Pháp luật

Đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm: Vẫn còn nhiều khó khăn

08:31, 26/05/2020 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) giữ vị trí quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe con người và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Xác định được tầm quan trọng đó, những năm qua, các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn tỉnh đã vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, tăng cường đấu tranh, ngăn chặn các loại tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ATTP. Có thể nói, chưa bao giờ, phòng, chống thực phẩm bẩn đang được quan tâm và đẩy mạnh như hiện nay. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác này vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập, chưa tương xứng với tình hình thực tiễn. 

Đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP test nhanh chất phụ gia trong đồ khô tại chợ hải sản Cửa Lò
Đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP test nhanh chất phụ gia trong đồ khô tại chợ hải sản Cửa Lò
Nghệ An là tỉnh có dân số đông, có nhiều nghề truyền thống; đồng thời cũng là địa bàn luân chuyển trung gian và tiếp nhận nguồn nguyên liệu, hàng hoá thực phẩm. Đặc điểm về địa lý, hoàn cảnh, điều kiện kinh tế, quy trình công nghệ và quy mô sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm... đã tác động rất lớn đến chất lượng ATTP. Công tác quản lý Nhà nước và đạo đức xã hội trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm chưa có sự quan tâm đúng mức cũng là nguyên nhân chính cho tình hình vi phạm hiện nay. 
 
Qua công tác phát hiện, đấu tranh cho thấy, hầu hết các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh đều có vi phạm về VSATTP. Do lợi nhuận về kinh tế, nhiều đối tượng đã bất chấp pháp luật, đạo đức, sử dụng thủ đoạn tinh vi để đối phó với cơ quan chức năng và lừa dối người tiêu dùng nhằm thu lợi bất chính. Bên cạnh đó, mặc dù hệ thống các văn bản pháp luật về ATVSTP về cả hành chính và hình sự đã có nhiều thay đổi, góp phần làm giảm các vi phạm, tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật.
 
Đơn cử, hiện nay, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ nhiều, thường xuyên có sự biến động, trong khi Nghị định số 15/2018/NĐ ngày 2/8/2018 của Chính phủ quy định các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ không phải cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, nhưng các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ chưa rõ ràng nên gây khó khăn trong công tác quản lý, xử lý vi phạm. Hay như Bộ luật Hình sự năm 2015 đã cụ thể hóa, quy định xử lý hình sự đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm. Tuy nhiên, khi xem xét các yếu tố cấu thành tội phạm thì việc xác định lỗi cố ý trong quá trình sản xuất, chế biến, đóng gói gặp nhiều khó khăn, dẫn đến việc xử lý hình sự đối với loại tội phạm này còn rất ít.
 
Trên thực tế, công tác bảo đảm ATTP liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực nhưng sự phối hợp giữa các ngành chức năng như: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Cục quản lý thị trường với lực lượng Cảnh sát Môi trường và các lực lượng chức năng khác đang còn hạn chế. Nhiều vấn đề chưa thống nhất cao trong việc xác định địa bàn, đối tượng, nhóm hành vi để có giải pháp hữu hiệu trong phòng ngừa, đấu tranh. Công tác quản lý Nhà nước, nhất là thẩm định để cấp giấy chứng nhận có điều kiện về ATVSTP; thực hiện quy trình hậu kiểm; tính đồng bộ, nhất quán trong phát hiện, xử lý vi phạm; việc xác định trách nhiệm cho các ngành, các cấp trong đảm bảo ATVSTP; nguyên tắc, quy trình, lộ trình khắc phục hậu quả sau vi phạm… đang gặp nhiều khó khăn. Công tác lấy mẫu, phân tích, kiểm nghiệm đều phải trưng cầu các đơn vị chức năng ngoài ngành Công an và phải có sự đánh giá của cơ quan chuyên ngành mới đảm bảo yêu cầu thu thập chứng cứ, phục vụ công tác điều tra, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật, vì thế ảnh hưởng rất lớn đến thời hạn giải quyết các vụ việc theo quy định của pháp luật.
Lực lượng chức năng kiểm tra tại một cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn TP Vinh
Lực lượng chức năng kiểm tra tại một cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn TP Vinh
Hiện nay, chưa có cơ sở dữ liệu thống nhất về quản lý, xử lý vi phạm ATTP và quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nên hạn chế trong công tác nắm tình hình bảo đảm ATTP trên địa bàn toàn tỉnh. Yêu cầu công tác đấu tranh, xử lý vi phạm pháp luật về ATTP là rất lớn, song tại địa phương chưa có các trung tâm kiểm nghiệm thực phẩm nông, lâm, thủy sản phục vụ kịp thời công tác xử lý vi phạm. Do vậy, việc phát hiện, xử lý vi phạm về ATTP thời gian qua chủ yếu mới chỉ dừng lại ở việc xử lý theo quy định về thương mại, kiểm dịch; chưa làm được rõ theo hướng kiểm nghiệm mẫu thực phẩm có đạt hay không, có tồn dư chất cấm, chất ngoài danh mục được phép sử dụng… gây mất VSATTP, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng hay không?
 
