An toàn giao thông

Thực trạng và giải pháp đảm bảo ATGT trong hoạt động của xe bus (Bài 2)

08:28, 29/07/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Bài 1: Những bất cập và hệ lụy trong hoạt động của xe buýt

(Congannghean.vn)-Xe buýt là phương tiện vận tải giao thông công cộng không thể thiếu đối với nhu cầu đi lại của người dân, góp phần giải quyết "bài toán" ùn tắc giao thông thành thị. Ở Nghệ An, loại hình vận tải này cũng được UBND tỉnh quan tâm, tạo điều kiện đưa vào hoạt động, tiến tới xã hội hóa phương tiện giao thông. Tuy nhiên, lợi dụng sự thông thoáng trên, một số doanh nghiệp vận tải đã tuyển lái xe ồ ạt, không tính đến chất lượng, đạo đức người lái xe, dẫn đến chạy đua tranh giành khách, phóng nhanh, vượt ẩu, gây tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng, gây mất trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn. Mặc dù thời gian qua, lực lượng Công an Nghệ An đã vào cuộc quyết liệt nhưng với thực trạng hoạt động của loại hình xe buýt hiện nay, đòi hỏi sự chung tay vào cuộc của các cấp, ngành liên quan…

Các doanh nghiệp vận tải bằng xe buýt ký cam kết chấp hành nghiêm pháp luật về trật tự an toàn giao thông
Các doanh nghiệp vận tải bằng xe buýt ký cam kết chấp hành nghiêm pháp luật về trật tự an toàn giao thông

Bài 2: Nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông do xe buýt gây ra

Quyết liệt vào cuộc

Trước thực trạng phức tạp về tai nạn giao thông (TNGT) do xe buýt gây ra, ngày 24/7, phóng viên Báo Công an Nghệ An đã có buổi làm việc với các phòng nghiệp vụ liên quan của Công an tỉnh và Sở Giao thông Vận tải. Một lần nữa các lực lượng chức năng đều khẳng định: Nguyên nhân của các vụ TNGT do xe buýt gây ra chủ yếu do lái xe không làm chủ tốc độ, chạy quá tốc độ quy định,  phóng nhanh, vượt ẩu do tranh giành khách; chạy không đúng làn đường, phần đường, tránh vượt sai quy định... dẫn đến xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng, gây bức xúc trong nhân dân.

Được biết, ngay từ đầu năm, Công an tỉnh đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, phối hợp với các ngành chức năng triển khai nhiều chuyên đề công tác đảm bảo TTATGT; ban hành nhiều công văn, điện chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các xe buýt có hành vi vi phạm về TTATGT. Tuy nhiên, tình trạng lái xe vi phạm pháp luật về TTATGT vẫn đang là vấn đề “nóng”.

Tuy TNGT so với cùng kỳ năm 2016 giảm cả 3 tiêu chí (giảm 26 vụ, giảm 5 người chết, giảm 10 người bị thương) nhưng ý thức người điều khiển xe buýt khi tham gia giao thông chưa cao, vi phạm về đạo đức của người lái xe như chèn ép, chống người thi hành công vụ...; thậm chí, sau khi gây TNGT nghiêm trọng, lái xe bỏ trốn, buộc lực lượng chức năng phải tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn.

Để giảm thiểu TNGT trong thời gian tới, nhất là vào dịp các ngày lễ lớn, Tết cổ truyền của dân tộc, một số giải pháp mang tính khả thi được lãnh đạo Công an tỉnh và lực lượng liên quan đưa ra, trong đó chủ công vẫn là lực lượng CSGT Công an tỉnh Nghệ An. Ngoài việc tuần tra, kiểm soát, xử lý xe buýt vi phạm, lực lượng CSGT phải phối hợp với Sở Giao thông Vận tải thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về TTATGT. Tổ chức ký cam kết với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh xe buýt, xe khách chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về TTATGT, nhất là đối với nhân viên lái xe của các hãng xe buýt, xe khách trong kinh doanh.

Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Nghệ An kiểm tra đột xuất điều kiện kinh doanh vận tải xe buýt tại đường Mai Hắc Đế, TP Vinh
Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Nghệ An kiểm tra đột xuất điều kiện kinh doanh vận tải xe buýt tại đường Mai Hắc Đế, TP Vinh

"Chúng tôi đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục quán triệt, triển khai quyết liệt, toàn diện Công văn số 1195 ngày 30/5/2017, Điện số 470 ngày 17/7/2017 của lãnh đạo Công an tỉnh về chấn chỉnh, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý chuyên đề xe buýt vi phạm pháp luật về TTATGT. Bên cạnh đó, chỉ đạo các lực lượng quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm phải triệt để, vi phạm lỗi nào xử lý lỗi đó. Nghiêm cấm tất cả CBCS bỏ qua lỗi vi phạm; tập trung kiểm tra, xử lý các lỗi vi phạm như: Chạy quá tốc độ, đón, trả khách sai quy định, không có đăng ký, kiểm định về an toàn kỹ thuật phương tiện theo quy định; không có giấy phép lái xe", một lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An nhấn mạnh.

Đại tá Cao Minh Phượng, Trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh cho biết, cùng với các giải pháp, biện pháp "mạnh tay" theo chuyên đề của lãnh đạo Công an tỉnh, tới đây, chúng tôi sẽ phối hợp với Sở Giao thông Vận tải tiếp tục làm việc với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải khách bằng xe buýt để tổ chức tuyên truyền cá biệt, thông báo rõ tình hình vi phạm pháp luật về TTATGT của hãng xe và lái xe, yêu cầu chủ hãng xe buýt cùng toàn bộ lái xe phải ký cam kết không vi phạm pháp luật về TTATGT; đồng thời, tập trung điều tra, xử lý nghiêm các vụ TNGT do xe buýt gây ra theo đúng quy định của pháp luật, phục vụ công tác tuyên truyền, răn đe các đối tượng khác.

Lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An cũng giao cho Phòng CSGT đường bộ, đường sắt thành lập các tổ xử lý chuyên đề xe buýt trên các tuyến; chủ trì phối hợp với Phòng Tham mưu Công an tỉnh giúp lãnh đạo Công an tỉnh theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc việc triển khai thực hiện chuyên đề kiểm tra, xử lý xe buýt vi phạm pháp luật về TTATGT. Qua đó, kịp thời phát hiện, phê bình, nhắc nhở các đơn vị, địa phương triển khai kém hiệu quả, vẫn để xảy ra tình trạng xe buýt vi phạm diễn biến phức tạp trên tuyến, địa bàn được phân công quản lý; biểu dương những đơn vị, địa phương có thành tích xuất sắc.

Nhiều kiến nghị đề xuất

Liên quan đến vấn đề này, Công an tỉnh cũng kiến nghị, đề xuất UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo các ngành chức năng liên quan rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh theo từng giai đoạn, đảm bảo phù hợp với tốc độ gia tăng dân số và tốc độ đô thị hóa, mạng lưới giao thông vận tải, quy hoạch khu dân cư, khu công nghiệp của tỉnh, đồng bộ với quy hoạch các điểm  đỗ, bãi đỗ xe công cộng.

Trong đó sớm đưa tuyến xe buýt vào hoạt động trong nội TP Vinh theo Quyết định số 377 của UBND tỉnh ngày 22/1/2016, về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch mạng lưới vận tải hành khách bằng xe buýt nhằm giảm ùn tắc và TNGT trên địa bàn thành phố.

