Pháp luật
Những 'siêu lừa' 9x và cái giá phải trả
1. Dáng người mảnh khảnh, lại cận thị nặng, không ai nghĩ Phạm Văn Hòa (SN 1996 trú tại Thịnh Long, Hải Hậu, Nam Định) lại là kẻ lừa đảo chuyên nghiệp. Trước ống kính của chúng tôi, Hòa luôn cúi đầu, vẻ như không muốn bị "bêu" mặt lên báo. Đối tượng cũng luôn miệng xin được khoan hồng từ pháp luật, để được "làm lại từ đầu" bởi đã có bạn gái kém một tuổi, dự định cuối năm sẽ thành hôn. Nhưng chỉ có… phép màu mới giúp cho ý định của cậu ta thành sự thật, bởi những sai lầm liên tiếp của mình.
Sinh ra và lớn lên tại vùng quê miền biển, hai bố mẹ làm ruộng Hòa chỉ biết học. Tốt nghiệp THPT, Hòa thi vào hệ Cao đẳng trường Đại học FPT. Trong quá trình học, Hỏa tỏ ra khá năng động khi tìm được một chân cộng tác viên bán vé máy bay cho một doanh nghiệp Du lịch. Theo như Hòa nói thì nếu như không bị "sập tiệm" trong một thương vụ thì rất có thể Hòa sẽ trở thành một tỷ phú, một doanh nhân trẻ có tiếng chưa biết chừng.
Hòa luôn cúi mặt trước ống kính vì xấu hổ. |
Đó là thời điểm năm 2018, sau khoảng 3 năm bán vé máy bay online, Hòa đã làm cho số dư tài khoản tăng lên vùn vụt - lên tới hơn 2 tỷ đồng. "Bằng cách nào mà chỉ với vị trí cộng tác viên bán vé mà anh có thể kiếm được ngần ấy tiền trong 3 năm" - chúng tôi đặt câu hỏi
Vẻ rất tự tin, Hòa cho biết công việc bán vé máy bay của cậu ta diễn ra rất thuận lợi. Mỗi tháng bán được từ 30-50 vé là chuyện bình thường. Cứ bán được 15 vé, Hòa được hãng hàng không thưởng cho 1 vé.
Hòa không sử dụng vé này và bán đi lời được khá nhiều tiền. Cứ tích cóp như vậy, Hòa đã khiến cho bạn bè "lác" mắt vì số dư tài khoản, thậm chí còn gửi về quê cho mẹ khoảng 50 triệu đồng để sửa nhà.
Khi thấy công việc kinh doanh phát triển, Hòa liền bỏ ngang không học tiếp nữa. Cậu ta dồn sức vào công việc bán vé máy bay và quyết chơi một cú "tất tay". Hòa ôm vài chục "lốt" bay của nhiều công ty Lữ hành, tổng giá trị lên tới hơn chục tỷ đồng. "Em tính toán nếu bán được hết số vé này sẽ lời khoảng 3 tỷ đồng" - Hòa kể. Khi đó em sẽ thành lập công ty, bắt đầu khởi nghiệp.
Song kinh doanh chẳng bao giờ là chuyện dễ dàng, Hòa chỉ bán được 70% số vé, và phải tự bỏ ra 3 tỷ đồng bù cho hãng hàng không. Điều đó cũng có nghĩa dù mang hết số tiền tích cóp mấy năm bán vé cũng không đủ để bù lỗ. Hòa trở thành một con nợ thực sự.
Để xoay tiền trả nợ, một mặt Hòa vẫn tiếp tục bán vé máy bay, một mặt kiếm tiền bằng cày… lô, đề; nhưng chỉ càng thêm nợ nần vì liên tục thua. Và, cách xoay tiền nhanh nhất là đi… lừa đảo. Cuối năm 2018, mặc dù không hề biết quy trình làm thẻ tín dụng, song Hòa cũng lên mạng khoe là có dịch vụ mở thẻ tín dụng không cần chứng minh thu nhập.
