An toàn giao thông

Quyết liệt xử lý xe tự chế

08:06, 14/08/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Theo Nghị quyết số 32 ngày 29/6/2007 của Chính phủ, từ ngày 1/1/2008, xe tự chế 3 - 4 bánh không được phép lưu hành tại Việt Nam, bởi không đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật về ATGT. Song, hiện nay, tại Nghệ An, nhất là ở khu vực nông thôn vẫn còn tình trạng người dân sử dụng xe tự chế chở hàng hóa, thậm chí chở người. Các phương tiện xe tự chế được xem như “hung thần” khi tham gia giao thông, tiềm ẩn nguy cơ TNGT cao.

Xe tự chế được xem là “hung thần” trên các tuyến đường
Xe tự chế được xem là “hung thần” trên các tuyến đường

Dọc các tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh không khó để bắt gặp hình ảnh xe tự chế băng băng trên đường. Theo quan sát, đại đa số đều gồm một thùng xe kiểu dạng ba gác bằng khung sắt được gắn với một động cơ có sẵn để tham gia lưu thông trên đường. Nó có thể gắn đằng sau động cơ xe máy hoặc gắn trước và sau động cơ máy cày đa chức năng và thường được gọi là công nông tự chế. Đặc biệt, chúng tôi còn bắt gặp cảnh 2 xe nối lại để chở sắt thép xây dựng có chiều dài như một xe container chuyên dụng. Rất nhiều người tham giao thông cũng như người dân sống 2 bên đường đều tỏ ra lo lắng khi gặp hoặc chứng kiến những chiếc xe như thế này lưu thông trên đường.

Để xử lý các phương tiện tham gia giao thông là xe tự chế như: công nông, xe trộn bê tông, xe 3 bánh..., thời gian qua, các lực lượng chức năng đã tích cực phối hợp với các cơ quan, ban, ngành tuyên truyền tới từng hộ dân; đồng thời, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) kiên quyết xử lý, thu giữ và tiêu hủy các phương tiện này. Tuy nhiên, để người dân hiểu và thi hành quy định này còn gặp nhiều bất cập.

Để hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết 32, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 548/QĐ-TTg ngày 24/9/2009, về việc hỗ trợ thay thế xe công nông, xe cơ giới tự chế. Theo đó, mỗi chủ phương tiện được hỗ trợ 5 triệu đồng khi thực hiện thay thế xe và thêm 4 triệu đồng khi chuyển đổi sang nghề khác. Thực hiện Quyết định này, UBND tỉnh đã hỗ trợ 9.036 phương tiện với số tiền gần 51.692 tỉ đồng, để các chủ phương tiện thay thế hoặc chuyển đổi. Tuy nhiên, theo thống kê của Thanh tra Sở Giao thông Vận tải, hiện vẫn còn trên 2/3 số phương tiện đã được hỗ trợ theo Quyết định 548 hoạt động trên các tuyến giao thông.

Nguyên nhân không phải do lực lượng chức năng không làm quyết liệt, mà vì người điều khiển xe hoạt động lén lút; thêm nữa, các cơ sở sản xuất xe sẵn sàng chiều “thượng đế” khi có nhu cầu. Được biết, để có được một chiếc xe tự chế, người dân chỉ cần bỏ ra khoảng 10 - 30 triệu đồng nhưng sử dụng để chở đủ loại như lúa, hoa màu, dụng cụ nông nghiệp và vật liệu xây dựng. Ngoài ra, do giá cả vận chuyển thường rất rẻ nên hầu hết người dân đều lựa chọn loại phương tiện này để vận chuyển hàng hóa. Đặc biệt, tại những xã dọc sông, có các bến bãi tập kết vật liệu xây dựng và kinh doanh, buôn bán hàng hóa, hiện tượng xe tự chế hoạt động khá phổ biến.

Cũng chính vì hoạt động lén lút, chủ yếu ở khu vực nông thôn, vắng bóng CSGT, nên việc xử lý xe tự chế gặp rất nhiều khó khăn. Thời gian qua, Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an các huyện, thành, thị phối hợp với lực lượng CSGT ra quân xử lý xe tự chế, với quyết tâm loại bỏ loại xe này ra khỏi các tuyến đường.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, xe tự chế đang hoạt động là loại xe được lắp ráp từ các động cơ diezel một xi lanh và tận dụng các linh kiện, tổng thành ôtô hư hỏng (còn gọi là xe độ chế) và xe tự chế 3 - 4 bánh (không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thiết kế, không được đăng ký, đăng kiểm theo quy định), không đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; tham gia giao thông trái phép trên các tuyến đường trên địa bàn tỉnh; người điều khiển xe độ chế phần lớn chưa qua đào tạo, sát hạch, không có giấy phép lái xe, vận chuyển hàng hóa cồng kềnh, quá tải, phóng nhanh, vượt ẩu, nguy hiểm nhất là khi lưu thông vào ban đêm không có còi, đèn; hệ thống phanh không đảm bảo an toàn kỹ thuật, ảnh hưởng đến TTATGT, đã gây ra nhiều vụ TNGT rất nghiêm trọng, gây dư luận bất bình trong nhân dân.

Do vậy, để hạn chế nguy cơ TNGT do loại phương tiện này gây ra, các cơ quan chức năng cần có biện pháp kiên quyết thực hiện việc đình chỉ lưu hành xe tự chế theo quy định và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động chủ phương tiện và nhân dân thực hiện nghiêm các quy định của Chính phủ.

Cao Loan

Các tin khác