(Congannghean.vn)-Trương Thị Thu “nổ” rằng, bản thân có mối quan hệ rộng, quen biết với nhiều người có chức, có quyền nên có thể xin được việc làm trong ngành Công an, xin chuyển công tác… Đặc biệt, với mác “giáo viên về hưu” cùng với giọng nói nhẹ nhàng, dễ nghe của Thu, đã khiến các bị hại dễ dàng tin tưởng, lần lượt đưa cho người phụ nữ này số tiền khác nhau. Với phương thức, thủ đoạn trên, trong 5 năm, Thu đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 9 bị hại với tổng số tiền hơn 4,2 tỉ đồng.
Bị cáo Trương Thị Thu tại phiên tòa |
Cụ thể, Thu đã lừa đảo chiếm đoạt của chị Dương Thị Th. trú tại phường Trường Thi, TP Vinh 1,3 tỉ đồng. Theo đó, vào khoảng tháng 9/2014, qua người quen, chị Th. tìm gặp Thu nhờ xin việc cho con trai vào ngành Công an. Thu nói với chị Th. sẽ xin được cho con trai vào làm việc tại Cục Cảnh sát Kinh tế với chi phí 1 tỉ đồng. Tin tưởng lời hứa hẹn của Thu, chị Th. tiếp tục giới thiệu cho một người bạn ở Hà Tĩnh để xin việc cho con trai vào ngành Công an với giá 500 triệu đồng.
Để chị Th. tin tưởng, cuối năm 2014, Thu yêu cầu chị Th. đưa con trai mình và con trai người bạn ở Hà Tĩnh đi khám sức khỏe tại Bệnh viện 198 Bộ Công an theo diện khám sức khỏe để vào ngành. Tuy nhiên, đó chỉ là khám sức khỏe cho công dân bình thường, là thủ đoạn mà Thu “vẽ” ra để lừa các bị hại. Tin tưởng vào những gì Thu “nổ”, trong vòng 3 tháng, chị Th. đã chuyển cho Thu số tiền 800 triệu đồng. Chờ mãi không thấy con trai xin được vào ngành Công an như Thu cam kết, chị Th. đã nhiều lần đòi lại tiền nhưng Thu chỉ trả được 20 triệu đồng.
Cũng với phương thức, thủ đoạn trên, Thu đã lừa đảo chiếm đoạt của chị Nguyễn Thị Th. trú tại TP Vinh với số tiền 550 triệu đồng. Năm 2012, Thu giới thiệu mình quen biết nhiều lãnh đạo cấp cao nên có thể xin cho nhiều người vào ngành Công an. Tin tưởng, chị Th. đã nhờ Thu xin việc cho con trai. Thu ra giá 400 triệu đồng với điều kiện con trai chị Th. phải đi nghĩa vụ Công an rồi vào biên chế. Từ cuối năm 2012 đến tháng 8/2013, chị Th. đã đưa số tiền 400 triệu đồng cho Thu, sau đó đưa con trai đi nhập ngũ tại Công an tỉnh Hà Giang. Một thời gian sau, Trương Thị Thu viện lý do và yêu cầu chị Th. đưa thêm 150 triệu đồng để bồi dưỡng cho lãnh đạo. Đến đầu tháng 9/2016, con trai chị Th. ra quân không được tuyển dụng vào ngành Công an. Vì vậy, chị Th. đã đòi Thu trả lại số tiền trên nhưng Trương Thị Thu cứ khất hẹn mãi, không trả.
Tại phiên tòa, bị cáo Trương Thị Thu tỏ ra không ăn năn, hối lỗi, không thừa nhận hành vi phạm tội. Trước đó, trong quá trình điều tra, Thu cũng không hợp tác với cơ quan điều tra, không ký nhận vào các văn bản tố tụng, không khai nhận các hành vi phạm tội đã gây ra.
Mặc dù các bị hại đã đưa ra chứng cứ, chứng minh việc lừa đảo của Trương Thị Thu, song bị cáo này vẫn ngụy biện cho hành vi của mình rằng, chỉ vay tiền của các bị hại không thời hạn và không tính lãi suất. Trong năm 2017, khi biết sự việc mình lừa đảo vỡ lở, Thu đã ký giấy vay tiền của một số bị hại chứ không phải chạy việc, với thời hạn vay 6 tháng. Bị cáo Trương Thị Thu cho rằng, mình không phải lừa đảo chạy việc mà chỉ vay mượn tiền theo giao dịch dân sự và cho rằng các bị hại “không tạo điều kiện cho mình trả nợ”…
HĐXX nhận định, trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, dù bị cáo Thu không thừa nhận hành vi phạm tội, nhưng đối chứng với các tài liệu, chứng cứ của cơ quan điều tra và lời khai của các bị hại, đủ căn cứ chứng minh hành vi phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bị cáo Trương Thị Thu. HĐXX cũng khuyến cáo rằng, việc tuyển dụng vào các cơ quan chức năng làm việc, đặc biệt là thuộc lực lượng vũ trang phải có đợt thi tuyển, thí sinh đã qua đào tạo các trường lớp chứ không phải thông qua đối tượng trung gian nào. Mỗi người dân, nhất là các bạn trẻ vừa mới tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học, các bậc phụ huynh cần tỉnh táo, không để kẻ xấu lợi dụng để lừa đảo, chiếm đoạt số tiền.
Xem xét toàn diện vụ án, cân nhắc các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, HĐXX tuyên phạt bị cáo Trương Thị Thu 20 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; buộc bị cáo phải hoàn trả số tiền đã chiếm đoạt cho các bị hại.
.