Pháp luật
Cảnh báo thủ đoạn tội phạm ma túy lợi dụng các công nghệ 4.0
09:49, 12/05/2020 (GMT+7)
Theo Bộ Công an, trung bình trong 5 năm gần đây cả nước phát hiện khoảng 20.000 vụ với trên 30.000 đối tượng, khối lượng chất ma túy thu giữ tính bằng tấn. Tội phạm ma túy triệt để lợi dụng thành tựu cuộc cách mạng công nghệ 4.0 để hoạt động với thủ đoạn tinh vi, nhất là các phương tiện thông tin, liên lạc hiện đại khiến cho tình hình tội phạm về ma túy vẫn diễn biến hết sức phức tạp, trên tất cả các tuyến biên giới đường bộ và tuyến đường biển, đường hàng không.
Ảnh minh họa |
Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an, một số phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm ma túy trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, đó là: Các đối tượng tạo lập các tài khoản ảo trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Telegram để quảng cáo, rao bán các chất ma túy, phổ biến nhất là cần sa. Khi người mua có nhu cầu, các đối tượng sẽ yêu cầu liên hệ qua ứng dụng Messenger (ứng dụng nhắn tin trực tiếp của Facebook) hoặc chuyển sang một ứng dụng OTT khác như Zalo, Viber, Line, Telegram...
Sau khi đã thống nhất, các đối tượng sẽ chuyển hàng đến cho người mua bằng hình thức đóng gói, ngụy trang dưới dạng các sản phẩm như thực phẩm, hàng lưu niệm rồi dán kín, chuyển hàng bằng các dịch vụ vận chuyển như Grab, Go Việt, VN Post, Viettel Post… Đặc biệt, các đối tượng bán thường không “xuất đầu lộ diện”, tuyệt đối không giao dịch trực tiếp để tránh bị lực lượng chức năng theo dõi, bắt quả tang hành vi vi phạm pháp luật.
Không chỉ dừng lại ở việc lập các tài khoản ảo, các đối tượng chủ mưu cầm đầu còn thành lập các hội, nhóm trên mạng xã hội để đăng tin, quảng cáo, trao đổi, mua bán các loại chất gây nghiện, chất hướng thần, phổ biến nhất là cần sa, “cỏ Mỹ”, “bóng cười”, “rượu 138” (rượu ngâm các bộ phận của cây thuốc phiện). Còn đối với các loại ma túy nguy hiểm hơn như ma túy tổng hợp đặc biệt là ma túy tổng hợp dạng đá, ketamin, các đối tượng lập ra các hội nhóm kín trên các mạng xã hội, ứng dụng nhắn tin OTT để trao đổi thông tin, giao dịch, mua bán.
Điển hình là vụ thông qua các “nhóm kín” trên mạng xã hội, Nguyễn Nam Cao (SN 198l, trú tại xã Đông Dư, huyện Gia Lâm, Hà Nội) đã thuê những người tại chính nơi mình ở đi giao hàng cho khách để trốn tránh cơ quan chức năng... Cụ thể, chiều 21/2/2020, tại địa bàn xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, tổ công tác Đội Cảnh sát ĐTTP về kinh tế - ma túy, Công an huyện Hoài Đức làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát đã tiến hành kiểm tra hành chính ông N.T.V trú tại xã Đông Dư, huyện Gia Lâm.
Ông V khai mình là shipper đi giao hàng cho khách theo yêu cầu của một người ở gần nhà tên là Cao. Trong tay ông V có một túi giấy bên ngoài có ghim một dòng chữ ghi “Đại học Thành Đô, thu 600K”. Bên trong túi giấy có một hộp nhựa màu trắng chứa thảo mộc khô và một bao thuốc lá chứa 05 điếu thuốc lá. Giám định sơ bộ tại Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an thành phố Hà Nội xác định thảo mộc bên trong hộp nhựa màu trắng có khối lượng 5,150g là ma túy loại cần sa. Thảo mộc bên trong 05 điếu thuốc có khối lượng 2,807g.
Quá trình điều tra xác định, sáng cùng ngày, do có nhu cầu sử dụng ma túy, Đỗ Văn Đông, trú tại huyện Hoài Đức đã dùng tài khoản Facebook nhắn tin đến tài khoản Facebook có tên là “Thảo dược store” với nội dung hỏi mua ma túy cần sa. Chủ của trang Facebook này là Nguyễn Nam Cao đã đồng ý bán cho Đông 05g ma túy cần sa và 05 điếu thuốc lá chứa ma túy cần sa với giá 600.000 đồng. Cao đã thuê ông N.T.V đi ship hàng cho mình chuyển đến cho Đông. Khi ông V đang đi giao hàng cho Đông thì bị cơ quan công an kiểm tra bắt giữ.
Điều tra mở rộng, Đội Cảnh sát ĐTTP về kinh tế - ma túy, Công an huyện Hoài Đức xác định người bán cần sa cho Nguyễn Cao Nam là Dương Quang Huy (SN 1981, trú tại phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội). Triệu tập Dương Quang Huy đến cơ quan công an, đối tượng này cũng đang trên đường đi bán cần sa, thu giữ 98,909g ma túy cần sa.
