Pháp luật
9 lần ra tòa vì 'hành nghề đạo chích'
10:47, 21/02/2020 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Tuy có buôn bán hoa quả ở chợ, song đó chỉ là “vỏ bọc” để Nguyễn Thị Hạnh thực hiện các phi vụ trộm cắp tài sản. Thậm chí, người phụ nữ này còn vào các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Trị… để hành nghề “đạo chích”. Để giờ đây, khi đã gần 60 tuổi, thị lại tiếp tục ra tòa để nhận bản án về tội trộm cắp tài sản.
Bị cáo Nguyễn Thị Hạnh tại phiên tòa phúc thẩm |
Theo tài liệu của cơ quan điều tra, sáng 25/7/2019, Hạnh thuê xe ôm đi từ nhà xuống chợ Sơn (xã Nghi Thạch, huyện Nghi Lộc) để mua cá nhưng thực chất là để lợi dụng sơ hở của người dân, thực hiện hành vi trộm cắp. Đến chợ, Hạnh đến sạp cá của chị Nguyễn Thị H. hỏi mua 3 con cá. Sau khi 2 bên thống nhất giá cả, trong lúc chị H. đang làm cá thì Hạnh nhanh tay luồn vào làn đựng đồ của chị này lấy 1 chiếc ví da bên trong có 5.627.000 đồng và 1 chiếc điện thoại. Hạnh đem giấu số tài sản trên vào chiếc áo khoác nắng của mình rồi nhanh chân bỏ đi.
Sau khi làm cá xong, chị H. kiểm tra làn đựng đồ thì phát hiện chiếc ví đã “không cánh mà bay” nên tri hô mọi người đuổi bắt Nguyễn Thị Hạnh. Đúng lúc đó, Công an xã Nghi Thạch đã có mặt kịp thời và bắt giữ thành công đối tượng, thu giữ toàn bộ số tài sản trên. Tại phiên tòa sơ thẩm do TAND huyện Nghi Lộc đưa ra xét xử vào tháng 10/2019 đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Hạnh 3 năm tù về tội trộm cắp tài sản.
Không đồng tình với mức án trên, Hạnh đã làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Ngày 14/2/2020, TAND tỉnh mở phiên tòa phúc thẩm hình sự xét xử bị cáo Nguyễn Thị Hạnh về tội trộm cắp tài sản. Đứng sau bục khai báo, Hạnh khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội và cho biết, bản thân nhận thức việc trộm cắp là sai phạm. Song, ngụy biện cho hành vi phạm tội của mình, bị cáo nói rằng, là do “hoàn cảnh khó khăn, bản thân bị cáo lại bị bệnh, không có tiền mua thuốc nên mới làm liều như vậy…”.
Vị chủ tọa phiên tòa phân tích rằng: Ở ngoài xã hội, có rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, bi đát hơn bị cáo nhưng họ vẫn làm các công việc chân chính để mưu sinh chứ không phạm pháp. Bị cáo có công việc buôn bán ở chợ nhưng không tu chí làm ăn. Mặc dù đã rất nhiều lần bị TAND các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị đưa ra xét xử với các mức án khác nhau về tội trộm cắp tài sản, thế nhưng, bị cáo vẫn tiếp tục “ngựa quen đường cũ”, không thể hiện sự ăn năn, hối lỗi, không lấy đó làm bài học để rèn luyện bản thân mà tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội. Điều này thể hiện sự coi thường pháp luật của bản thân bị cáo. Vì vậy, rất cần một bản án nghiêm minh, thích đáng để xử phạt về hành vi phạm tội của bị cáo Nguyễn Thị Hạnh.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Thị Hạnh không đưa ra thêm lý do nào chính đáng để giảm nhẹ hình phạt nên HĐXX xét thấy, không có đủ căn cứ để xem xét giảm nhẹ hình phạt. HĐXX nhận định, TAND huyện Nghi Lộc xét xử với bản án sơ thẩm tuyên mức hình phạt là hợp lý. Xem xét toàn diện vụ án, HĐXX phiên tòa phúc thẩm quyết định y án đối với bị cáo, tuyên phạt Nguyễn Thị Hạnh 3 năm tù giam về tội trộm cắp tài sản.
Phiên tòa kết thúc, Nguyễn Thị Hạnh được các cán bộ Công an dẫn giải ra xe bít bùng để trở về trại giam. Không biết sau lần thứ 9 lĩnh án này, liệu những tháng ngày trong trại giam khi đã gần 60 tuổi, người phụ nữ này có sám hối, không sa vào vết xe đổ triền miên “hành nghề đạo chích” của mình để trở thành người lương thiện?
THU THỦY