Từ khi Luật Việc làm đi vào cuộc sống đến nay, việc thực hiện 5 nhóm vấn đề gồm: Chính sách hỗ trợ tạo việc làm; thông tin thị trường lao động; đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; tổ chức, hoạt động dịch vụ việc làm và bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận những kết quả nhất định. Qua đó, góp phần ổn định, đảm bảo việc làm và việc làm bền vững cho người lao động.
Luật Việc làm là văn bản luật đầu tiên của Việt Nam về việc làm điều chỉnh mọi đối tượng lao động là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc; có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015.
Tại Nghệ An, liên quan đến chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm, tính đến ngày 31/5/2019, tổng nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là 219,6 tỉ đồng. Doanh số cho vay đạt 291 tỉ đồng với 9.406 lượt khách hàng vay vốn; góp phần tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 9.808 lao động; trong đó có 5.680 lao động nữ, 340 lao động là người khuyết tật, 352 lao động là người dân tộc thiểu số. Về hỗ trợ vay vốn đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tính đến ngày 31/5/2019, doanh số cho vay đạt 70,9 tỉ đồng, số lao động được vay đi xuất khẩu lao động là 1.207 người. Về công tác đào tạo nghề, giai đoạn 2015 - 2018, tỉnh đã tổ chức đào tạo nghề cho 301.543 lượt người.
Đoàn Thanh niên Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An tư vấn giới thiệu việc làm, hướng dẫn các thủ tục liên quan đến trợ cấp thất nghiệp cho người lao động |
Trong đó, lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng là 63.945 người, chiếm 21,2% tỉ lệ có việc làm, tự tạo việc làm sau khi đào tạo là 48.595 người, đạt 76%. Để hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp, các cấp, ngành đã tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề định hướng nghề nghiệp cho 3.000 lượt học sinh, sinh viên; tổ chức hội thảo trao đổi, hướng dẫn kỹ năng làm việc, tìm việc cho gần 800 thanh niên, sinh viên sắp tốt nghiệp… Về thông tin thị trường lao động, từ năm 2015 - 2018, tỉnh đã thực hiện phân tích dữ liệu về cung - cầu lao động; trong đó 753.067 hộ phần cung lao động và gần 500 doanh nghiệp phi nông nghiệp trên phần cầu lao động.
Kết quả thu thập thông tin thị trường lao động được cơ quan lao động phân tích, đánh giá để làm cơ sở cho chính quyền các cấp, ngành của tỉnh hoạch định các chính sách về đào tạo nghề, giải quyết việc làm và quy hoạch phát triển nguồn nhân lực bám sát các mục tiêu kế hoạch phát triển KT-XH. Tính đến nay, tỉnh đã kết nối được 2.542 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng trực tiếp và gián tiếp. Đối với hoạt động dịch vụ việc làm, từ năm 2015 đến nay, các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm trên địa bàn tỉnh đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho bình quân khoảng 1.200 lượt người lao động/năm; trên 80% trong số đó được tuyển dụng.
Về bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), Nghệ An là tỉnh sớm xây dựng, vận dụng mô hình liên thông, chế độ một cửa để thực hiện các nghiệp vụ về BHTN tại Trung tâm dịch vụ việc làm, đảm bảo xuyên suốt từ khâu tư vấn việc làm - học nghề, giới thiệu việc làm và giải quyết chế độ trợ cấp BHTN cho người lao động. Đến nay, đã có 190.558 người tham gia đóng BHTN, chiếm tỉ lệ khoảng 90%. Để các quy định của Luật Việc làm được thực hiện đúng và đầy đủ, công tác thanh, kiểm tra giám sát tình hình thực hiện các quy định về việc làm cũng được tỉnh quan tâm thực hiện. Từ năm 2015 đến nay, đã thanh, kiểm tra 108 doanh nghiệp trên địa bàn, trong đó có nội dung liên quan đến thực hiện quy định pháp luật về chế độ báo cáo về việc làm, BHTN, hoạt động dịch vụ việc làm, xuất khẩu lao động.
Cũng trong thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin và cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện pháp luật việc làm của tỉnh cũng ghi nhận những kết quả quan trọng. Đơn cử như tại Trung tâm Dịch vụ việc làm của tỉnh đã triển khai các hoạt động tư vấn giới thiệu việc làm qua mạng internet. “Bộ phận một cửa” tại Trung tâm được thành lập nhằm hỗ trợ công tác thực hiện chính sách BHTN và công tác tư vấn giới thiệu việc làm, tư vấn đào tạo nghề được kết hợp hiệu quả - giải quyết tổng hợp theo hướng chuyên môn hóa duy nhất; giúp người lao động giảm bớt chi phí, thời gian đi lại… Được biết, hiện tỉnh cũng đang nghiên cứu xây dựng giải pháp ứng dụng CNTT trong công tác quản lý lao động việc làm của ngành LĐ-TB&XH, đáp ứng nhu cầu cập nhật, theo dõi tổng hợp, báo cáo thông tin việc làm trên toàn tỉnh và cung cấp cổng thông tin điện tử kết nối chung, tích hợp các dịch vụ công trực tuyến, các dịch vụ xã hội.
.