Pháp luật
Lừa đảo bằng hình thức 'chạy việc': Thủ đoạn cũ, nạn nhân mới
07:35, 13/10/2020 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Những năm qua, cơ quan Công an đã bóc gỡ nhiều vụ án liên quan đến thủ đoạn nhận “chạy việc” vào các cơ quan Nhà nước, bệnh viện, trường học để chiếm đoạt tài sản. Đồng thời, đã đưa ra những lời cảnh báo để người dân nâng cao ý thức cảnh giác trước thủ đoạn của những đối tượng xấu. Thế nhưng, vẫn không ít người vì “khát việc”, thiếu hiểu biết đã trở thành nạn nhân của thủ đoạn lừa đảo này.
Những chiêu thức lừa “chạy việc”
Dù không có việc làm ổn định, nhưng Lê Quang Hòa (SN 1981) trú tại phường Vinh Tân, TP Vinh đã “nổ” với nhiều người là cán bộ Nhà nước, có khả năng xin việc cho ai có nhu cầu. Theo hồ sơ, từ năm 2016, Hòa nảy sinh ý định lừa đảo với thủ đoạn nói dối mình là cán bộ Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An hoặc cán bộ Công an TP Vinh, có mối quan hệ với nhiều người, có chức vụ và quyền hạn trong tỉnh nên có thể “chạy” xin việc làm vào các cơ quan Nhà nước trong tỉnh. Hòa còn nhận “chạy” luân chuyển công tác từ các tỉnh, thành khác về Nghệ An, nếu muốn xin được việc thì phải nộp tiền cho Hòa.
Với thủ đoạn trên, Hòa đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 11 người ở Nghệ An, Hà Tĩnh với tổng số tiền gần 3 tỉ đồng. Trong đó, tháng 1/2016, Hòa đi xe thuê đến gặp ông N.N.B. trú tại thị xã Thái Hòa, giới thiệu là cán bộ Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An, sẽ “chạy” cho con gái ông B. làm công chức. Ông B. tin tưởng, đưa 315 triệu đồng để lo việc cho con gái. Lấy được số tiền trên, Hòa trả tiền thuê xe và ăn chơi. Sau đó sự việc bị phát giác, Hòa trả lại 235 triệu đồng cho ông B.. Trong phiên tòa xét xử Lê Quang Hòa diễn ra vào tháng 8/2019, bị cáo thừa nhận mọi hành vi phạm tội. HĐXX đã tuyên phạt Lê Quang Hòa 17 năm tù. Đồng thời, tòa cũng tuyên buộc Hòa phải trả lại gần 3 tỉ đồng cho các nạn nhân mà Hòa đã chiếm đoạt.
Phiên tòa xét xử Mạc Thị Lệ Quyên |
Cũng bằng chiều thức giả danh cán bộ, có thể xin được việc cho người có nhu cầu, Mạc Thị Lệ Quyên (36 tuổi, quê xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn), tạm trú tại xã Nghi Kim, TP Vinh cũng đã lừa đảo nhiều người, chiếm đoạt nhiều tỉ đồng. Dù bản thân bị tật nguyền, hàng tháng hưởng trợ cấp của Nhà nước nhưng Quyên vẫn “nổ” mình là cán bộ Sở Nội vụ, quen biết nhiều lãnh đạo, có thể xin việc cho những ai cần. “Giá” “chạy việc”, “chạy” biên chế mà Quyên đưa ra sẽ “linh hoạt”, tùy vào vị trí công việc và người tìm việc. Các lao động do khát việc hoặc muốn được biên chế nên chấp nhận bỏ ra hàng trăm triệu đồng, nhờ cậy Quyên. Mọi việc diễn ra đúng quy trình cho đến khi họ cầm giấy quyết định nhận việc đến nơi mình muốn làm mới biết đó là tờ giấy giả.
Trong các nạn nhân, có trường hợp chị Hồ Thị Ng. (quê huyện Nam Đàn). Thời điểm năm 2018, lúc này chị Ng. là giáo viên hợp đồng tại một trường cấp 2 ở TP Vinh. Do muốn được biên chế tại ngôi trường này nên chị đã nhờ người bạn tên T. (cũng là đồng nghiệp) nghĩ cách. Vì chị T. đang nhờ Quyên xin biên chế cho mình nên đã giới thiệu Quyên cho bạn. Tháng 4/2018, chị Ng. gặp Quyên và đưa ra mong muốn của mình. Dù biết bản thân không xin chuyển biên chế được cho chị Ng. nhưng Quyên vẫn nhận lời và hứa chắc chắn trong vòng từ 3 - 6 tháng sẽ có quyết định biên chế. Quyên đưa ra chi phí “chạy” biên chế 160 triệu đồng, đặt cọc trước 50 triệu đồng.
