Pháp luật
Tại huyện Tân Kỳ, Nghệ An
Dân tranh chấp đất kéo dài, lộ nhiều dấu hiệu sai phạm của chính quyền
08:12, 23/08/2020 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Huyện Tân Kỳ thu hồi đất lúa cấp đất tái định cư, để công dân xây nhà kiên cố khi chưa có quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng; cấp bìa đất cho người dân nhưng lại không có đường vào dẫn đến hai gia đình hơn 7 năm qua tranh chấp lối đi, dù chính quyền các cấp đã nhiều lần vào cuộc nhưng không giải quyết được.
Nghịch lý: đất khai hoang bị “tố” lấn chiếm đất TĐC
Lối vào nhà ông Thọ đang bị ông Thắng đổ đá, xây bịt không cho vào |
Ông Trần Văn Thọ (SN 1972) trú tại khối 3, thị trấn Tân Kỳ, huyện Tân Kỳ có đơn gửi cơ quan chức năng, phản ánh: Từ năm 1962, khi huyện Tân Kỳ còn chưa thành lập, bố mẹ ông này đã di dân từ huyện Quỳnh Lưu lên Tân Kỳ, khai hoang phục hóa được một số thửa đất, trong đó có thửa 363, tờ bản đồ số 6, tại khối 3, thị trấn Tân Kỳ, diện tích 1.050 m2. Năm 2000, thực hiện xây dựng công trình mương dẫn nước đi qua phần đất này, chia một phần thửa đất thành hai thửa, một thửa diện tích 60 m2 và thửa thứ hai có diện tích 996 m2. Năm 2013, thực hiện việc cấp GCNQSDĐ, huyện Tân Kỳ chỉ cấp phần đất 996 m2 cho vợ chồng ông Thọ, mục đích là đất vườn, trồng cây lâu năm, “quên” 60 m2 nằm ngoài mương thoát nước nên ông Thọ khiếu nại. Sau rất nhiều lần gõ cửa cơ quan chức năng, đến lúc có ý kiến chỉ đạo từ UBND huyện Tân Kỳ, ngày 6/6/2018, đại diện chính quyền và các phòng chức năng mới tổ chức đo đạc, giao đất thực địa cho ông Thọ đối với diện tích 60 m2 này.
Năm 2004, gia đình ông Nguyễn Bá Thắng trú tại khối 4, thị trấn Tân Kỳ, bị ảnh hưởng bởi việc thi công, mở rộng đường Hồ Chí Minh và cột mốc số 0 qua địa bàn nên thuộc diện phải di dời, tái định cư. Huyện Tân Kỳ đã thu hồi đất trồng lúa của 2 hộ dân trên địa bàn, thuộc thửa số 332, tờ bản đồ số 6 tại khối 3, thị trấn Tân Kỳ để giao cho ông Thắng tái định cư, xây dựng nhà ở lâu dài. Thửa đất này giáp ranh với thửa đất số 363 của ông Trần Văn Thọ, được huyện Tân Kỳ giao vào năm 2004 nhưng không thể hiện diện tích (sau này đo đạc thực địa có diện tích là 675 m2). Theo hồ sơ còn lưu giữ, đất được cấp cho hộ ông Thắng có nguồn gốc là đất 2 lúa, do các ông Hoàng Văn Sửu và Nguyễn Công Huệ, công dân xã Kỳ Tân sử dụng. Đối với đất ông Trần Văn Thọ, ông Sửu và ông Huệ xác nhận có một con đường rộng khoảng 50 - 60 cm đi qua phần đất trồng lúa của các ông này, nối từ đường vào kể từ khi thửa đất này được khai hoang. Năm 2004, khi được chính quyền thu hồi đất lúa của hai ông này để giao đất tái định cư, ông Thắng đã xây nhà trên phần đất được giao.
Năm 2005, ông Thọ cũng xây dựng nhà ở, sử dụng đường vào nhà (có đổ đất mở rộng khoảng 3 m) từ đó cho đến nay. Tháng 3/2014, hai gia đình xảy ra tranh chấp lối đi, cho rằng ông Thọ đang mở đường đi trên phần đất của mình được cấp, sau khi mãn hạn tù trở về, ông Thắng đã làm đơn khiếu nại lên chính quyền. Vào cuộc xác minh, UBND thị trấn Tân Kỳ cho rằng, mặc dù ông Thắng có vi phạm khi nhiều năm không thực hiện nghĩa vụ thuế trên phần đất được giao, nhưng vẫn có căn cứ pháp lý để sử dụng mảnh đất này. Trong khi đó, ông Thọ tự ý mở cổng đi qua phần đất đã được Nhà nước giao cho ông Thắng là vi phạm lấn chiếm đất của người khác. Chính quyền thị trấn đã tổ chức hòa giải giữa hai gia đình nhưng không mang lại kết quả, sau đó lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Thọ nhưng ông này không đồng ý, tiếp tục khiếu nại lên các cấp chính quyền.
Nhà ông Thắng có dấu hiệu lấn chiếm hành lang ATGT và mương nước phía sau |
Lộ nhiều dấu hiệu buông lỏng quản lý, sai phạm của chính quyền
Cũng trong thời gian này, vợ ông Thắng là bà Nguyễn Thị Phương có đơn đề nghị Nhà nước giao đất ở cho mình phải đủ diện tích 250 m2, liền thửa vì trước đó, sau khi tiến hành đo đạc lại, phần đất tái định cư đã giao cho vợ chồng ông Thắng, bà Phương đã bị chia tách thành hai thửa bởi cổng vào nhà ông Trần Văn Thọ. Ngày 23/9/2015, Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Tân Kỳ đã làm việc với ông Thọ, để bàn giải pháp xử lý phần diện tích gia đình ông này sử dụng để làm cổng đi vào, mà trước đó chính quyền cho rằng lấn chiếm trên phần đất đã cấp cho gia đình ông Thắng.
