Pháp luật

Đưa người đi xuất khẩu lao động rồi 'đem con bỏ chợ'?

08:46, 05/09/2019 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Hứa hẹn đưa người sang một quốc gia Nam Mỹ làm thuyền viên đánh cá, hợp đồng 24 tháng, mỗi tháng nhận lương 1.200 USD nhưng khi người lao động sang nước sở tại, không có việc làm, vất vưởng sống được 6 tháng buộc phải cầu viện người nhà gửi tiền sang để mua vé máy bay về nước.
Hơn 3 năm qua, ông Bùi Đình Thực vẫn miệt mài đi đòi lại quyền lợi
Hơn 3 năm qua, ông Bùi Đình Thực vẫn miệt mài đi đòi lại quyền lợi
Ông Bùi Đình Thực (SN 1972), trú tại thôn 7, xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) cho biết: Vào khoảng giữa tháng 4/2015, thông qua một người quen ở TP Vinh, biết ông có nhu cầu ra nước ngoài tìm kiếm việc làm nên bà Lê Thị Hoa (SN 1979) trú tại xóm Lâm Hoa, xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân hứa hẹn sẽ làm thủ tục cho ông xuất khẩu lao động (XKLĐ) sang Nam Mỹ làm nghề đánh cá tại một hòn đảo thuộc nước Cộng hòa Suriname. Theo ông Thực, bà Hoa cam kết, hợp đồng ký kết giữa hai bên là 24 tháng, với mức lương là 1.200 USD/tháng, chi phí trọn gói là 217 triệu đồng. Sau khi thỏa thuận, ngày 18/5/2015, bà Hoa viết giấy nhận tiền, nhận của ông Thực 10.000 USD với cam kết, kể từ ngày nhận tiền đến sau 3 tuần, nếu ông không đi XKLĐ được thì sẽ trả lại số tiền nói trên.
 
Ngày 23/5/2015, bà Lê Thị Hoa gọi điện báo ông Thực là mọi thủ tục liên quan đã hoàn tất, đề nghị ông ra sân bay Nội Bài để xuất cảnh. Tại đây, ông Thực được 2 nam thanh niên đón, đưa hợp đồng, visa và thẻ thuyền viên mang tên ông, thời hạn hợp đồng 24 tháng đúng như cam kết và tất cả đều được đóng dấu của một công ty vận tải biển ở Hà Nội. Cùng đi sang Nam Mỹ làm nghề đánh cá với ông Thực còn có 5 người Việt Nam khác. Sau 3 ngày, nhóm người này đặt chân đến Suriname, một người đàn ông Việt Nam tự xưng là Hiền, chồng của bà Lê Thị Hoa đón, sau đó thu lại toàn bộ giấy tờ, bảo để làm thủ tục hợp đồng với công ty của nước sở tại.
 
Tuy nhiên, chờ mãi nhiều ngày sau đó, ông Thực vẫn không được bố trí công việc. Lúc này, ông Hiền mới cho biết, phía công ty nước bạn không nhận công nhân là người Việt Nam nữa, người này đề nghị ông Thực tự liên hệ công việc trên đảo để làm nhưng phần vì không biết tiếng, phần nữa sức khỏe không đảm bảo nên ông Thực thất nghiệp, bơ vơ nơi đất khách quê người. May mắn sau đó, ông Thực gặp một người đồng hương quê ở Nghệ An, người này xin cho vào làm tại một công trình xây dựng của chủ thầu Trung Quốc. Sau 6 tháng vật vờ, ông Thực mới được vợ ở quê vay mượn tiền bạc, gửi sang mua vé máy bay để về nước, với số tiền 3.050 USD. 
 
Cho rằng mình bị lừa, sau khi về nước, ông Thực đã nhiều lần đến đòi lại số tiền từ bà Hoa nhưng người này chỉ trả lại 2.000 USD, số còn lại đến nay vẫn chưa nhận được. Cực chẳng đã, tháng 10/2016, ông Thực đã làm đơn tố cáo gửi Công an huyện Nghi Xuân và TAND TP Vinh vì liên quan đến người giới thiệu cho ông Thực với bà Hoa trú tại TP Vinh. Ngay sau đó, TAND TP Vinh đã thụ lý vụ án, có thông báo gửi cho bà Hoa nhưng bà này đã có đơn trình bày về việc đang mang thai, chuẩn bị đến ngày sinh nở nên việc đi lại gặp khó khăn, đề nghị được chuyển về TAND huyện Nghi Xuân để thụ lý. Từ đó đến nay, sự việc rơi vào ách tắc, các cơ quan chức năng cũng không có văn bản chính thức nào để trả lời cho công dân.
 
Về vấn đề này, theo Thượng tá Nguyễn Đăng Hải, Phó Trưởng Công an huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), bản chất vụ việc là thỏa thuận dân sự giữa hai bên, ngoài ra bà Lê Thị Hoa là môi giới, thông qua một công ty XKLĐ tại Hà Nội để đưa người ra nước ngoài làm việc. Trên thực tế, việc xuất cảnh cũng đã thành công, ông Thực cũng đã được đưa sang Nam Mỹ làm việc trong thời gian 6 tháng mới trở về nước. Quá trình làm việc, xảy ra những sự cố khiến hai bên chấm dứt hợp đồng trước thời hạn thì ông Thực nên khởi kiện ra tòa án để đòi quyền lợi. 
 
Vấn đề này, Công an huyện Nghi Xuân cũng đã tiếp nhận đơn tố cáo, qua nghiên cứu thì nhận thấy sự việc là tranh chấp dân sự nên đã hướng dân công dân gửi đơn sang tòa án để tòa phân xử theo quy định. Trong khi đó, phía tòa án lại cho rằng, sự việc có dấu hiệu hình sự, lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nên chưa thụ lý, chờ kết quả điều tra từ ngành Công an mới có hướng để xử lý. Trong một diễn biến khác, theo phản ánh của người dân, ông Thực không phải là nạn nhân duy nhất, mà có rất nhiều người trên địa bàn cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự khi đi XKLĐ theo con đường của bà Lê Thị Hoa, nhưng do không có bất cứ giấy tờ gì lưu lại làm bằng chứng nên đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” khi vỡ mộng kiếm tiền nơi xứ người.

THIÊN THẢO

Các tin khác