Pháp luật
Ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật của người nước ngoài
08:53, 18/07/2020 (GMT+7)
Trước việc cử tri lo lắng về hiện tượng người nước ngoài vi phạm pháp luật trên lãnh thổ nước ta trong thời gian qua (như tổ chức đánh bạc, sản xuất ma túy…), Bộ Công an cho biết sẽ tăng cường công tác quản lý người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, đấu tranh có hiệu quả với các tội phạm và vi phạm pháp luật của người nước ngoài.
Đối tượng Chen Tsen Wei (SN 1986, người Đài Loan - Trung Quốc) bị bắt giữ cùng 895 bánh heroin tại TPHCM |
Theo Bộ Công an, những năm gần đây, người nước ngoài vào nước ta ngày càng nhiều, nhập cảnh bằng nhiều hình thức và mục đích khác nhau, cơ bản hoạt động đúng mục đích nhập cảnh, chấp hành tốt các quy định của pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn xảy ra vi phạm pháp luật do người nước ngoài gây ra, như: trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, buôn lậu, buôn bán hàng cấm, ma túy, tội phạm sử dụng công nghệ cao, đánh bạc, tổ chức đánh bạc qua mạng... gây bức xúc trong nhân dân.
Trước tình hình đó, Bộ Công an đã chỉ đạo tăng cường công tác nắm tình hình các cơ sở lưu trú có người nước ngoài, các cơ sở có người nước ngoài đang lao động, làm việc, các cơ sở kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài, casino; thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ quy định về cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện liên quan đến người nước ngoài. Chấn chỉnh việc định kỳ rà soát, thống kê, lập danh sách, nắm chắc số người nước ngoài cư trú tại địa bàn. Thông qua quản lý người nước ngoài để nắm tình hình liên quan an ninh, trật tự, kịp thời phát hiện những trường hợp có biểu hiện nghi vấn hoạt động phạm tội, vi phạm pháp luật Việt Nam và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Nhập cảnh, xuất cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam được thông qua vào ngày 25/11/2019 tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIV, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng để quản lý chặt chẽ người nước ngoài cư trú tại Việt Nam và xử lý tội phạm cũng như các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến người nước ngoài cư trú tại Việt Nam.
Thời gian tới, để tăng cường công tác quản lý người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, đấu tranh có hiệu quả với các tội phạm và vi phạm pháp luật của người nước ngoài, Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Nhập cảnh, xuất cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và các văn bản có liên quan, đặc biệt là thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 04/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú và hoạt động tại Việt Nam; rà soát các văn bản pháp luật có liên quan đến công tác quản lý người nước ngoài, kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế.
Tiếp tục tuyên truyền trong và ngoài nước các quy định liên quan đến trách nhiệm của người nước ngoài nhập cảnh, cư trú tại Việt Nam. Tăng cường công tác nắm tình hình, quản lý người nước ngoài tại các cơ sở lưu trú, các cơ sở có người nước ngoài đang lao động, làm việc, các cơ sở kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài, casino; thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ công tác cấp giấy chứng nhạn đủ điều về an ninh, trật tự đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện liên quan đến người nước ngoài tại Việt Nam.
Tăng cường các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động vi phạm pháp luật của các đối tượng là người nước ngoài; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định của pháp luật.
Đồng thời tăng cường hợp tác với các nước trên thế giới và khu vực, nhất là với các nước láng giềng; đẩy mạnh đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế, thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và các nước có liên quan đến phòng, chống tội phạm, dẫn độ, chuyển giao người bị kết án phạt tù, tương trợ tư pháp về hình sự.
Tội phạm ma túy có yếu tố nước ngoài ngày càng gia tăng
Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an, số vụ việc liên quan đến tội phạm ma túy có yếu tố nước ngoài ngày càng gia tăng và phức tạp hơn. Trong năm 2019, nổi lên tình trạng các đối tượng người Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc lợi dụng chính sách mở cửa, hội nhập, chính sách thuận lợi của Nhà nước đối với thủ tục hải quan và những kẽ hở trong công tác quản lý, xuất nhập khẩu với danh nghĩa là du lịch, thăm thân, đầu tư kinh doanh… móc nối với các đối tượng trong nước thành lập các doanh nghiệp, công ty “bình phong” sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, thuê kho, xưởng để ngụy trang mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng rất lớn.
Đáng chú ý, các đối tượng người nước ngoài còn lợi dụng hoạt động của các doanh nghiệp để “núp bóng” tổ chức sản xuất trái phép chất MTTH diễn biến phức tạp.
Sau nhiều năm tạm lắng thì năm 2019 số đối tượng người gốc Phi vẫn với thủ đoạn như trước đây là cặp bồ như vợ chồng với một số phụ nữ người Campuchia, Thái Lan, Philippines, Việt Nam… và thông qua số phụ nữ này để hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy diễn biến rất phức tạp. Ma túy do các đối tượng người gốc Phi vận chuyển vào Việt Nam không chỉ để tiêu thụ tại Việt Nam mà tiếp tục vận chuyển đi nước thứ ba. Thủ đoạn vận chuyển chủ yếu là nhét hoặc giấu ma túy trong loa thùng, va li hai đáy, đồ chơi trẻ em, nuốt nhét trong cơ thể để vận chuyển qua đường hàng không, đường bộ, gửi qua các hãng xe khách và đường bưu điện quốc tế.
Số đối tượng người gốc Phi ít khi trực tiếp vận chuyển mà chủ yếu ở nước ngoài thông qua các ứng dụng của mạng xã hội để điều hành quá trình vận chuyển, giao nhận ma túy, do đó khi bắt giữ các đối tượng vận chuyển, việc điều tra mở rộng để truy bắt các đối tượng gốc Phi là rất khó khăn nếu không có sự hợp tác quốc tế hiệu quả.
Cũng trong năm 2019, các đường dây tội phạm ma túy do các đối tượng Việt kiều ở Mỹ, Úc, Canada cầm đầu diễn biến không phức tạp như trước đây, các lực lượng chức năng tại Việt Nam cũng như Úc chủ yếu chỉ bắt được một số vụ nhỏ lẻ vận chuyển qua đường hàng không hoặc đường bưu điện với khối lượng ma túy thu giữ không nhiều. Tuy nhiên, theo thông tin trao đổi của Cảnh sát Liên bang Úc, Cục phòng chống ma túy Hoa Kỳ và Campuchia cho thấy vẫn còn nhiều đối tượng là Việt kiều ở Úc, Mỹ, Canada có lệnh truy nã về ma túy đang lẩn trốn tại TPHCM và lợi dụng địa bàn TPHCM để họp, bàn bạc thống nhất tổ chức mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy.
Nguồn: Chinhphu.vn