Pháp luật

Hội thảo bàn giải pháp tăng cường hỗ trợ nạn nhân của nạn mua bán người

17:42, 10/12/2019 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Ngày 10/12, tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đã diễn ra Hội thảo bàn giải pháp tăng cường các biện pháp bảo vệ dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trong quy trình tư pháp hình sự.
 
Chủ trì Hội thảo có Trung tá Ngô Xuân Ý, Phó Trưởng phòng 5, Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an; Đại tá Phạm Hoài Nam, Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Trương phòng Cánh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An; bà Nguyễn Thị Bích Diệp, đại diện Hội đồng Anh tại Việt Nam.
Tại hội thảo
Tại hội thảo
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe báo cáo tóm tắt tổng quan thực trạng tình hình tội phạm mua bán người và đưa người di cư trái phép ra nước ngoài tại Việt Nam. Theo đó, trong 5 năm (2012-2017), có khoảng hơn 3000 nạn nhân bị mua bán và nghi vấn bị mua bán, trong đó 90% nạn nhân bị bán sang Trung Quốc, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em (chiếm trên 90%), đa số thuộc các dân tộc thiểu số (chiếm trên 80%)… Đa số nạn nhân là phụ nữ, khi bị bán ra nước ngoài, bị cưỡng ép kết hôn làm vợ người dân bản địa, bị bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm buon bán người và đưa người di cư trái phép ra nước ngoài, các đại biểu tham dự cũng đã đề ra một số giải pháp như: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật để người dân biết và nắm bắt được phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người; Tổ chức tốt các hoạt động tái hòa nhập cộng đồng cho những nạn nhân bị mua bán trở về; Quản lý chặt chẽ việc sử dụng mạng xã hội, phát hiện, ngăn chặn kịp thời tội phạm mua bán người, moi giới hôn nhân giả,…
 
Đặc biệt, trong khuôn khổ Hội thảo, các chuyên gia tư vấn và các nhóm nghiên cứu đã trình bày nghiên cứu “Tính khả thi về việc thành lập một Đầu mối Chuyển tuyến Quốc gia nhằm hỗ trợ nạn nhân bị mua bán”. Theo đó, đơn vị đầu mối này sẽ có sự tham gia của các bên liên quan, gồm các cơ quan chính phủ và cả các tổ chức phi chính phủ với các quyền hạn và trách nhiệm được phân công rõ ràng nhằm cung cấp các dịch vụ toàn diện đáp ứng cho nhu cầu của nạn nhân bị mua bán.
 
Bà Hera Shanaj, chuyên gia tư vấn thuộc Hội đồng Anh tại Việt Nam đã chia sẻ những kinh nghiệm của một số nước trên thế giới về nhận biết dấu hiệu của mua bán người, cách phòng chống mua bán người và biện pháp hỗ trợ các nạn nhân bị mua bán sau khi trở về, giúp các đại biểu tham gia hội thảo nắm bắt để có biện pháp phòng chống tội phạm mua bán người một cách hiệu quả, cũng như hỗ trợ các nạn nhân bị mua bán sau khi trở về địa phương ổn định cuộc sống, tái hoà nhập cộng đồng.
 
Kết luận tại Hội thảo, Trung tá Ngô Xuân Ý, Phó Trưởng phòng 5, Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an – Chủ trì Hội thảo đã đánh giá cao và ghi nhận các ý kiến thảo luận, đóng góp của các đại biểu tham dự.

Vương Linh

Các tin khác