyền các cấp triển khai thực hiện. UBND tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã ban hành chương trình, kế hoạch triển khai phù hợp với từng địa phương; triển khai kế hoạch tuyên truyền lập lại hành lang ATGT đường bộ, đường sắt... Sở Giao thông Vận tải (GTVT) và Công an tỉnh đã tiến hành triển khai các đợt cao điểm đảm bảo TTATGT; chỉ đạo các lực lượng tuần tra, kiểm soát 24/24 giờ, tập trung vào các thời điểm và những tuyến đường thường xảy ra TNGT, giải toả hành lang ATGT.
Đặc biệt, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT được đổi mới với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, từ đó có tác dụng nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của mọi người dân khi tham gia giao thông; xây dựng nét đẹp văn hóa giao thông trong cộng đồng dân cư. Trong đó, chú trọng tuyên truyền trực tiếp đến người tham gia giao thông, nhất là việc chấp hành đội mũ bảo hiểm. Ban ATGT các cấp đã phối hợp với ngành Giáo dục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ATGT trong các trường học, qua đó, nhận thức và ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của cán bộ, giáo viên và học sinh được nâng lên rõ rệt.
Cùng với công tác tuyên truyền, lực lượng Công an đã huy động tối đa lực lượng, thường xuyên mở các chuyên đề xử lý vi phạm về TTATGT. Trong 6 tháng qua, lực lượng CSGT Công an tỉnh đã tiến hành kiểm tra, phát hiện và xử lý 56.727 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, với các lỗi vi phạm chủ yếu như: Chở quá số người quy định, chạy quá tốc độ, đón trả khách, để hàng hóa trên xe không đúng quy định và đi môtô, xe máy không đội mũ bảo hiểm…
Bên cạnh đó, Công an tỉnh còn mở nhiều chuyên đề về xử lý vi phạm nồng độ cồn, chở quá tải trọng, xử lý xe quá khổ, quá tải... và phân công lực lượng làm tốt công tác điều tiết giao thông ở những nút giao thông quan trọng. Trên lĩnh vực giao thông đường thủy, các ngành chức năng đã tiến hành 18 lượt kiểm tra các bến đò chở khách, phát hiện và lập biên bản, xử lý 193 trường hợp vi phạm.
Cùng với Công an tỉnh, Sở GTVT đã chỉ đạo Thanh tra Giao thông phối hợp với các lực lượng chức năng và các địa phương thực hiện tốt công tác TTKS, rà soát việc đảm bảo TTATGT, chấn chỉnh hoạt động vận tải tại các bến xe khách. Qua đó, phát hiện, kiến nghị khắc phục các hư hỏng về hạ tầng giao thông và xử lý nghiêm các vi phạm về TTATGT. Đặc biệt là phối hợp kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm chở hàng quá tải trọng của xe ôtô vận chuyển hàng hóa. Kết quả, đã tiến hành kiểm tra 3.710 xe ôtô, lập biên bản xử lý hành chính 1.255 trường hợp với số tiền phạt gần 3 tỉ đồng, tước giấy phép lái xe 266 trường hợp.
Bên cạnh đó, ngành GTVT phối hợp các ngành chức năng, các địa phương đã tập trung xóa các “điểm đen” tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT, bổ sung và hoàn thiện hệ thống biển báo hiệu đường bộ... tại các vị trí đi qua khu đông dân cư và xung yếu; giải tỏa các điểm lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè, hành lang đường bộ, đường sắt để buôn bán, họp chợ. Công tác quản lý vận tải được thực hiện tốt. Ngoài ra, các trung tâm đào tạo sát hạch lái xe trên địa bàn tỉnh chú trọng thực hiện công tác tổ chức đào tạo, sát hạch cấp mới GPLX cho nhân dân theo quy định, đảm bảo chất lượng và hiệu quả.
Còn nhiều nỗi lo
Mặc dù đã có những tín hiệu đáng mừng, nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều nỗi lo và nguy cơ tiềm ẩn về TNGT. Đơn cử, 6 tháng đầu năm 2017, số người chết do TNGT vẫn ở mức cao. Trong đó, chiếm tỉ lệ cao nhất là TNGT đường bộ với 122 vụ, làm chết 99 người, bị thương 94 người; đường sắt xảy ra 12 vụ, làm chết 6 người, bị thương 6 người. Theo bảng phân tích nguyên nhân gây ra TNGT của Sở GTVT, phần lớn các vụ tai nạn xảy ra do người điều khiển phương tiện không chú ý quan sát (chiếm 30,6%). Ngoài ra, còn do người điều khiển phương tiện đi sai phần đường, làn đường (chiếm 22,4%), không làm chủ tốc độ (chiếm 19,3%), tránh vượt sai quy định (chiếm 9,7%), chuyển hướng sai, không nhường đường...
Ông Võ Minh Đức, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết: Thời gian qua, các đơn vị chức năng đã có nhiều nỗ lực trong công tác đảm bảo TTATGT, nhưng điều đáng lo ngại nhất là TNGT trên tuyến Quốc lộ 1A còn nhiều (chiếm 38% số vụ). Ngoài ra, TNGT tại đường liên thôn, liên xã trong 6 tháng đầu năm gia tăng và có những diễn biến phức tạp. Một số địa phương tăng số người chết do TNGT như: Thanh Chương tăng 14 người, Quỳ Hợp tăng 9 người, Yên Thành tăng 2 người, Nghi Lộc tăng 1 người, Tương Dương tăng 2 người, Thái Hòa tăng 2 người. Trong đó, các huyện Thanh Chương, Quỳ Hợp, Nghi Lộc TNGT tăng cả 3 tiêu chí.
Cũng theo ông Võ Minh Đức, một điều lo ngại nữa là vẫn còn nhiều người dân khi tham gia giao thông có ý thức chấp hành kém hoặc việc chấp hành chỉ mang tính đối phó. Bởi theo điều tra, các vụ TNGT xảy ra phần lớn đều do tính chủ quan hoặc ý thức chấp hành các quy định về TTATGT của người tham gia giao thông còn hạn chế. Các lỗi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ra các vụ TNGT như: Điều khiển phương tiện khi đã sử dụng rượu, bia quá nồng độ quy định, chạy quá tốc độ, đi không đúng phần đường, tránh vượt không đúng quy định, chuyển hướng không báo trước hoặc không quan sát…
Để tạo sự chuyển biến tích cực hơn nữa trong công tác đảm bảo TTATGT, các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể và mỗi người dân phải xác định đây là trách nhiệm của toàn xã hội. Việc đảm bảo TTATGT phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình thực tế ở mỗi địa phương. Cần tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là đối với người điều khiển phương tiện giao thông; nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước của các cơ quan chức năng; kiên quyết xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm gây TNGT, các vi phạm lấn chiếm hành lang ATGT; nâng cao chất lượng đào tạo, quản lý người điều khiển phương tiện giao thông… Có như vậy, công tác đảm bảo TTATGT mới phát huy hiệu quả và mang tính bền vững.
Cao Loan