Pháp luật

Thực hiện Nghị định 100 của Chính phủ

15 ngày, xử phạt 180 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn

09:11, 20/01/2020 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Thực hiện kế hoạch của Lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An về việc tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ, thời gian qua, lực lượng Cảnh sát Giao thông (CSGT) trên địa bàn tỉnh đã triển khai đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả nhiều giải pháp. Theo đó, trong 15 ngày đầu ra quân xử lý vi phạm về nồng độ cồn, lực lượng CSGT đã phát hiện, xử lý 180 trường hợp, xử phạt với tổng số tiền 912.500.000 đồng.
Việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về nồng độ cồn góp phần ngăn ngừa,  kéo giảm tai nạn giao thông do sử dụng rượu, bia trên địa bàn tỉnh
Việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về nồng độ cồn góp phần ngăn ngừa, kéo giảm tai nạn giao thông do sử dụng rượu, bia trên địa bàn tỉnh
Số liệu của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, năm 2012, Việt Nam có khoảng 36% người điều khiển xe máy bị phát hiện có nồng độ cồn trong máu vượt ngưỡng cho phép. Còn theo báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia, năm 2016, 40% các vụ tai nạn giao thông (TNGT) và 11% các vụ TNGT có người tử vong do tham gia giao thông trong tình trạng đã sử dụng rượu, bia. Tại Nghệ An, năm 2019 (từ 16/12/2018 - 15/11/2019), toàn tỉnh xảy ra 272 vụ TNGT, làm chết 161 người, bị thương 188 người. Trong đó, có 2 vụ TNGT do người điều khiển phương tiện trong hơi thở có nồng độ cồn. Trong các vụ tai nạn xảy ra thì có 15% số vụ TNGT nghiêm trọng có nguyên nhân bắt đầu từ việc lạm dụng rượu, bia rồi đi sai phần đường, làn đường, không làm chủ tốc độ, không chú ý quan sát, tránh vượt sai quy định… dẫn đến những hậu quả nằm ngoài tầm kiểm soát của người điểu khiển phương tiện. Cũng theo số liệu thống kê của WHO công bố năm 2018, mức tiêu thụ rượu, bia của người Việt Nam ở bậc cao so với các quốc gia khác trong khu vực. Ước tính, trung bình mỗi người từ 15 tuổi trở lên tiêu thụ 8,4 lít cồn nguyên chất trong 1 năm, nhiều hơn người Trung Quốc (7,2 lít) và gấp 4 lần người Singapore (2 lít). Tình trạng uống rượu, bia vẫn lái xe dường như đã là câu chuyện quá quen thuộc trên khắp cả nước nói chung cũng như tại địa bàn tỉnh Nghệ An nói riêng.
 
Nhận thức rõ hậu quả nặng nề do TNGT mang lại, đặc biệt là với nỗ lực ngăn ngừa, kéo giảm TNGT do sử dụng rượu, bia, những năm qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách và triển khai thực hiện một cách quyết liệt, hiệu quả. Trong đó, Luật số 44/2019/QH14 về phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020 là những ví dụ điển hình. Qua ghi nhận thực tế, sau một thời gian ban hành, những chính sách này đã nhận được sự ủng hộ, đồng thuận cao trong xã hội. Đây cũng được xem là bước ngoặt quan trọng, tạo cơ sở pháp lý vững chắc, mạnh mẽ để ngăn ngừa, kéo giảm TNGT do vi phạm nồng độ cồn. 
 
Đại tá Cao Minh Phượng, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh cho biết, ngay sau khi Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100 có hiệu lực thi hành, bên cạnh tham mưu Lãnh đạo Công an tỉnh chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thực hiện, bắt đầu từ thời điểm 0 giờ ngày 1/1/2020, Phòng CSGT đã huy động tối đa lực lượng triển khai công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo Nghị định 100, trong đó đặc biệt chú trọng xử lý vi phạm về nồng độ cồn. Theo số liệu tổng hợp, trong 15 ngày đầu ra quân (từ ngày 1/1 đến hết ngày 14/1), lực lượng CSGT đã phát hiện, xử lý 180 trường hợp vi phạm (33 xe ôtô, còn lại là môtô). Trong đó có 1 trường hợp người điều khiển ôtô và 2 trường hợp người điều khiển môtô không chấp hành. Lực lượng chức năng đã tiến hành xử phạt với tổng số tiền 912.500.000 đồng, tước 180 giấy phép lái xe và tạm giữ 180 phương tiện vi phạm.
 