Một tháng sau, chị Ng. cùng bạn đưa cho Quyên 50 triệu đồng và 1 bộ hồ sơ xin việc làm. Ít ngày sau, lấy lý do để nhanh có quyết định biên chế, Quyên yêu cầu chị Ng. đưa thêm 100 triệu đồng. Không chút nghi ngờ, chị Ng. đã đưa cho Quyên số tiền được yêu cầu. Cuối tháng 5/2018, lấy lý do hồ sơ biên chế của chị Ng. đưa muộn, Quyên yêu cầu đưa thêm 20 triệu đồng nữa để “lo việc”. Cứ nghĩ rằng mình sắp có quyết định biên chế, chị Ng. chạy vạy khắp nơi vay tiền để đưa cho Quyên mà không hề biết rằng người đàn bà này chẳng có động thái xin việc nào. Thay vào đó, số tiền chiếm đoạt được, Quyên đã tiêu xài cá nhân.
Tại phiên xét xử Mạc Thị Lệ Quyên về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn ra mới đây, khi được chủ tọa hỏi về số tiền hơn 3,4 tỉ đồng đã chiếm đoạt của các bị hại, Quyên nói “bị cáo đã tiêu hết, không còn khả năng chi trả”. Bị cáo Quyên cũng thừa nhận không làm việc tại Sở Nội vụ, tất cả là do bị cáo tự bịa ra để lừa đảo những ai nhẹ dạ cả tin. Còn việc bị cáo làm các quyết định của các sở, ban, ngành giống như thật là do bị cáo mở ốt photocopy nên những thao tác ấy không mấy khó khăn. Với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, HĐXX đã tuyên phạt Mạc Thị Lệ Quyên 20 năm tù.
Người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác
Hai trường hợp trên chỉ là ví dụ trong số hàng trăm vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc hứa hẹn xin việc làm được các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý thời gian qua. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, các vụ lừa đảo hầu như cùng một đặc điểm chung dễ nhận thấy, đó là các đối tượng nắm bắt rõ tâm lý của người dân mong muốn xin việc làm cho con vào cơ quan Nhà nước nên thường sử dụng các chiêu bài quen thuộc là có mối làm trong các cơ quan Nhà nước, có quen biết với lãnh đạo các bộ, ban, ngành ở Trung ương, địa phương có thể xin việc vào Công an, ngân hàng, bệnh viện, trường học... để người dân dễ dàng tin tưởng và giao tiền cho các đối tượng.
Đây là những thủ đoạn không hề mới và đã được cơ quan chức năng cảnh báo trên các phương tiện thông tin, tuyên truyền qua những phiên tòa xét xử lưu động... Nhưng nhiều người vì nhẹ dạ cả tin, vì “khát” việc để rồi “tiền mất tật mang”; không ít gia đình rơi vào cảnh nợ nần, thậm chí cầm cố nhà cửa cho ngân hàng để có tiền xin việc cho con. Đến khi công việc không có, đối tượng lừa đảo đã “cao chạy, xa bay” thì mới đến cơ quan Công an trình báo. Cho dù sau đó đối tượng có bị truy tố, đưa ra xét xử, phải chịu án phạt tù nhưng số tiền bồi thường trách nhiệm dân sự thì vẫn không biết đến bao giờ mới có thể lấy lại hết được.
Bị cáo Lê Quang Hòa bị tuyên án 17 năm tù về tội lừa đảo |
Vì vậy, để phòng, chống loại tội phạm trên, trước hết người dân muốn xin việc làm cho con thì phải tìm hiểu kỹ thông tin tuyển dụng của nơi định tìm kiếm việc làm. Bởi theo quy định hiện nay thì khi có kế hoạch tuyển dụng, các cơ quan, ban, ngành phải thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Người dân nên đến tận nơi để tìm hiểu, không nên vì quá nóng vội mà đặt niềm tin, giao tài sản cho đối tượng lừa đảo. Ngoài trách nhiệm của cơ quan chức năng trong việc điều tra, phá án thì cấp ủy, chính quyền cũng cần tăng cường tuyên truyền sâu rộng những thủ đoạn lừa đảo “xin việc”, “trúng thưởng”... để người dân nâng cao cảnh giác tránh biến mình thành miếng “mồi ngon” của kẻ lừa đảo.
Cao Loan