Đã có 3 người "cắn câu", nộp cho Hòa số tiền mấy chục triệu đồng để làm thẻ tín dụng, hạn mức 100 triệu đồng. Tuy nhiên sau khi nhận tiền Hòa đã xóa tài khoản, tắt máy. Bị nhóm bị hại tìm ra và đưa lên cơ quan công an trình báo, Hòa đã phải thú nhận hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Mặc dù vậy trong thời gian được tại ngoại, Hòa cùng với Ngô Thị Hoàng Điệp (SN 1983, trú tại An Lão, Bình Lục, Hà Nam - còn gọi là Linh) tiếp tục gây ra một vụ lừa đảo mới.
Siêu lừa Phạm Văn Hòa. |
Do quen biết với Linh từ nhiều năm trước, tháng 2-2019, Hòa bàn với Linh lập một tài khoản facebook mang tên Minh Phuong để thực hiện hành vi lừa đảo. Trước đó, Hòa đã mua được một tài khoản ngân hàng mang tên "Tran Thi Minh Phuong" thuộc ngân hàng Techcombank để cho các con mồi chuyển tiền vào.
Các đối tượng đã vào các Group của người Việt Nam đang lao động ở nước ngoài như Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản… đăng bán vé máy bay giá rẻ. Do có kinh nghiệm trong việc mua bán vé máy bay Hòa biết rằng khách hàng ở Đài Loan không thể trực tiếp gọi điện đến tổng đài của hãng cung cấp vé để hỏi tình trạng vé nên việc chiếm đoạt tiền của nhóm khách này là rất khả thi.
Khi có người liên hệ, Linh sẽ tiến hành trao đổi thống nhất giá cả và phương thức thanh toán. Hai đối tượng luôn khoe khoang rằng có nhiều năm làm trong ngành hàng không, quen biết nhiều nên có thể "săn" được vé giá rẻ. Cũng rất tinh vi các đối tượng nhấn mạnh rằng, chỉ nhận tiền sau khi đã đặt vé thành công. Ngoài ra, Hòa còn liên hệ với đối tượng đã bán tài khoản ngân hàng cho mình, để yêu cầu cung cấp hình ảnh của giấy CMND. Từ đó, nếu như các con mồi đề nghị cung cấp thông tin về giấy CMND để làm tin thì Hòa sẽ trưng ra.
Tin lời nhóm đối tượng, chị H. đã chuyển thông tin của 17 lao động Việt Nam đang chuẩn bị về nước vào facebook Minh Phuong để đặt mua vé máy bay. Nhận được thông tin, đối tượng Hòa (với nhiều năm học chuyên ngành Công nghệ thông tin) đã vào website của các hãng hàng không, đăng ký mua vé cho 17 lao động, đồng thời chỉnh sửa trạng thái giao dịch từ "chờ thanh toán" thành "đã xác nhận" rồi chụp lại hình ảnh để gửi cho chị H. Nhận được thông tin đặt vé thành công từ các đối tượng, chị H. đã chuyển hơn 40 triệu đồng cho các đối tượng mà không mảy may nghi ngờ. Sau khi nhận được tiền từ chị H., Hòa và Linh đã rút ra chia mỗi người một nửa.
Người lao động Việt Nam tại nước ngoài cần cảnh giác khi mua vé máy bay giá rẻ. |
Cũng bằng thủ đoạn tương tự, nhóm đối tượng còn chiếm đoạt của chị Trần Thị M. (SN 1995 trú tại Nam Đàn, Nghệ An) số tiền hơn 20 triệu đồng; lừa chị Phùng Thị Thu K. (SN 1980 trú tại Tứ Kỳ, Hải Dương) số tiền gần 10 triệu đồng. Sau khi thấy tiền chảy vào tài khoản, Hòa và Linh tiếp tục ra cây ATM để rút ra, chia đôi mỗi bên một nửa.