Các hội nhóm kín hoạt động rất bí mật, kiểm soát chặt chẽ, chỉ bao gồm nhóm nhỏ một số người đã quen biết nhau từ trước hoặc được các thành viên “có uy tín” giới thiệu. Bên cạnh việc giao dịch, mua bán, trong các hội nhóm này, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu còn thường xuyên tuyên truyền sai lệch rằng ma túy tổng hợp không gây nghiện, khiến cho các thành viên có những hiểu biết không đúng, không đầy đủ về sự nguy hại của những loại ma túy này. Cùng với việc lợi dụng mạng xã hội, ứng dụng nhắn tin OTT để phạm tội, các đối tượng cũng rất nhanh nhạy trong việc nắm bắt thông tin, xu hướng mới thị trường thương mại.
Trước sự phát triển rất nhanh chóng của các trang thương mại điện tử và độ phủ sóng rộng khắp của hệ thống này, các đối tượng đã sử dụng các trang thương mại điện tử để đăng thông tin quảng cáo mua bán tiền chất ma túy, ngụy trang bài đăng bằng tên các loại thuốc nhằm tránh sự kiểm duyệt của các trang thương mại điện tử. Khi có người liên hệ thông qua hệ thống tin nhắn trên các trang này, các đối tượng sẽ không trực tiếp trả lời các nội dung liên quan đến việc giao dịch mà sẽ cung cấp cho người mua thông tin liên hệ trên các ứng dụng nhắn tin OTT khác và thực hiện việc giao dịch qua đó, sau đó các đối tượng sẽ đóng gói và gửi hàng qua các dịch vụ chuyển phát nhanh tương tự như việc mua bán trên mạng xã hội và luôn luôn giữ bí mật tuyệt đối về nhân thân của mình.
Sử dụng các web ẩn
Đáng quan ngại hơn là việc các đối tượng còn nghiên cứu, tìm hiểu việc sử dụng các trang mạng, diễn đàn ngầm (Deepweb) để mua bán trái phép chất ma túy. Deepweb hay còn gọi là web chìm, web ẩn, mạng chìm dùng để chỉ các trang hoặc nội dung trên mạng WWW không thuộc về web nổi (surface web), gồm những trang không được đánh dấu, chỉ mục và không thể tìm kiếm được khi dùng các công cụ tìm kiếm thông thường như Chrome hay Firefox mà phải dùng một trình duyệt chuyên dụng mới có thể kết nối.
Các trang deepweb được truy cập thông qua một mạng ngầm phức tạp, có tính ẩn danh cao và có sự tham gia của nhiều loại tội phạm nguy hiểm nhất như mua bán người, giết người, mại dâm trẻ em, mua bán trái phép chất ma túy…
Điển hình trên thế giới là trang chợ đen chuyên mua bán ma túy Silk Road 2.0 đã bị Cơ quan điều tra Liên bang Hoa Kỳ (FBI) và Cảnh sát Châu Âu (Europol) vô hiệu hóa vào năm 2014. Các đối tượng sử dụng những ứng dụng có tính ẩn danh cao, mã hóa phức tạp như sử dụng Bitcoin để thanh toán và sử dụng dịch vụ vận chuyển hàng hóa quốc tế để khó xác định danh tính.
Mặc dù việc sử dụng các trang mạng, diễn đàn ngầm vào việc mua bán trái phép chất ma túy ở nước ta chưa thực sự dễ dàng và phổ biến như đối với mạng xã hội và trang mua bán điện tử nhưng hiện nay cũng đã xuất hiện tình trạng này. Cùng với đó, các đối tượng người nước ngoài sẵn sàng chi tiền và tìm cách móc nối với các đối tượng trong nước để đào tạo, huấn luyện việc sử dụng, khai thác các trang mạng, diễn đàn ngầm nhằm phục vụ cho hoạt động mua bán trái phép chất ma túy mang tính chất xuyên quốc gia.
Ngoài ra, các đối tượng sử dụng các thành tựu, phương tiện khoa học công nghệ để điều chế, sản xuất một số loại ma túy tổng hợp để tiêu thụ nội địa hoặc vận chuyển đi các nước.
Điều này đã đặt ra những thách thức đặt ra cho lực lượng chuyên trách trong công tác đấu tranh chống tội phạm ma túy. Trong đó, tập trung đầu tư nâng cao năng lực của các lực lượng chức năng, cập nhật các kỹ năng ứng dụng thành tựu khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới trong phòng chống tội phạm ma túy cho các lực lượng nghiệp vụ chuyên trách.
Đổi mới chương trình, nội dung đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ mọi mặt cho cán bộ, chiến sỹ trong việc nhận thức, nắm bắt xu thế phát triển của cuộc cách mạng 4.0; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, phát triển khoa học, kỹ thuật, công nghệ, nhất là các thiết bị kỹ thuật hiện đại sử dụng trong thông tin liên lạc, phát hiện, thu thập các loại chứng cứ điện tử, nguồn thông tin tội phạm ma túy, trang thiết bị nhận diện, giám định các chất ma túy mới…
Tiếp tục mở rộng hoạt động hợp tác quốc tế để đi vào thực chất, tập trung có trọng tâm, trọng điểm, nhất là hỗ trợ, trao đổi thông tin, kinh nghiệm, các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, thiết thực trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm ma túy.
Nguồn: Chinhphu.vn