Điều chỉnh tuyến xe buýt hoạt động trên địa bàn TP Vinh có điểm xuất phát và đích đến là TP Vinh ra ngoài nội thành (trừ tuyến Vinh - TX Cửa Lò). Việc điều chỉnh luồng, tuyến, số lượng xe buýt trên địa bàn tỉnh được tiến hành; đồng thời, với việc xây dựng hệ thống bến đỗ, điểm trung chuyển, nhà chờ, đảm bảo khoa học, phù hợp với cơ sở hạ tầng. Kiên quyết đình chỉ và chấm dứt hoạt động các phương tiện không đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định; xây dựng các tiêu chí xe buýt theo đúng quy định, phù hợp với các tuyến, lộ trình vận tải, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách.

Ông Hà Tiến Sơn, Phó Chánh tranh tra Sở Giao thông Vận tải Nghệ An cho biết: "Sắp tới, Sở giao cho Phòng Vận tải tổ chức khám sức khỏe tất cả lái xe vận tải khách trên địa bàn tỉnh theo định kỳ, trong đó phải đặc biệt chú trọng đến việc kiểm tra chất kích thích trong nước tiểu đối với nhân viên xe buýt của các doanh nghiệp. Riêng thanh tra của Sở tiến hành hành khảo sát lại các điểm dừng xe buýt đón, trả khách, nếu xét thấy không hợp lý các điểm xe buýt sẽ được điều chỉnh lại cho phù hợp, tránh trùng lặp dẫn đến ùn tắc giao thông...

Được biết, ngày 20/7/2017, Sở Giao thông Vận tải đã thành lập đoàn công tác do ông Nguyễn Viết Hùng, Trưởng phòng Vận tải làm Trưởng đoàn tiến hành kiểm tra 7 doanh nghiệp về các nội dung điều kiện kinh doanh vận tải khách xe buýt. Qua kiểm tra, lực lượng này đã phát hiện, xử phạt hành chính 5/7 doanh nghiệp hoạt động vận tải khách bằng xe buýt vi phạm về điều kiện kinh doanh vận tải khách. Trong đó, hãng xe buýt Đông Bắc vi phạm nhiều nhất, bị Đoàn công tác lập biên bản xử phạt về các nội dung: Không có bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về ATGT theo quy định. Sử dụng lái xe và nhân viên để tham gia giao thông vận khách xe buýt nhưng không có hợp đồng theo quy định.

Thiết nghĩ, để đảm bảo TTATGT trên địa bàn tỉnh, hạn chế các vụ TNGT nghiêm trọng do xe buýt gây ra, các lực lượng chức năng liên ngành phải tăng cường phối hợp, kiểm tra, xử lý kịp thời các vi phạm về TTATGT trên các tuyến đường trọng điểm; duy trì việc thực hiện kiểm tra tải trọng xe và kiểm tra đối với phương tiện ôtô chở hàng tự ý cải tạo, thay đổi kết cấu, hình dáng, kích thước của xe.

Ngoài các giải pháp trên, khi phát hiện xe buýt vi phạm nghiêm trọng, lực lượng CSGT, Thanh tra Giao thông phải xử lý nghiêm, cần thiết lập hồ sơ, cưỡng chế nếu xét thấy cần thiết... Xử lý triệt để các lỗi là nguyên nhân gây ra TNGT như: Xe chở quá số người, chạy quá tốc độ quy định; tránh, vượt sai quy định; đi không đúng phần đường; xe không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật. Cần đổi mới hình thức và nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT như triển lãm panô ảnh, phát tờ rơi tuyên truyền…

Bên cạnh đó, thường xuyên khảo sát, phát hiện những bất cập mới phát sinh trong công tác tổ chức giao thông, có biện pháp khắc phục kịp thời, bổ sung hệ thống cọc tiêu, biển báo nguy hiểm, hạn chế tốc độ, nhất là các tuyến, nút trọng điểm có nguy cơ ùn tắc, các “điểm đen” về TNGT; xử phạt nghiêm những người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn trong máu vượt quá mức cho phép; chấm dứt tình trạng xin xỏ, quan hệ, nhận quà cáp, thậm chí tiêu cực trong quá trình xử lý vi phạm giao thông, gây mất lòng tin trong nhân dân.

Hữu Trọng

Các tin khác