Ngày 9/5, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-BGTVT về việc chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm và tăng cường hoạt động thanh tra chuyên ngành GTVT tại các Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động.
Chỉ thị nêu rõ, sau hơn một tháng triển khai kiểm soát tải trọng xe trên phạm vi cả nước, công tác kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải đã dần đi vào nề nếp, góp phần bảo vệ kết cấu hạ tầng và giảm tai nạn giao thông, tạo lập môi trường kinh doanh vận tải lành mạnh, chống tiêu cực, nhũng nhiễu; số lượng phương tiện vi phạm quy định về tải trọng đã giảm so với trước đây. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm tải trọng vẫn còn phức tạp; một số nơi còn buông lỏng kiểm soát để phương tiện chở quá tải trọng lưu thông trên đường bộ, gây dư luận xấu trong xã hội và ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kiểm soát tải trọng.
Bố trí đủ nhân lực hoạt động tại Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động - Ảnh minh họa |
Thực hiện Công điện số 05/CĐ-UBATGTQG ngày 5/5/2014 của Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về việc tăng cường kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải hàng hóa trên đường bộ, Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu các Sở GTVT chỉ đạo Thanh tra Sở phối hợp với lực lượng Công an thực hiện thanh tra, phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm chở hàng quá tải trọng trên đường bộ; tăng cường các tổ công tác thanh tra, kiểm soát trên các trục đường có phương tiện tải trọng lớn hoạt động, các tụ điểm phương tiện trốn tránh việc kiểm soát tải trọng, sử dụng các biện pháp nghiệp vụ kết hợp với việc sử dụng cân xách tay để phát hiện vi phạm về tải trọng của phương tiện. Bố trí đủ nhân lực hoạt động tại Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động.
Trong trường hợp lực lượng Công an chưa bố trí đủ nhân lực hoạt động tại Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động, Sở GTVT chỉ đạo Thanh tra Sở tăng cường lực lượng Thanh tra Sở hoạt động 24h trong ngày và 7 ngày trong tuần, thực hiện việc dừng xe, lập biên bản vi phạm, xử phạt theo thẩm quyền đối với các hành vi vi phạm.
Cũng theo Chỉ thị, các Sở GTVT cần tăng cường các biện pháp giáo dục tư tưởng, phòng chống tiêu cực, quán triệt đến từng cán bộ, thanh tra viên thực thi nhiệm vụ tại các Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động, tập trung một số nội dung như: tuyệt đối không để cán bộ, thanh tra viên thực hiện nhiệm vụ không có văn bản phân công của cấp có thẩm quyền hoặc không theo nhiệm vụ được phân công; thực hiện quản lý trang phục, cờ hiệu, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu, phương tiện, thiết bị kỹ thuật theo đúng quy định; tăng cường công tác kiểm tra nội bọ, xử lý nghiêm cá nhân vi phạm theo đúng quy định.
Đồng thời, phối hợp với cơ quan báo chí, truyền thông và các đơn vị có liên quan thực hiện tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng các quy định của nhà nước về quản lý tải trọng phương tiện và cầu đường bộ; các điển hình, cá nhân, tổ chức thực hiện tốt và chưa chấp hành các quy định về kiểm soát tải trọng.
Đối với Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT chỉ đạo tiếp tục tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương, các tổ chức có liên quan thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1966/CĐ-TTg ngày 19/11/2013 về tăng cường thực hiện kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ, chỉ đạo của Bộ GTVT và kế hoạch phối hợp số 12593/KHPH-BGTVT-BCA ngày 21/11/2013 giữa Bộ GTVT và Bộ Công an trong việc thực hiện tuần tra kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm chở hàng quá tải trọng của ô tô vận chuyển hàng hóa trên đường bộ.
Bộ GTVT cũng kiến nghị Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho các đơn vị kinh doanh vận tải, các chủ hàng những quy định pháp luật về tải trọng phương tiện và xếp hàng hóa lên xe ô tô; vận động doanh nghiệp, chủ xe, lái xe cương quyết đấu tranh với những hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, kịp thời cung cấp thông tin về hành vi vi phạm của người thực thi công vụ đến đường dây nóng của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Bộ GTVT, Bộ Công an hoặc các phương tiện thông tin đại chúng.
.