(Congannghean.vn)-Chủ trương thành lập chùa Linh Sâm là có, đã được UBND tỉnh Nghệ An ra quyết định chấp thuận và có tờ trình gửi Ban Tôn giáo Chính phủ. Song không hiểu vì lý do gì mà chưa có bất cứ hồ sơ nào liên quan đến dự án được trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt, công trình này đã được doanh nghiệp gấp rút xây dựng.
Nhiều công trình xây dựng trái phép chồng lấn trên đất của di tích lịch sử quốc gia |
Như Báo Công an Nghệ An đã phản ánh, dự án xây dựng chùa Linh Sâm tại địa bàn xã Thanh Yên, huyện Thanh Chương mặc dù chưa có bất cứ hồ sơ, thủ tục pháp lý nào liên quan được các cấp thẩm quyền phê duyệt, song nhà đầu tư đã công khai xây dựng trong suốt thời gian qua. Điều đáng nói, khu vực mà chủ đầu tư xây dựng chùa đã chồng lấn lên phần lớn diện tích vùng II khu vực bảo vệ di tích quốc gia đền Hữu. Di tích này là nơi thờ Thái phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan (1521 - 1576), một võ tướng có nhiều công lao dưới thời Lê Trung Hưng. Hiện nay, đền còn giữ được 3 tòa thượng điện, trung điện và hạ điện cổ hơn 400 năm tuổi cùng nhiều cổ vật, di vật có giá trị. Đền Hữu cũng là điểm đến tâm linh quen thuộc của người dân trong vùng.
Để bảo vệ di tích, ngày 20/5/2008, lãnh đạo các ngành tỉnh Nghệ An đã ký bản đồ khoanh vùng khu vực bảo vệ di tích (vùng I và vùng II). Ngày 22/1/2009, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã xếp hạng di tích quốc gia đối với Di tích Lịch sử - Kiến trúc nghệ thuật đền Hữu. Liên quan đến việc thành lập ngôi chùa này, trước đó, vào ngày 24/7/2019, Ban Tôn giáo trực thuộc Sở Nội vụ Nghệ An đã có Tờ trình số 259 về việc đề nghị thành lập chùa Linh Sâm. Theo công văn này, chùa Linh Sâm được xây dựng từ năm 1877, là một ngôi chùa linh thiêng, được vua Khải Định sắc phong là “nơi đây cầu việc thiện” và được vua Bảo Đại sắc phong là “ngôi chùa linh thiêng muôn đời”.
Do biến thiên thời gian, chùa đã xuống cấp, chỉ còn nền móng cũ, bị bỏ trống thời gian dài. Di vật còn lại là bức Hoành phi hiệu “Linh Sâm tự” và một pho tượng phật hiện đang được bảo quản tại chùa Giai, xã Thanh Khai. Cũng theo Ban Tôn giáo, nguyện vọng khôi phục lại chùa là của đông đảo phật tử, nhân dân và chính quyền địa phương nên Ban Tôn giáo Sở Nội vụ Nghệ An đã phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ủy ban MTTTQ tỉnh, Công an tỉnh và Sở Tài nguyên Môi trường, trực tiếp kiểm tra thực tế; làm việc với cấp ủy, chính quyền, các phòng, ban, ngành cấp huyện liên quan, cấp xã và thống nhất đánh giá việc thành lập chùa Linh Sâm là đủ cơ sở pháp lý và thực tế để xem xét.
Theo đó, chùa Linh Sâm được xây dựng tại khu đất mới do UBND xã quản lý, bên phải đền Hữu, thuộc tờ bản đồ số 5, thửa đất số 163, diện tích khoảng 3.931,3 m2, theo bản đồ đo đạc năm 2014 thì đây là đất trồng cây hàng năm do UBND xã Thanh Yên quản lý, không có tranh chấp. Hai ngày sau kể từ khi có tờ trình nói trên, ông Lê Hồng Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã ký Công văn số 5198/UBND-NC về việc chấp thuận thành lập chùa Linh Sâm. Người đại diện của tổ chức tôn giáo trực thuộc sau khi được thành lập là Vũ Đức Chính, tên gọi trong tôn giáo là hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, với số lượng 55 người được phép sinh hoạt tại chùa. Thông tin được biết, chùa sẽ được xây dựng bao gồm nhiều hạng mục như Tam bảo, Tổ đường, nhà Tăng, cổng Tam quan, sân chầu, nhà bia với 3 tầng bậc cấp và 12 vị La-hán. Ngoài ra còn có đền thờ Tiền Hiền và nhiều công trình phụ trợ khác.
Đến nay, nhà chùa cùng với chính quyền địa phương đang xúc tiến quá trình lập hồ sơ về việc xin phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tu bổ, tôn tạo lại chùa. Tuy nhiên, từ tháng 8 vừa qua, nhà chùa đã khởi công xây dựng chùa ngay cạnh bên trái đền Hữu với kinh phí khoảng 40 tỉ đồng, do một doanh nghiệp ở Hà Nội và một số cá nhân khác đóng góp, cung tiến. Tuy nhiên, sau khi các công trình của chùa được xây lên, nhiều người trong dòng họ Nguyễn Cảnh phản ứng vì chùa xây lấn lên phạm vi bảo vệ di tích đền Hữu. Kiểm tra đúng như phản ánh, UBND xã đã ra quyết định đình chỉ thi công để giải quyết.
