Pháp luật
HTX đầu tư xây dựng quản lý và khai thác chợ Hải An
Xây chợ hay kinh doanh bất động sản?
14:24, 18/02/2020 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Dưới mục đích xây dựng chợ truyền thống khang trang và hiện đại hơn để bà con tiểu thương hoạt động, HTX Hải An đã được “trao tay” khu đất vàng tại trung tâm thị trấn Tân Kỳ, Nghệ An. Dự án đưa vào hoạt động nhưng phần chợ thì vắng như chùa bà Đanh, còn thị phần nhà ở, kinh doanh bất động sản lại nhộn nhịp.
Tiểu thương quay lưng với chợ mới
Mặt tiền chợ Tân Kỳ xây dựng kiểu nhà “shop house”, đã kín chủ sở hữu |
Nằm trong diện thu hút đầu tư, HTX đầu tư xây dựng quản lý và khai thác chợ Hải An - Tân Kỳ (đơn vị thành viên của Liên hiệp HTX phát triển và Quản lý chợ Việt Nam), được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt đầu tư 2 dự án tại Tân Kỳ là dự án đầu tư xây dựng sở hữu và kinh doanh chợ Tân Kỳ và Dự án trung tâm tổ chức sự kiện khách sạn và dịch vụ tổng hợp huyện Tân Kỳ. Trong đó, dự án đầu tư, xây dựng, sở hữu kinh doanh chợ Tân Kỳ được xây dựng tại địa bàn khối 6, thị trấn Lạt, huyện Tân Kỳ, với diện tích đất sử dụng 7.726 m2. Tháng 3/2018, dự án được khởi công và đến tháng 5/2019, dự án đã chính thức khánh thành giai đoạn 1 và đi vào hoạt động. Chợ gồm tòa nhà cao 3 tầng, 1 tầng hầm, gồm 481 ki-ốt kinh doanh, trong đó 38 ki-ốt ở tầng 3, 37 ki-ốt ở tầng 2 và 406 điểm kinh doanh trong chợ với tổng vốn đầu tư hơn 177 tỉ đồng.
Trước đó, theo Quyết định số 1923/QĐ-UBND của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt phương án bố trí, sắp xếp ngành hàng, điểm kinh doanh, nội quy chợ Tân Kỳ thì, chợ Tân Kỳ có 210 điểm kinh doanh tại tầng trệt, 261 điểm kinh doanh tại tầng 1 và tầng 3 có 38 điểm kinh doanh. Ngoài ra, tại chợ còn có 28 ki-ốt, bao gồm 11 ki-ốt 3 tầng và 17 ki-ốt 2 tầng. Liên quan đến vấn đề này, theo Quyết định số 5955/QĐ-UBND ngày 12/12/2013 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể mạng lưới phân bố hàng hóa trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020, có tính đến năm 2025 thì chợ Tân Kỳ được phân loại là chợ loại I.
Quy mô là vậy nhưng sau gần một năm đưa vào hoạt động, các hạng mục liên quan đến kinh doanh, buôn bán của tiểu thương, từ khu vực tầng hầm đến mặt bằng tầng 1 đều trong tình trạng vắng hoe, không ai mặn mà với dự án trăm tỉ này, ngoại trừ một số ki-ốt mặt tiền đã được người dân mua để ở kết hợp kinh doanh. Cụ thể, hàng trăm ki-ốt đến thời điểm này vẫn đang bỏ trống, phía trong khu vực chợ đã được gắn biển kinh doanh của các tiểu thương, nhưng tuyệt nhiên không có bất cứ hoạt động kinh doanh, buôn bán nào cho thấy, đây là khu vực dành để họp chợ như mong muốn của chủ đầu tư cũng như chính quyền địa phương. Về vấn đề này, nóng lòng di dời chợ, cũng là để tiếp tục giao mảnh “đất vàng” này cho HTX Hải An xây dựng trung tâm thương mại (vị trí chợ truyền thống hiện tại với diện tích hàng nghìn m2, nằm ở vị trí trung tâm nhất của thị trấn Lạt sẽ được bàn giao cho HTX Hải An để xây dựng dự án - PV), UBND thị trấn Tân Kỳ đã bất ngờ ra thông báo, sau ngày 10/6, UBND huyện, phối hợp với thị trấn sẽ rào cổng chợ, kiên quyết yêu cầu người dân chợ cũ phải di dời để nhường đất cho dự án mới của huyện.
Bất bình với việc này, các tiểu thương đã có ý kiến phản đối đến UBND huyện, thậm chí còn đến trụ sở tiếp dân của UBND tỉnh để phản ánh. Ngay sau đó, huyện Tân Kỳ đã phải nhượng bộ, chấp nhận để các tiểu thương tiếp tục họp chợ ở vị trí hiện tại. Ông Vi Văn Quang, Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng UBND huyện Tân Kỳ cho biết: Ban đầu, phía HTX Hải An chỉ hỗ trợ tiền thuê mặt bằng 1 năm, tuy nhiên qua nhiều lần thuyết phục thì chủ đầu tư đã đồng ý hỗ trợ 2 năm. Ngoài ra, chính quyền địa phương cam kết sẽ thực hiện kiểm đếm, hỗ trợ các tiểu thương với tổng số tiền hơn 1,8 tỉ đồng. Ngoài ra, các hộ được hỗ trợ 1,5 triệu đồng để di chuyển đồ đạc. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chỉ mới có 8 trong tổng số hơn 60 hộ đồng ý nhận tiền, bàn giao mặt bằng. Nguyên nhân việc các tiểu thương phản đối là nhà đầu tư nói một đằng, làm một nẻo khi đẩy các hộ kinh doanh xuống họp chợ dưới tầng hầm, vốn là nơi thiết kế dành để xe, thay vì họp chợ ở tầng 1 như cam kết ban đầu. Bên cạnh đó, việc cho thuê với giá cao cũng là điều khiến các tiểu thương không mặn mà với địa điểm kinh doanh mới.
