An toàn giao thông
Nhiều khó khăn trong xử lý phương tiện vi phạm giao thông
(Congannghean.vn)-Tạm giữ phương tiện, giấy phép lái xe (GPLX) là một trong những hình thức xử lý vi phạm hành chính trên lĩnh vực giao thông đường bộ được thực hiện trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, có thể thấy, nếu nhìn ở góc độ xã hội, giải pháp này vẫn chưa đủ sức răn đe khi hiện nay có không ít trường hợp vi phạm không chịu hợp tác với lực lượng chức năng trong quá trình phát hiện và xử lý vi phạm.
Phương tiện vi phạm giao thông đang bị tạm giữ tại Công an huyện Anh Sơn |
Huyện Diễn Châu là một trong những địa phương có nhiều phương tiện tham gia giao thông trên tuyến Quốc lộ 1A. Hiện nay, Công an huyện đang làm hồ sơ thanh lý hơn 100 xe máy là xe vi phạm giao thông trong năm 2015. Bên cạnh đó, trong kho của đơn vị đang tạm giữ gần 150 xe máy khác cũng đã quá thời hạn xử lý mà người vi phạm không đến nhận.
Theo 1 cán bộ của Đội CSGT Công an huyện Diễn Châu, hiện nay, có khá nhiều lỗi bị xử phạt với hình thức tạm giữ phương tiện. Sau khi bị tạm giữ, nếu người vi phạm đến chấp hành quyết định xử phạt, có đầy đủ giấy tờ chứng minh chủ sở hữu hợp pháp thì sẽ được cơ quan tạm giữ trả lại phương tiện. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, cũng có nhiều người không đến nhận lại phương tiện. Trong đó, chủ yếu rơi vào các trường hợp như xe quá niên hạn, cũ, xe trộm cắp và không có đầy đủ giấy tờ hợp lệ. Ngoài ra, nhiều trường hợp do hành vi vi phạm phải chịu mức xử phạt khá cao nên người vi phạm sẵn sàng từ bỏ trách nhiệm, từ bỏ tài sản.
Thực tế cho thấy, việc xử lý xe quá hạn gặp nhiều khó khăn khi mà nguồn gốc của các xe vi phạm chưa được xác minh đầy đủ. Tại Công an TP Vinh, mỗi năm có khoảng 100 xe quá hạn giải quyết phải thanh lý, đấu giá tài sản. So với các địa phương khác, số lượng xe quá tải không nhiều, việc lưu thông của các phương tiện được quy định cụ thể theo cung giờ và trọng tải xe; thêm vào đó, đa số chủ sở hữu đều sử dụng phương tiện có giá trị lớn, chất lượng, vì vậy, sau khi vi phạm, họ thường hợp tác và chấp hành nộp phạt nghiêm túc theo quy định.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn có những đối tượng cố tình không thực hiện, trong đó chủ yếu rơi vào những trường hợp đến từ các huyện miền núi hoặc những đối tượng sử dụng phương tiện do trộm cắp mà có, hoặc phương tiện không rõ nguồn gốc...
Một cán bộ Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh cho biết, ngoài xe máy, mỗi năm đơn vị phải tiến hành thanh lý hàng trăm xe các loại quá niên hạn. Trong số đó, có các loại như xe công nông, xe tự chế, thậm chí là xe ôtô. Hiện, đơn vị còn tạm giữ hàng trăm GPLX môtô, ôtô nhưng các chủ phương tiện chưa đến lấy. Trong đó, có nhiều GPLX đã tạm giữ nhiều năm và gần hết niên hạn. Về phía đơn vị, mặc dù biết rằng trong số GPLX bị thu giữ sẽ có rất nhiều GPLX chủ nhân không đến lấy, tuy nhiên, theo quy định thì vẫn phải giữ lại và bảo quản cẩn thận...
