(Congannghean.vn)-Hiện nay, có nhiều nhà máy, doanh nghiệp nằm trong các khu dân cư. Quá trình hoạt động, không chỉ gây ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn và xả thải ra môi trường mà còn ẩn họa nhiều nguy cơ cháy, nổ đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của người dân.
Sự cố cháy tại Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông (Hà Nội) làm 480.000 bóng đèn huỳnh quang, 1.600.000 bóng đèn compact và 2 triệu bóng đèn tròn bị cháy, ước tính lượng thủy ngân phát tán ra ngoài môi trường do sự cố cháy, nổ là 15,1 kg đến 27,2 kg khiến cư dân phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân nơi nhà máy đóng chân hoang mang, lo lắng bởi thủy ngân rất có hại cho sức khỏe.
Theo Tổng cục Môi trường, trong quá trình cháy, hầu hết lượng thủy ngân trong các bóng đèn đã phát tán ra môi trường cùng với khói và khí thải của đám cháy độc hại gây ô nhiễm môi trường xung quanh, nên cơ quan này khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp phòng tránh và khám sức khỏe định kỳ và đi khám khi có dấu hiệu ngộ độc thủy ngân. Từ vụ việc này cho thấy, vấn đề không hề nhỏ được đặt ra từ nhiều năm qua là việc di dời các cơ sở công nghiệp có nguy cơ cháy, nổ và ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư vẫn là vấn đề cấp bách, nhưng không dễ gì thực hiện.
Công ty TNHH EM-Tech Việt Nam tại Nghệ An gây ô nhiễm môi trường |
Tại Nghệ An, hiện nay có nhiều nhà máy nằm trong khu dân cư, nhiều năm gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm khói bụi và tiếng ồn, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân nhưng chưa được giải quyết triệt để. Đơn cử như tại khu vực khối 7 và 8, phường Bến Thủy (TP Vinh), từ nhiều năm qua hàng trăm hộ dân phải sống trong sự ô nhiễm tiếng ồn và khói thải có mùi hôi khó chịu từ quá trình sản xuất của Công ty CP nhựa, bao bì Vinh. Nhà máy sản xuất cả ngày lẫn đêm khiến các hộ dân không chịu nổi tiếng ồn và mùi khói thải. Người dân đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương, chính quyền cũng kiến nghị di dời nhà máy đi nơi khác nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Cũng trên địa bàn TP Vinh, Chi nhánh Công ty TNHH EM-Tech Việt Nam tại Nghệ An, có trụ sở tại khối 2, phường Vinh Tân từ khi đi vào hoạt động đến nay, công ty không xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, nguồn nước thải từ nhà vệ sinh của 3.000 công nhân, cộng thêm nước thải từ khu nhà ăn không qua xử lý được tuồn ra cánh đồng phía sau nhà máy, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Sau khi vào cuộc, cơ quan chức năng đã chỉ ra nhiều sai phạm trong việc xả thải của đoanh nghiệp này, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường và cuộc sống của người dân xung quanh nên đã ra các quyết định xử phạt với số tiền gần 200 triệu đồng, buộc khắc phục những tồn tại, bất cập liên quan.
Tại Quyết định 52 ngày 14/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung TP Vinh đến năm 2030, tầm nhìn 2050 cũng đã đề cập đến vấn đề di dời các xí nghiệp gây ô nhiễm ra khỏi thành phố, phát triển công nghiệp theo hướng công nghiệp sạch thân thiện môi trường, công nghiệp công nghệ cao, góp phần làm giảm áp lực ô nhiễm môi trường đối với đô thị trung tâm. Tuy nhiên, đến nay việc di dời các nhà máy, cơ sở này vẫn chưa thể thực hiện được. Thực tế cho thấy, trên địa bàn TP Vinh hiện nay, tại nhiều phường, xã vẫn tồn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp tiềm ần những rủi ro cao cho con người và môi trường. Trong đó, tập trung chủ yếu tại các phường, xã như Đông Vĩnh, Bến Thủy, Vinh Tân, Hưng Lộc… Chính sự chậm trễ trong công tác di dời này đã tác động không nhỏ tới đời sống người dân cũng như quy hoạch chung thành phố.
Cũng không riêng gì trên địa bàn TP Vinh, hiện nay nhiều nhà máy được triển khai xây dựng gần sát với khu dân cư, không chỉ gây ô nhiễm môi trường, mà còn ẩn họa nhiều nguy cơ về cháy, nổ, đe dọa trực tiếp đến cuộc sống và sự an toàn của người dân nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Điển hình tại xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc từ khi dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên đi vào hoạt động từ tháng 9/2011 đến nay, với công suất xử lý rác thải rắn gần 300 tấn/ngày đã thực sự trở thành nỗi ám ảnh cho người dân địa phương. Tình trạng ô nhiễm môi trường sống xung quanh Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên ngày càng nghiêm trọng. Có ít nhất 75 hộ dân sinh sống gần khu xử lý này bị ảnh hưởng trực tiếp, đến nay tỉnh đã có kế hoạch di dời đến nơi ở mới, nhưng do thiếu kinh phí nên người dân nơi đây vẫn hằng ngày phải sống chung với rác.
Mới đây nhất, ngày 26/8, UBND tỉnh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An (đơn vị chủ quản, vận hành Khu xử lý rác thải Nghi Yên) với số tiền lên tới 594 triệu đồng do vi phạm các quy định xả thải. Ngoài phạt tiền, đơn vị này còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục xong tình trạng ô nhiễm môi trường, xử lý nước thải trong thời gian 6 tháng. Thực tế cho thấy, sản xuất công nghiệp đang đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển chung của nền kinh tế. Mặc dù vậy, cùng với sự phát triển này, cần phải đảm bảo môi trường sống lành mạnh và an toàn cho người dân thì sự phát triển của doanh nghiệp mới thực sự bền vững.
.