Qua ghi nhận thực tế trong hơn 2 tuần đầu thực hiện xử phạt theo các khung tăng nặng của Nghị định 100 đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của quần chúng nhân dân. Bên cạnh việc tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, lực lượng CSGT còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT, nhất là các quy định xử phạt mới đến tận người dân nhằm góp phần kiềm chế, làm giảm TNGT do rượu, bia gây ra. Đặc biệt, Phòng CSGT đã tích cực phối hợp với các cơ quan báo chí kịp thời giải đáp nhiều thắc mắc phát sinh trong quá trình xử lý vi phạm theo Nghị định 100. Liên quan đến vấn đề này, trong thời gian qua, có rất nhiều người dân lo lắng về việc ăn một số thực phẩm lên men khi tham gia giao thông vẫn có thể “dính” nồng độ cồn khi thổi.
 
Theo lý giải của các chuyên gia, sự lo lắng này là có cơ sở bởi trên thực tế, một số thực phẩm khi sử dụng có thể làm tăng nồng độ cồn trong cơ thể như vải, nho, sầu riêng, dứa, táo, chuối, xoài... nhưng nồng độ cồn chỉ ở mức thấp và sẽ bị bay hơi sau một thời gian ngắn. Cũng theo lực lượng chức năng, quá trình thực hiện theo Nghị định 100, trên địa bàn Nghệ An chưa phát sinh trường hợp nào bị xử lý vi phạm nồng độ cồn do ăn hoa quả. Riêng về vấn đề người dân thắc mắc việc ống thổi đo nồng độ cồn hiện dùng chung hay riêng, bởi nếu dùng chung sẽ mất vệ sinh, có nguy cơ lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm qua đường nước bọt..., lãnh đạo Phòng CSGT khẳng định, máy đo nồng độ cồn được trang cấp bởi cơ quan chức năng, đảm bảo được các thông số kỹ thuật theo quy chuẩn. Để kiểm tra nồng độ cồn được nhanh chóng và đảm bảo vệ sinh, ngay sau khi kiểm tra trường hợp trước, sẽ thay ống mới để kiểm tra trường hợp sau chứ không có chuyện dùng chung 1 ống thổi để đo nồng độ cồn của người điểu khiển phương tiện.
 
Để công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định số 100 của Chính phủ đạt được hiệu quả tích cực, góp phần ngăn ngừa, kéo giảm TNGT trên địa bàn, trên cơ sở chỉ đạo của Cục CSGT, trong thời gian tới, Phòng CSGT sẽ tiếp tục tham mưu Lãnh đạo Công an tỉnh chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tập trung lực lượng, phương tiện, công cụ hỗ trợ, thiết bị kỹ thuật để thực hiện nhiệm vụ. Trong đó, kiên quyết xử lý các trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm soát và chống người thi hành công vụ theo đúng quy định của pháp luật. Nếu người vi phạm là đảng viên, lực lượng vũ trang, cán bộ công chức Nhà nước sẽ thông tin đến cơ quan, đơn vị công tác để phối hợp xử lý.
 
Thời điểm này đang là đợt cao điểm bảo đảm ANTT, trật tự ATGT dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 và các lễ hội đầu Xuân với lưu lượng người tham gia giao thông đông đúc trên các tuyến đường và địa điểm du lịch. Xác định rõ điều đó, CSGT sẽ tiếp tục tăng cường lực lượng, thực hiện công tác tuần tra kiểm soát và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm. Đặc biệt, tập trung kiểm tra vào buổi tối, các ngày nghỉ, ngày lễ và các tuyến đường có lưu lượng người tham gia giao thông đông. Bên cạnh đó, với vai trò chủ công, Phòng CSGT sẽ chỉ đạo các đội, trạm phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương tiến hành kiểm tra, xử lý thường xuyên trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ kết hợp với tích cực tuyên truyền đến tận người dân. Ngoài ra, CSGT Công an 21 huyện, thành, thị đồng loạt triển khai các tổ công tác để kiểm tra, xử lý vi phạm về nồng độ cồn trên tất cả các tuyến đường do địa phương quản lý. 
 
Với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của lực lượng chức năng và từ hiệu quả bước đầu của Nghị định 100 mang lại, tin tưởng rằng, năm 2020, TNGT do sử dụng rượu, bia trên địa bàn tỉnh sẽ được kéo giảm đáng kể. Việc xử phạt nghiêm kết hợp với tuyên truyền, giáo dục không chỉ có tác dụng răn đe, làm giảm các hành vi vi phạm mà quan trọng hơn là về lâu dài sẽ tạo ra sự tự điều chỉnh, hình thành ý thức văn hóa trong thói quen sử dụng rượu, bia của người dân.

Ngọc Anh

Các tin khác