Pháp luật
Ô nhiễm môi trường ở Khu kinh tế Đông Nam
08:24, 25/05/2020 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Từ năm 2015 đến nay, người dân xã Nghi Quang, huyện Nghi Lộc đã nhiều lần phản ánh đến các cấp chính quyền, Ban quản lý Khu kinh tế (KKT) Đông Nam về việc Nhà máy sản xuất bột cá của Công ty CP Minh Thái Sơn liên tục gây ô nhiễm môi trường, bức tử người dân nhưng đến nay vẫn chưa được quan tâm, giải quyết dứt điểm.
Nhà máy sản xuất bột cá của Công ty CP Minh Thái Sơn nằm tại Khu C, KCN Nam Cấm, ngành nghề chính là sản xuất bột cá để làm thức ăn chăn nuôi và sản xuất thức ăn cho gia súc, gia cầm, thủy hải sản. Mặc dù mới đi vào hoạt động chưa lâu, song công ty này liên tục bị người dân thuộc các xóm Trung Tiến, xã Nghi Quang và xóm 5, xã Nghi Xá, huyện Nghi Lộc phản ánh, kiến nghị rất nhiều lần vì gây ô nhiễm môi trường.
Một góc Nhà máy bột cá Minh Thái Sơn và cột khói xả ra môi trường trong thời gian xin ngừng hoạt động |
Đỉnh điểm là vào tháng 7/2019, người dân đã nhiều lần tập trung trước cổng nhà máy để phản đối, buộc lãnh đạo công ty phải cam kết khắc phục, nếu tái diễn sẽ tạm dừng hoạt động. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Ban quản lý KKT Đông Nam phối hợp với UBND huyện Nghi Lộc kiểm tra, rà soát về công tác thu gom, xử lý, thoát nước thải và hệ thống xử lý khí thải tại nhà máy. Kết quả, nước thải trong mương thu gom, thoát nước mặt chung KCN đoạn chảy qua Nhà máy sản xuất bột cá của Công ty CP Minh Thái Sơn có màu đen, mùi hôi đặc trưng của ngành nghề chế biến thủy hải sản. Ban quản lý KKT Đông Nam đã yêu cầu công ty khắc phục ngay các nội dung còn tồn tại. Thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo vệ môi trường về xử lý khí thải, mùi theo đúng các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.
Ngày 2/8/2019, Công ty CP Minh Thái Sơn có Văn bản số 16/MTS-MT về việc tạm dừng hoạt động sản xuất để xử lý ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, phản ánh của người dân cho biết, mặc dù xin tạm dừng hoạt động song công ty này vẫn lén lút hoạt động, bên ngoài cổng đóng then cài nhưng bên trong công nhân vẫn miệt mài làm việc. Bằng chứng là cột khói đen của công ty vẫn xả khói đen ngùn ngụt ra môi trường mỗi ngày. Trao đổi với phóng viên, đại diện Ban quản lý KKT Đông Nam cho biết, đến thời điểm này, Công ty CP Minh Thái Sơn vẫn đang tạm ngừng hoạt động, Ban chưa nhận được thông báo xin được hoạt động trở lại. Về phản ánh công ty này lén lút hoạt động trở lại khi chưa khắc phục xong tình trạng ô nhiễm môi trường, Ban quản lý KKT Đông Nam cho biết sẽ tiến hành kiểm tra, nếu đúng như phản ánh sẽ có biện pháp mạnh để xử lý nghiêm.
Được biết, Công ty CP Minh Thái Sơn gây ô nhiễm môi trường xảy ra từ nhiều năm nay và không phải là cá biệt ở KKT Đông Nam kể từ khi đưa vào hoạt động đến nay. Trong đó, tiền đề là KCN Nam Cấm, được đưa vào hoạt động từ năm 2005, nhưng 10 năm sau tại đây mới được đầu tư và đưa vào vận hành Trạm xử lý nước thải tập trung. Trong thời gian này, nhiều công ty đã gây ô nhiễm môi trường, khiến người dân phải cầu cứu cơ quan chức năng, trong đó ngoài nhà máy của Công ty CP Minh Thái Sơn, còn có Nhà máy bia Hà Nội - Nghệ An; Công ty chế biến thủy hải sản đông lạnh Hải An… Trong đó, đáng chú ý là Công ty chế biến thủy hải sản đông lạnh Hải An đã từng bị UBND tỉnh có công văn yêu cầu tạm dừng hoạt động sản xuất để khắc phục ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, công ty vẫn tổ chức hoạt động sản xuất chế biến hải sản trái phép trong khi hệ thống xử lý nước thải không vận hành và chưa hoàn thành các biện pháp khắc phục nhằm bảo vệ môi trường.
Tương tự, Nhà máy sản xuất ván nhân tạo Việt Trung, mặc dù hệ thống thu gom, thoát nước mưa và thoát nước thải của nhà máy được xây riêng biệt nhưng vào những lúc mưa to, nước thải tràn hố ga thoát ra mương gây tác động tiêu cực đến môi trường. Nhà máy sản xuất giấy Karapt của Công ty TNHH Thiên Phú xả nước thải qua 3 đường ống ra sông Cấm. Trong đó, chỉ có 1 đường ống để xả thải sau khi xử lý, 2 đường ống còn lại dẫn nước mưa chảy tràn trong khuôn viên nhà máy đổ thẳng xuống sông Cấm, bất luận đơn vị này chưa lắp đặt đồng hồ đo lưu lượng nước thải tại hệ thống xử lý nước thải và chưa có sổ theo dõi vận hành của hệ thống. Thậm chí, không riêng gì doanh nghiệp, mà dự án Trạm xử lý nước thải tập trung KCN Nam Cấm với tổng mức đầu tư khoảng 70 tỉ đồng, cũng xảy ra tình trạng lén xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. Sự việc này đã bị Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Nghệ An bắt quả tang khiến người dân rất bức xúc.
Được biết, vấn đề ô nhiễm môi trường tại các KCN, KKT hiện nay đang là “bài toán” không dễ tìm lời giải, không riêng gì tại KKT Đông Nam mà ở nhiều địa phương khác trên cả nước cũng xảy ra tình trạng này. Tuy nhiên, để giảm đến mức thấp nhất những hệ lụy có thể xảy ra, cũng cần có chế tài để xử lý các doanh nghiệp vi phạm, qua đó tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng. Chúng ta không vì lợi nhuận, kinh tế và thu hút đầu tư mà chấp nhận đánh đổi nhiều thứ, trong đó có vấn đề môi trường sống. Để đảm bảo môi trường, đòi hỏi phải có cơ chế ràng buộc các doanh nghiệp có trách nhiệm. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần thường xuyên tăng cường thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, đặc biệt là việc xả thải. Qua đó, tiến tới giải quyết triệt để ô nhiễm môi trường, hướng tới vì một nền sản xuất xanh - sạch - đẹp và sinh thái công nghiệp.
THIỆN THÀNH