Thời gian qua, để đề phòng trường hợp các chủ vi phạm đi làm lại GPLX, hàng tháng, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt đều thống kê những trường hợp bị tạm giữ GPLX gửi Sở Giao thông Vận tải. Việc tạm giữ phương tiện và GPLX thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật trong việc xử lý những cá nhân vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Tuy nhiên, việc những cá nhân vi phạm cố tình không đến để thực hiện hành vi nộp phạt cho thấy thái độ coi thường và bất chấp quy định của pháp luật. Thực tế hiện nay, có nhiều trường hợp, mức xử phạt còn cao hơn so với chi phí cấp lại GPLX. Vì vậy, thay vì đến nộp phạt, chủ phương tiện lựa chọn các phương án khác như học lại để được cấp mới hoặc xin cấp lại GPLX.
Trên tuyến QL1A, lượng người và phương tiện tham gia giao thông mật độ cao, do đó số lượng xe vi phạm cũng rất lớn. Trong nhiều trường hợp, đơn vị có sử dụng biện pháp xử lý tạm giữ GPLX nhưng sau thời gian dài, các đối tượng vẫn không đến để xử lý vi phạm. Từ thái độ và diễn biến của hành vi có thể phát sinh việc những trường hợp này đã xin cấp lại GPLX ở các tỉnh, thành khác mà lực lượng tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm không quản lý được.
Theo Thiếu tá Đặng Văn Cường, Trạm trưởng Trạm CSGT Diễn Châu, đối với những tình huống này nên chăng, trong quá trình cấp mới và cấp lại GPLX, cần có một hệ thống quản lý thông tin đồng bộ trên cả nước. Nếu làm được như vậy sẽ cập nhật được từng đối tượng và có cơ chế siết chặt việc cấp GPLX đối với những cá nhân bị tạm giữ bằng lái vì vi phạm Luật Giao thông đường bộ.
Riêng đối với xe quá thời hạn xử lý, theo quy định của pháp luật, những trường hợp không đến giải quyết, đơn vị sẽ tiến hành các thủ tục xác minh tìm chủ sở hữu, xác minh phương tiện tạm giữ. Trong trường hợp, nếu không xác định được chủ sở hữu, hoặc người này không đến nhận lại và phương tiện không phải là tang vật vụ án, sẽ tiến hành các thủ tục thanh lý theo quy định để tịch thu sung công quỹ Nhà nước.
Quy định là vậy nhưng thủ tục để tiến hành thanh lý không dễ dàng, bởi hiện tại hầu hết xe này đều quá cũ, nhiều xe đã bị “cà” lại số khung, số máy. Quá trình xác nhận chủ phương tiện cũng rất khó khăn bởi nhiều xe đã mua đi bán lại nhiều lần. Do quy trình phức tạp nên để hoàn thành thủ tục thanh lý đòi hỏi mất rất nhiều thời gian và công sức. Trong khi đó, giá trị của tài sản không nhiều, thậm chí có những chiếc xe giá chỉ nằm ở ngưỡng dưới 1 triệu đồng. Về phía các đơn vị, do điều kiện kho bãi không đảm bảo nên nhiều xe phải để ngoài trời, gây hư hỏng, lãng phí và nếu để quá lâu, giá trị của xe cũng bị mai một.
Từ thực tế này có thể thấy, để công tác đảm bảo ATGT được thực hiện đồng bộ cũng như các giải pháp mà lực lượng chức năng triển khai đảm bảo nhất quán, hiệu quả, rất cần một cơ chế phù hợp để việc xử lý các phương tiện giao thông quá hạn và trường hợp không thừa nhận tài sản là phương tiện vi phạm.
Những bất cập trong quá trình xử lý phương tiện giao thông, GPLX do vi phạm ATGT cũng cho thấy, hình thức này chưa đủ sức răn đe và còn nhiều kẽ hở để người vi phạm từ chối hành vi của mình. Vì vậy, trong quá trình xử lý cần có những điều chỉnh để tăng tính ràng buộc đối với chủ sở hữu hoặc có những biện pháp xử phạt “nóng” trực tiếp...
Song song với đó, cơ quan chức năng khi tiếp nhận thủ tục làm mới hay cấp lại GPLX cần phối hợp với ngành hữu quan xác minh, thẩm tra để đảm bảo việc thực thi pháp luật được nghiêm minh và đúng quy định, hạn chế tối đa vi phạm pháp luật về ATGT.
Xuân Thống