(Congannghean.vn)-Sau 5 năm thực hiện cuộc vận động “Văn hoá giao thông với bình yên sông nước” với nhiều mô hình, hoạt động thiết thực, công tác đảm bảo TTATGT đường thuỷ trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có nhiều chuyển biến tích cực. Ý thức tham gia giao thông của người dân ngày càng nâng cao; nhiều bến tàu, bến đò được đầu tư cải tạo, nâng cấp..., qua đó góp phần đảm bảo TTATGT đường thuỷ trên địa bàn toàn tỉnh.
Nhiều mô hình hiệu quả
Qua 5 năm thực hiện cuộc vận động “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”, toàn tỉnh đã xây dựng và duy trì hoạt động có hiệu quả 22 mô hình phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Trong đó, nhiều mô hình được xây dựng và hoạt động có hiệu quả như: Mô hình “Làng chài bình yên” ở xóm Hòa Lam, xã Hưng Hòa, TP Vinh; mô hình “Bến đò kiểu mẫu” tại bến đò Phú Sơn (Tân Kỳ), bến đò Hoa Hải (Quỳ Châu), bến đò Phả Lại (Con Cuông); “Bến cảng an toàn Cảng Cửa Hội” (TX Cửa Lò)...
Việc xây dựng các mô hình đã góp phần định hướng, thúc đẩy các nhân tố hình thành cách ứng xử có văn hóa, chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông đường thủy. Đồng thời, nâng cao tinh thần trách nhiệm và thái độ ứng xử có văn hóa của người thực thi nhiệm vụ đảm bảo TTATGT đường thủy nội địa.
Lực lượng cảnh sát đường thủy kiểm tra điều kiện ATGT của phương tiện giao thông đường thủy |
Ông Nguyễn Văn Hải, chủ bến đò chuyên chở khách ở xã Hùng Sơn, huyện Anh Sơn cho biết: Từ khi triển khai xây dựng mô hình “Bến đò an toàn chở khách” ở xã Hùng Sơn, ông nhận thức rõ hơn về trách nhiệm bản thân trong việc đảm bảo an toàn cho khách sang sông khi làm nhiệm vụ. Bên cạnh đó, ông luôn chấp hành nghiêm các quy định của ngành chức năng và địa phương, trang bị đầy đủ các dụng cụ cứu hộ khi chở khách sang sông, đồng thời làm tốt việc tuyên truyền, nhắc nhở mọi người nâng cao ý thức bảo vệ an toàn của bản thân khi qua sông, góp phần đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hành khách.
Đại tá Phan Đức Châu, Trưởng phòng Cảnh sát đường thuỷ Công an tỉnh cho biết: “Sau 5 năm triển khai thực hiện, cuộc vận động “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” đã thực sự đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả rõ rệt. Mỗi người dân, chủ đò, chủ phương tiện giao thông đường thủy đều tích cực tham gia cuộc vận động. Nhờ vậy, tình hình TTATGT trên tuyến đường thủy nhiều năm được giữ vững, không xảy ra tai nạn giao thông”.
Tiếp tục nhân rộng các mô hình hiệu quả
Nghệ An hiện có 25 bến đò ngang, 5 bến đò dọc, 14 con sông với gần 1.000 km giao thông đường thủy và hơn 2.000 phương tiện tham gia giao thông đường thủy. 5 năm qua, cùng với công tác tuyên truyền, vận động, lực lượng chức năng đã tổ chức 1.103 cuộc tuần tra kiểm soát, qua đó phát hiện, lập biên bản xử lý 2.538 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường thủy nội địa.
Lực lượng Cảnh sát đường thuỷ tăng cường kiểm tra các phương tiện giao thông trên tuyến đường thuỷ nội địa |
Theo đánh giá của Ban ATGT tỉnh, công tác đảm bảo TTATGT đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh còn gặp khá nhiều khó khăn như: Hiện tượng lấn chiếm hành lang ATGT đường thủy; phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, người điều khiển không có bằng, chứng chỉ chuyên môn; bến khách hoạt động không phép, một bộ phận người đi đò không mặc áo phao.
Ông Nguyễn Hồng Kỳ, Giám đốc Sở GTVT, Phó Trưởng ban thường trực Ban ATGT đánh giá: “Cuộc vận động “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” đã tạo được sức lan tỏa rộng rãi. Ban ATGT, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và quần chúng nhân dân hưởng ứng nhiệt tình. Nhờ đó, cuộc vận động đã mang lại nhiều kết quả tích cực trong công tác đảm bảo TTATGT trên tuyến đường thủy nội địa”.
Trong thời gian tới, Ban ATGT tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đảm bảo TTATGT đường thủy nội địa. Đồng thời, phát huy và nhân rộng các mô hình “Văn hóa giao thông đường thủy”; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và nhắc nhở chủ phương tiện tham gia giao thông đường thủy trang bị đầy đủ dụng cụ cứu sinh, đảm bảo an toàn kỹ thuật các phương tiện khi tham gia giao thông.
Ngoài ra, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về giao thông đường thủy, thường xuyên kiểm tra công tác đào tạo, sát hạch bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn theo đúng quy định; quan tâm tổ chức dạy bơi cho trẻ em nhằm hạn chế tai nạn đuối nước trong mùa mưa lũ…