“70% đàn ông Việt Nam uống rượu bia” là kết quả điều tra mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, được TS Takeshi Kasai, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam công bố ở Hội nghị triển khai chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn do Bộ Y tế tổ chức ngày 7/5.
Theo TS Takeshi, 1/4 người trong số đó sử dụng rượu bia ở mức độ có hại (tương đương với 6 cốc bia hơi/ngày), mà phần lớn không biết việc lạm dụng đồ uống có cồn là nguyên nhân trực tiếp của 30 loại bệnh như rối loạn tâm thần, bệnh lý liên quan đến tiêu hóa, xơ gan, ung thư miệng, ung thư thanh quản, bệnh tim mạch, đái tháo đường… và gián tiếp của hơn 200 bệnh khác. Còn trên thế giới, đồ uống cồn đã gây ra hơn 2,2 triệu ca tử vong/năm, tức là hơn 6.000 người chết/ngày. Do đó, nếu Chính phủ phê duyệt chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của việc lạm dụng đồ uống có cồn sẽ rất có lợi cho sức khỏe. Và WHO cam kết sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật tốt nhất để Việt Nam sớm xây dựng một khung pháp lý toàn diện nhằm kiểm soát hiệu quả vấn đề này.
Đồng tình với nhận định trên, TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết thêm, đây là hội nghị lần đầu tiên để hơn 30 đơn vị, bộ ngành liên quan bàn bạc tìm giải pháp hạn chế việc lạm dụng rượu bia. Bởi số người tử vong do lạm dụng rượu bia đã cao hơn tỷ lệ người tử vong do bệnh HIV/AIDS và lao.
Ở góc độ khác, ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội bổ sung, đây là bước rất quan trọng để Việt Nam xây dựng dự án Luật Phòng chống lạm dụng rượu bia sẽ được Quốc hội xem xét vào cuối 2014. Song, quan trọng hơn là xây dựng kế hoạch y tế dự phòng cho sức khỏe của nhân dân trước khi ngân sách phải dành một khoản tiền lớn do lạm dụng rượu bia.
Nhiều trường hợp cấp cứu vì tai nạn giao thông có sử dụng rượu |
Theo bà Vũ Thị Minh Hạnh, Viện phó Viện Chiến lược và Chính sách y tế, nếu dùng quá 6 lon bia/ngày là lạm dụng rượu bia, phải đối diện với rất nhiều bệnh tật nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, đáng lo ngại khi mức tiêu thụ rượu bia của người dân ngày càng gia tăng và bằng 2/3 so với nhiều nước trên thế giới. Nguy hiểm hơn khi 50% rượu bia hiện nay là không chính thống. Ở nông thôn, số liệu này tới 90% và chủ yếu là rượu tự nấu.
Báo động do lạm dụng rượu bia cũng được ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chia sẻ thêm: Có tới 30% vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia. Thứ nước có cồn này đã khiến cho người tham gia giao thông giảm khả năng tự điều khiển, giảm phản xạ và thị lực.
Kết quả đầu năm từ Trung tâm cấp cứu chấn thương của Bệnh viện Việt - Đức và Xanh - Pôn cho thấy, 76% nạn nhân bị tai nạn giao thông tuổi dưới 45 và 80% có hơi men. Vì thế, ông Thái kiến nghị, để hạn chế tử vong, cần nâng cao ý thức cho người dân, trong đó vận động cán bộ, công chức không uống trong giờ làm việc; giảm dần việc sản xuất rượu bia ở các cơ sở sản xuất thủ công, không đảm bảo về an toàn thực phẩm và siết chặt hơn việc cấp phép cho những doanh nghiệp sản xuất rượu tìm cách lách luật ngày càng tinh vi.
.