Tại biên bản này, ông Thọ cho rằng đất gia đình khai hoang từ năm 1962, bản đồ đo đạc không thể hiện có đường vào đất là sai sót của cán bộ đo đạc. Trên thực tế, suốt mấy chục năm qua gia đình vẫn sử dụng để đi vào phần đất của mình làm ăn, sinh sống, vấn đề này đã được các hộ dân sinh sống xung quanh xác nhận. Năm 2005, gia đình làm nhà ở, kinh doanh nhà hàng tại phần đất này và sử dụng con đường nói trên nhưng không có bất cứ tranh chấp, ngăn cản nào từ hộ gia đình ông Thắng cũng như chính quyền địa phương.
Đại diện Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Tân Kỳ cho rằng, vì gia đình ông Thắng muốn cấp đủ diện tích 250 m2 đất, đồng thời không muốn chia tách bởi cổng vào nhà ông Thọ nên đã vận động ông này tháo dỡ cổng, bàn giao để cấp đủ cho ông Thắng nên ông Thọ đã đồng ý, tháo dỡ cổng đi lại và bàn giao phần diện tích đất đang sử dụng làm cổng cho chính quyền giao cho ông Thắng. Ngay sau đó, ngày 15/10/2015, huyện Tân Kỳ ban hành Công văn 1775, giao Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất phối hợp UBND thị trấn, xác định mốc giới, ranh giới thửa đất của bà Phương để giao liền thửa đủ diện tích theo yêu cầu của gia đình bà Phương, ông Thắng.
“Đối với phần diện tích còn lại tại thửa 257, tờ bản đồ số 13 (là phần diện tích còn dư thừa sau khi đo đạc lại, do trước đó ông Thọ đã trả lại diện tích đất sử dụng cổng vào), huyện Tân Kỳ giao cho UBND thị trấn quản lý theo quy định của pháp luật, không giao cho các hộ gia đình, cá nhân để thực hiện quy hoạch làm đường giao thông”. Với sự chỉ đạo từ công văn này, huyện Tân Kỳ chỉ đáp ứng yêu cầu của bà Phương, thêm một lần nữa “quên” quyền lợi của ông Trần Văn Thọ, giống như việc tách thửa đối với diện tích 60 m2 trước đó.
Với việc bàn giao phần đất là cổng vào nhà cho chính quyền, ông Thọ chính thức bị mất lối vào nhà. Do không có đường vào, trong lúc chính quyền không giải quyết, ông Thọ buộc phải đóng cửa nhà hàng kinh doanh, cuộc sống bị đảo lộn. Đặc biệt, gần đây ông Thọ tiến hành xây dựng tường bao quanh nhà thì ông Thắng, bà Phương cũng tiến hành xây bịt phần cổng mà ông Thọ đang sử dụng, khiến ông này bị cô lập hoàn toàn lối vào nhà. Sự việc được báo lên chính quyền thị trấn Tân Kỳ và UBND huyện, mặc dù thị trấn đã lập biên bản đình chỉ sự việc nhưng ông Thắng vẫn tiến hành việc bịt lối vào nhà hàng xóm, khi cho rằng phần đất này thuộc quyền sở hữu của mình khi chính quyền đã cấp đất.
Liên quan đến vấn đề này, theo tìm hiểu chúng tôi được biết, phần đất mà UBND huyện Tân Kỳ thu hồi, cấp tái định cư cho gia đình ông Nguyễn Bá Thắng là đất 2 lúa, cấp đất để sử dụng vào mục đích đất ở lâu dài mà chưa làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Cũng vì cấp đất không đúng nên phần đất của ông Thắng nhiều năm sau khi được cấp vẫn không đủ điều kiện cấp GCNQSDĐ, dẫn đến ông này không thực hiện nghĩa vụ về thuế cho Nhà nước. Ngoài ra, biên bản giao đất cho gia đình ông Thắng thể hiện việc xây dựng nhà ở phải cách đường giao thông 5 m và cách mương thoát nước 0,5 m nhưng thực tế tại hiện trường cho thấy, nhà ở của ông Thắng và nhiều hộ dân tại đây xây dựng có dấu hiệu lấn chiếm, vi phạm hành lang an toàn giao thông và lấn lên mương thoát nước của huyện đội. Chính quyền sở tại cũng lơ là, thiếu trách nhiệm khi để các hộ dân xây dựng nhà trên đất nông nghiệp, kể cả nhà của ông Trần Văn Thọ cũng xây dựng kiên cố trên đất trồng cây lâu năm nhưng huyện Tân Kỳ không có bất cứ động thái nào để ngăn cản, xử lý.
Đối với việc tranh chấp lối đi vào nhà ông Trần Văn Thọ, vấn đề đặt ra ngay lúc này là cơ quan chức năng cần lập đoàn thanh, kiểm tra liên ngành, xác định việc huyện Tân Kỳ cấp đất ở, đất tái định cư trên đất 2 lúa là đúng hay sai, đồng thời cần kiểm tra, đo đạc thực địa để xác định thực chất có con đường đi vào nhà ông Thọ từ trước khi huyện này cấp đất hay không, thì vấn đề sẽ sớm được giải quyết theo chiều hướng có lợi cho cả hai bên. Bởi sự việc xảy ra từ năm 2013 đến nay, tranh chấp, kiện tụng kéo dài nhưng xem ra, cách giải quyết của chính quyền và các phòng, ban liên quan của huyện Tân Kỳ còn thiếu khách quan, chưa quyết liệt dẫn đến quyền lợi của công dân đang bị xâm hại.
THIỆN THÀNH