Thứ Tư, 11/09/2019, 14:34 [GMT+7]

Vạch trần thủ đoạn giả danh công an lừa đảo

Lợi dụng niềm tin của người dân đối với lực lượng công an, nhiều đối tượng lừa đảo đã giả danh khi thì Cảnh sát hình sự, lúc thì Cảnh sát giao thông, Cảnh sát cơ động để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
 
Bấm Play để xem Video (Độc giả cần mở loa để nghe lời bình)
Chỉ cần có một bộ quân phục thì các màn lừa đảo này dường như trở nên dễ dàng hơn. Thực tế đây là loại tội phạm không mới, song cách hành xử của các đối tượng thì ngày càng có nhiều chiêu trò mới với những thủ đoạn tinh vi khó lường, xâm hại đến tài sản của người dân và làm tổn hại không nhỏ đến uy tín của lực lượng công an.
 
Đối tượng Lê Văn Đỉnh có hộ khẩu thường trú tại xóm 3, xã Sơn Trường, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) vừa bị Đội Cảnh sát Hình sự Công an TP Hà Tĩnh phối hợp với Công an xã Thạch Trung  bắt giữ tại một nhà nghỉ cùng 1 bộ quân phục Cảnh sát nhân dân gắn quân hàm Thượng úy, biển tên Lê Văn Đỉnh.  Dù y không phải là cán bộ Công an, nhưng hắn đã dùng toàn bộ số quân phục, cộng cụ hỗ trợ đã mua trên mạng nhằm mục đích để lừa đảo chiếm đoạt tài sản những người nhẹ dạ cả tin.
 
Tiếp tục điều tra mở rộng, Công an TP xác định được Lê Văn Đỉnh chính là đối tượng đang bị Công an TP Lạng Sơn truy tìm vì liên quan đến vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với 1 nữ nạn nhân trú tại thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn.
 
Trong vụ việc này đối tượng Đỉnh đã lựa chọn nạn nhân là người phụ nữ quen biết từ lâu. Sẽ không có gì đáng nghi ngờ khi họ đã quen nhau thời gian 4 năm trước đó. 
 
Đối tượng thường xuyên mặc trang phục của ngành, rồi khoe đầy đủ các phương tiện, công cụ dụng cụ như dùi cui điện, còng số tám, bộ đàm cùng nhiều sổ nhật ký công tác, ve hàm, cầu vai cấp bậc Trung úy, Thượng úy... đã khiến cho nạn nhân hết sức tin tưởng và rơi vào bẫy của hắn khi nhiều lần cho hắn vay số tiền lên tới gần 4 tỷ đồng.
 
Đối tượng Đỉnh chuẩn bị cho kế hoạch khá kỹ càng, hắn tham gia vào các trang mạng xã hội chuyên bán công cụ, dụng cụ của ngành, sau đó đặt mua, chụp ảnh rồi gửi cho nạn nhân.
 
Trong vụ án khác xảy ra tại Bến Tre, đối tượng còn tinh vi hơn khi chọn nạn nhân là những người bán số đề, bởi những người này  đang có hoạt động vi phạm pháp luật.
 
Thủ đoạn của Tâm và Cương là điện thoại cho nạn nhân tự xưng là Cảnh sát hình sự, yêu cầu nạn nhân đưa tiền để không truy cứu việc bán số đề. Tin lời Tâm, nạn nhân đã nhiều lần đưa tiền cho đối tượng.
 
Đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma, vào một ngày biết nạn nhân hẹn Tâm để đưa tiền, người nhà nạn nhân đã bí mật báo cho Công an tổ chức bắt quả tang. Đến khi bị bắt, tổng số tài sản nạn nhân đã đưa cho Tâm 160 triệu đồng và một số nữ trang trị giá khoảng 10 triệu đồng. Số tài sản lừa đảo được, Tâm và Cương chia nhau tiêu xài cá nhân.
 
Với hình ảnh giả mạo là Công an, các đối tượng đã dễ dàng chiếm được niềm tin của nạn nhân, không ít những vụ việc, số tài sản bị các đối tượng lừa đảo lên tới nhiều tỷ đồng.
 
Để phòng ngừa hiệu quả, về phía người dân, cần đặc biệt cảnh giác với loại tội phạm này. Khi gặp các đối tượng này cần chú ý đến trang phục của lực lượng làm nhiệm vụ. Bởi thông thường, trang phục của các đối tượng giả danh Công an không đồng nhất, hầu hết chúng đều sử dụng thẻ ngành giả, không đeo số hiệu Công an trên người. Nếu có nghi ngờ là Công an giả, người bị hại cần phải đến cơ quan Công an gần nhất để trình báo.
.

Nguồn: ANTV

.