Pháp luật
Chủ động phòng ngừa, phát hiện các nguy cơ xâm hại trẻ em
09:19, 19/01/2020 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Năm 2019, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành và toàn xã hội. Tuy nhiên, công tác phòng ngừa để bảo vệ trẻ em vẫn chưa thật sự hiệu quả. Thực tế trên đặt ra yêu cầu cần có sự chung tay của các cấp, ngành và cả cộng đồng trong thực hiện các giải pháp chủ động phòng ngừa, phát hiện các nguy cơ xâm hại trẻ em.
Năm 2019, tỉ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc đạt 93%, 100% số trẻ em phải lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại nguy hiểm được tư vấn và trợ giúp. Số trẻ bị xâm hại tình dục được phát hiện và trợ giúp kịp thời, tái hòa nhập cộng đồng. Nghệ An đã chỉ đạo triển khai xây dựng 6 mô hình điểm về trẻ em tại các huyện gồm: Mô hình "Hỗ trợ can thiệp để giảm thiểu lao động trẻ em" tại huyện Quỳ Hợp; Mô hình "Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong trường học" tại huyện Hưng Nguyên; Mô hình cung cấp, kết nối dịch vụ trợ giúp chăm sóc sức khỏe, giáo dục, trợ giúp pháp lý và dịch vụ xã hội cơ bản cho trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt" tại 2 huyện Con Cuông, Tương Dương và 2 mô hình “Kết nối, chuyển gửi, tìm gia đình chăm sóc thay thế cho đối tượng trẻ mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em không được, không thể sống cùng cha mẹ”; mô hình “Nâng cấp, duy trì hoạt động tổng đài điện thoại quốc gia và mạng lưới kết nối” tại Trung tâm công tác xã hội tỉnh. Thông qua việc thực hiện hiệu quả các mô hình trên, các quyền cơ bản của trẻ được đảm bảo; góp phần ngăn ngừa trẻ bị bạo lực, ngược đãi, rơi vào hoàn cảnh đặc biệt…Tỉnh cũng chỉ đạo xây dựng 32 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình đạt chuẩn Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch quy định. Nhiều mô hình, câu lạc bộ nhằm phòng, chống xâm hại trẻ em cũng phát huy hiệu quả thiết thực.
Các cấp, ngành cần làm tốt công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ trẻ em, nhất là những đối tượng có nguy cơ bị xâm hại |
Về công tác chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, năm 2019, toàn tỉnh huy động được hơn 12,6 tỉ đồng để hỗ trợ, giúp đỡ các em. Đã có hơn 17.000 lượt trẻ có hoàn cảnh khó khăn được nhận hỗ trợ từ các nguồn huy động của Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh, với tổng trị giá gần 10 tỉ đồng. Các huyện, thành, thị kêu gọi các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt với số tiền 2,1 tỉ đồng, giúp đỡ trên 3.000 lượt trẻ em. Về công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo về trẻ em, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức các đoàn kiểm tra về công tác xây dựng kế hoạch chương trình bảo vệ, chăm sóc trẻ em của các địa phương; trong đó tập trung sâu vào công tác phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em, lao động trẻ em.
Qua kiểm tra, đến nay chưa ghi nhận trường hợp nào sử dụng lao động trẻ em trong các cơ sở lưu trú, đơn vị kinh doanh du lịch, các điểm du lịch địa phương. Trong năm 2019, các ngành chức năng đã tiếp nhận, giải quyết 6 đơn thư về xâm hại trẻ em, tất cả các đơn thư đều được các ngành tham mưu giải quyết kịp thời; không có đơn thư không được giải quyết hoặc kéo dài. Cũng liên quan đến công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, theo đánh giá, công tác phối hợp giữa các ngành chức năng vẫn còn hạn chế. Cụ thể, công tác kiểm tra giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em chưa thường xuyên, chưa kịp thời phát hiện nguy cơ trẻ dễ bị xâm hại để có biện pháp phòng tránh và can thiệp. Ngoài ra, hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác trẻ em cấp xã, điều này ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ ngay từ cơ sở.
Trước thực tế trên, nhiệm vụ trọng tâm đề ra trong năm 2020 là tăng cường quản lý Nhà nước về trật tự an toàn xã hội, làm tốt công tác quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi xâm hại trẻ. Cùng với đó, làm tốt công tác nắm tình hình liên quan đến việc thực hiện quyền trẻ em của các cá nhân, tổ chức; kịp thời phát hiện các hành vi xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ. Lực lượng chức năng tăng cường công tác quản lý địa bàn, quản lý đối tượng, nhất là những đối tượng có tiền án, tiền sự về xâm hại trẻ em.
Đối với các vụ xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục, khi có đủ điều kiện phải áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam để tăng tính răn đe, nghiêm khắc trong quá trình điều tra, xử lý. Liên quan đến công tác phòng ngừa, cần tạo môi trường, sân chơi an toàn, lành mạnh cho trẻ sinh hoạt, học tập nhằm ngăn chặn tác động của các luồng văn hóa xấu, độc hại vào trẻ em. Đồng thời làm tốt công tác quản lý giáo dục, giúp đỡ đối với những đối tượng có nguy cơ bị xâm hại, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn và số trẻ vi phạm pháp luật; không để sơ hở để các đối tượng xấu lợi dụng…
Thùy Dương