Bên cạnh đó, các Đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP được thực hiện thường xuyên, khép kín, đầy đủ các thành viên của các sở, ban, ngành tham gia, tuy nhiên hiệu quả trong công tác phòng ngừa, xử lý chưa cao. Các Đoàn liên ngành chủ yếu tập trung xử lý các vi phạm theo lỗi thủ tục, chưa đi sâu vào các hành vi sử dụng chất cấm, hóa chất, nguyên liệu không rõ nguồn gốc… dẫn đến việc nâng cao nhận thức, tầm ảnh hưởng chưa thực sự được lan tỏa. Ngoài ra, kinh phí, trang thiết bị kỹ thuật chuyên dùng để phục vụ công tác kiểm nghiệm, phát hiện, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật về ATTP chưa đáp ứng được yêu cầu. Đặc biệt, hiện nay, công tác tạm giữ tang vật vi phạm hành chính không có kho lạnh để bảo quản nên khó khăn trong việc bảo quản, xử lý tang vật vi phạm, nhất là tạm giữ hàng thực phẩm đông lạnh, sản phẩm gia súc, gia cầm, thủy, hải sản tươi sống.
 
Mặc dù vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập, tuy nhiên thời gian qua, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về ATTP, qua đó đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Năm 2019, các Đoàn thanh, kiểm tra liên ngành và chuyên ngành của các sở, ngành đã thanh, kiểm tra 24.405 cơ sở, tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 1.412 cơ sở với tổng số tiền gần 2,4 tỉ đồng. Riêng Công an tỉnh Nghệ An đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 673 vụ vi phạm về ATTP, thu nộp ngân sách Nhà nước gần 3,7 tỉ đồng và chuyển cơ quan khác xử lý 320 vụ, 320 đối tượng; Cục Quản lý thị trường xử lý 550 vụ, tổng giá trị thu phạt hơn 2,1 tỉ đồng… Trong quý I/2020, các Đoàn thanh, kiểm tra liên ngành và chuyên ngành đã tiến hành thanh, kiểm tra 6.176 cơ sở, trong đó có 5.332 cơ sở đạt và 844 cơ sở vi phạm, xử lý vi phạm hành chính 187 cơ sở vi phạm với tổng số tiền 492.575.000 đồng.
 
Thời gian tới, để từng bước ngăn chặn thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn và tiến tới loại trừ ra khỏi xã hội, các cơ quan chức năng cần tiếp tục tham mưu kiến nghị đề xuất bổ sung, sửa đổi những bất cập, vướng mắc trong các văn bản quy phạm pháp luật về công tác quản lý, bảo đảm ATTP. Bên cạnh đó, thường xuyên đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục, phải thiết thực, hiệu quả để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng chung tay bảo đảm ATTP. Nhất là chú trọng vào các tổ chức, cá nhân, sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, những người dân sống ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, tập trung công tác nắm tình hình, phân loại tuyến, địa bàn đấu tranh cụ thể, các nhóm mặt hàng liên quan đến ATTP từ khâu sản xuất cho đến quá trình vận chuyển, kinh doanh. Qua đó, phát hiện những vấn đề nổi cộm trong lĩnh vực ATTP để chủ động tham mưu biện pháp, kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh, xử lý hiệu quả.

Ngọc Anh

Các tin khác