Liên quan đến dự án này, trước đó trong quá trình xây dựng dự án này, chủ đầu tư có nhiều vi phạm. Cụ thể, cuối năm 2018 UBND huyện Tân Kỳ phối hợp với Sở Xây dựng kiểm tra hiện trạng công trình thì thấy nhiều hạng mục không đúng với hồ sơ thiết kế và đã yêu cầu chủ đầu tư dừng lại, không nghiệm thu. Tuy nhiên, thay vì yêu cầu làm đúng thiết kế ban đầu, khi chủ đầu tư xin điều chỉnh hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công thì các cơ quan chức năng của tỉnh Nghệ An lại chấp thuận. Cụ thể, chủ đầu tư đã điều chỉnh mặt bằng, mặt đứng kiến trúc góc phía Đông - Bắc làm tăng thêm diện tích mỗi tầng là 15,8 m2; điều chỉnh mặt bằng khối ki-ốt từ 40 ki-ốt thành 42 ki-ốt và điều chỉnh mặt bằng công năng sử dụng của tầng hầm. Trong đó, chuyển diện tích bãi đỗ xe thành khu bán hàng với tổng diện tích 2.226 m2, đây cũng là vị trí mà các tiểu thương chợ cũ được chuyển đến.
Kinh doanh bất động sản “núp bóng” xây chợ
Tầng hầm là nơi để xe, được thay đổi thiết kế công năng làm nơi họp chợ truyền thống nên bị bà con tiểu thương phản đối |
Dự án chợ Tân Kỳ được UBND tỉnh Nghệ An cho thuê 7.765 m2 đất với thời gian thuê đất chu kỳ đầu của dự án là 50 năm. Chợ Tân Kỳ nằm ở vị trí 2 mặt tiền, được HTX Hải An xây dựng kiểu nhà “shop house”, cao 3 tầng. Trong đó, tầng 1 dùng để kinh doanh, tầng 2 và 3 là chỗ ở cho gia đình. Trái ngược với sự đìu hiu, vắng vẻ bên trong khu vực dành cho các tiểu thương để buôn bán, các “shop house” gần như đã không còn chỗ trống. Các hộ gia đình đã nộp tiền để được chủ đầu tư cấp quyền sở hữu nhà ở.
Anh Nguyễn Hữu K. (SN 1985) trú tại khối 2, thị trấn Lạt cho biết: Gia đình anh gồm 3 thế hệ, sinh sống từ bao đời nay ở khối 2 thị trấn, bản thân anh làm nghề kinh doanh nên thường xuyên phải thuê địa điểm tại khu vực trung tâm thị trấn. Từ sau khi biết dự án chợ Tân Kỳ có bán nhà liền kề, anh đã vận động bố mẹ cầm cố bìa đất để sở hữu một căn liền kề với giá 1,8 tỉ đồng trong thời hạn 49 năm. Theo anh K., tất cả các căn nhà liền kề này đều đã có chủ, thời điểm anh mua, may mắn có một người khác sang nhượng nên mới có suất. Theo tìm hiểu được biết, giao động từ khoảng 1,5 tỉ đến dưới 2 tỉ đồng là giá của một căn hộ liền kề mà dự án chợ Tân Kỳ đã rao bán. Theo giới chuyên gia, mức giá này khá cao so với mặt bằng thị trường bất động sản trên địa bàn huyện Tân Kỳ hiện nay.
Trong một diễn biến khác, vị trí mà chợ Tân Kỳ tọa lạc hiện nay, trước đây là Trường Tiểu học thị trấn Tân Kỳ. Sau khi di dời đơn vị này, thay vì thu hồi đất, tổ chức đấu giá công khai thì mảnh đất này đã được “trao tay” cho HTX Hải An. Định giá đất tại thời điểm này thì mảnh đất nói trên có giá khoảng hơn 15 tỉ đồng. Dư luận trên địa bàn đang thắc mắc, đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ việc giao đất cho doanh nghiệp như vậy có đúng với quy định pháp luật hiện hành hay không, bởi không ít người quan ngại rằng, sau khi tiểu thương đồng ý di chuyển vào chợ mới, vị trí đất vàng chợ cũ (chợ chiều) hiện tại cũng sẽ được doanh nghiệp HTX Hải An sở hữu bằng hình thức tương tự, không chỉ tạo tiền lệ xấu trong thu hút đầu tư mà còn thất thoát ngân sách Nhà nước khi không tổ chức đấu giá công khai.
Sau thành công trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản thông qua hình thức xây chợ truyền thống tại huyện Tân Kỳ, Hợp tác xã đầu tư, xây dựng quản lý và khai thác chợ Hải An tiếp tục đầu tư, xây dựng Trung tâm thương mại kết hợp chợ truyền thống tại huyện Đô Lương, với kinh phí trên 330 tỉ đồng, quy mô 1.338 ki-ôt, quầy hàng, sạp hàng làm điểm kinh doanh với một số khối nhà cao từ 1 - 7 tầng. Dự án đã được khởi công từ ngày 15/12/2019. Bằng chứng cho thấy dự án này là một dự án kinh doanh bất động sản núp bóng vỏ bọc xây chợ, khi dự án đã được Công ty CP Bất động sản Bắc Trung Bộ rao bán đất nền rộng rãi trên các diễn đàn bất động sản cũng như trên website của doanh nghiệp này. Báo Công an Nghệ An sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc liên quan đến dự án này.
THIỆN THÀNH