Chỉ trong thời gian hơn 2 tháng, mặc dù chưa có bất cứ hồ sơ pháp lý nào được trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt, song tại chùa Linh Sâm, đơn vị thi công đã ồ ạt tập kết vật liệu, xây dựng xong phần thô 6 công trình lớn nhỏ và cổng tam quan của chùa. Khu vực mà chủ đầu tư xây dựng chùa đã chồng lấn lên phần lớn diện tích vùng II khu vực bảo vệ di tích quốc gia đền Hữu.
Về việc công trình này chưa được phê duyệt nhưng đã ồ ạt xây dựng, lại xâm hại đến khu vực di tích lịch sử quốc gia, ông Bùi Hồng Chương, Chủ tịch UBND xã Thanh Yên thừa nhận, việc chủ đầu tư xây dựng chùa là trái phép và đúng là có việc chùa “chui” đã xây trên một phần đất của vùng II khu vực bảo vệ di tích quốc gia đền Hữu. Tuy nhiên, bản thân ông mới nhận chức Chủ tịch được khoảng 10 ngày nên không nắm rõ? Ngoài ra, để xảy ra việc xây chùa lấn chiếm đất di tích, xã Thanh Yên cho rằng do địa chính xã không có bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích đền Hữu nên đã chỉ sai cho chủ đầu tư.
Ông Nguyễn Thế Cường, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Thanh Chương cũng cho biết thêm, đến nay huyện chưa nhận được bất cứ thủ tục pháp lý nào về việc được phép xây dựng chùa Linh Sâm. Hướng xử lý việc xây chùa lấn di tích đền Hữu này là sẽ cấp bù đất bảo vệ vòng 2 đền Hữu ở phía phải đền. Tuy nhiên, việc này phải có sự đồng ý của các cấp có thẩm quyền. Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương Nguyễn Hữu Hiền cho rằng, công trình chùa Linh Sâm vẫn chưa có các thủ tục pháp lý về xây dựng nhưng huyện chậm xử lý, lập biên bản là do xã không báo cáo. Đến nay, huyện đã yêu cầu Phòng Kinh tế - Hạ tầng xuống kiểm tra, tham mưu để lập biên bản xử phạt hành chính và yêu cầu phá dỡ công trình trái phép.
Ông Nguyễn Xuân Thủy, Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở VH-TT Nghệ An) cho biết, việc xây dựng chùa lấn phạm vi bảo vệ đền Hữu là vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản văn hóa. Ông Thủy cũng cho biết, trước khi xây dựng chùa này, dù có liên quan đến di tích quốc gia nhưng Phòng không được mời tham vấn. Sau khi phát hiện ra sự việc xây dựng vi phạm nói trên, ngày 28/10/2019, UBND xã Thanh Yên đã phát thông báo đình chỉ việc xây dựng công trình chùa Linh Sâm. Theo đó, Thông báo số 42/UBND-TBBQLDT có nội dung: “Qua kiểm tra của Ban Quản lý di tích đền Hữu phát hiện khu vực phía Tây của đền đang tiến hành xây dựng phần thô 6 ngôi nhà và cổng tam quan của chùa chồng lấn lên phần đất khu vực cần bảo vệ của di tích đền Hữu và chưa có đủ thủ tục hồ sơ theo quy định của pháp luật. Vì vậy, Ban quản lý di tích đề nghị chủ đầu tư dừng ngay việc thi công”.
Câu hỏi đặt ra là, ai mới thật sự là chủ đầu tư về mặt pháp lý của công trình chùa Linh Sâm thì đến nay vẫn chưa có cấp nào khẳng định. Nguyên do là chưa có bất cứ hồ sơ, thủ tục pháp lý nào được phê duyệt đến thời điểm này, đơn vị thi công cũng lặng lẽ rời khỏi hiện trường ngay sau khi công trình bị đình chỉ, chỉ để lại 2 công nhân làm nhiệm vụ trông coi vật liệu. Chính quyền địa phương thì cho rằng, có một tập đoàn lớn tại Hà Nội tài trợ toàn bộ kinh phí xây dựng chùa, nhưng đó là tập đoàn nào thì những người đứng đầu chính quyền xã Thanh Yên cũng không dám khẳng định.
Câu chuyện “chùa chui” xây dựng khi chưa được sự đồng ý của các ban, ngành liên quan thực sự là một bài học đau xót trong việc quản lý về đất đai và trật tự xây dựng trên địa bàn. Hậu quả nhãn tiền không chỉ dừng lại ở việc xâm hại di tích lịch sử quốc gia, mà còn tổn hại đến niềm tin, sự uy nghiêm và linh thiêng chốn chùa chiền cũng được đặt lên bàn cân của sự nghi ngờ, liệu có hay không doanh nghiệp dùng tiền, lợi dụng tâm linh cho những mục đích cá nhân chứ không vì lợi ích của đông đảo nhân dân, phật tử trong vùng?