Hiện, cơ quan công an đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Hảo cùng đồng phạm, phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành khởi tố bị can các đối tượng.
2. Nếu như Hòa dùng kiến thức công nghệ thông tin để lừa đảo khách mua vé máy bay, thì đối tượng Vương Thành Luân (SN 1993, trú tại huyện Thạch Thất, Hà Nội) lại dùng cái mã ngoài đẹp trai để thực hiện nhiều hành động phi pháp.
Luân vốn sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân ở Thạch Thất. Học hành chẳng đến đâu, song Luân có ngoại hình ưa nhìn và từng có thời gian là công an nghĩa vụ nên đã dùng cái mác đó để lừa đảo. Luân thường khoe với mọi người là có mối quan hệ tốt với các "sếp" có thể mua được xe ôtô, xe máy do Bộ Công an bán thanh lý với giá rẻ hơn giá thị trường. Tin lời Luân, đã có rất nhiều người dân bị sập bẫy. Điển hình là anh Nguyễn Hữu Hòa (SN 1985, trú tại huyện Thạch Thất, Hà Nội).
Đầu năm 2017, Luân rao có 1 chiếc xe ôtô Vios và 1 chiếc xe Honda Civic nhập khẩu, do Bộ Công an bán thanh lý chỉ với giá 250 triệu đồng. Thấy giá quá hời, anh Hòa đã đưa cho cậu mình (ông Lượng) 250 triệu đồng để chuyển cho Luân nhờ mua hộ 2 chiếc xe.
Ít ngày sau ông Lượng đưa tiền cho Luân mà không viết giấy biên nhận. Luân hẹn 3 tháng sau sẽ giao xe. Ngày hẹn đã qua mà Luân không thực hiện lời hứa nên ngày 19-4-2017, ông Lượng đã dẫn anh Hòa tới gặp Luân. Luân yêu cầu anh Hòa đưa thêm 25 triệu đồng và anh Hòa tiếp tục giao tiền (có biên nhận).
Để tiếp tục chiếm đoạt tiền của anh Hòa, Luân bịa ra rằng có thể mua được 3 xe máy SH với giá 80 triệu đồng và 1 xe ô tô Hyundai I10 giá 140 triệu đồng. Luân cũng cam kết nếu không có xe sẽ đền tiền, anh Hòa đã đưa thêm 190 triệu đồng cho Luân để mua xe.
Nhận của anh Hòa tổng cộng 465 triệu đồng, Luân đến cửa hàng mua bán và cho thuê xe ôtô tự lái của anh Lê Việt Anh (trú tại Thạch Thất, Hà Nội) ký hợp đồng thuê ôtô Toyota Corolla Altis với giá 20 triệu đồng/tháng, thời hạn thuê xe là 3 tháng. Sau đó, Luân mang xe về, nói dối với anh Hòa đây là xe thanh lý của Bộ Công an, bán với giá 300 triệu đồng. Anh Hòa tưởng thật nên đã mua. Hai bên thỏa thuận số tiền mua bán xe này sẽ được đối trừ vào số tiền 465 triệu đồng đã nhận trước đó. Khi viết giấy bán xe, Luân hứa hẹn sẽ giao giấy tờ gốc sau.
Đối tượng Vương Thành Luân. |
Tiếp đó, ngày 7-7-2017, Luân đến cửa hàng của anh Việt Anh ký hợp đồng thuê xe ô tô nhãn hiệu Kia Morning thời hạn 2 tháng với giá 15 triệu đồng/tháng rồi gọi cho anh Nguyễn Văn Khương (SN 1986, trú tại huyện Thạch Thất, Hà Nội) bảo rằng mua được chiếc xe này với giá 185 triệu đồng do Bộ Công an bán thanh lý. Anh Khương đã thông tin lại cho anh rể là anh Kiều Trung Hưng. Anh Hưng đồng ý mua và ủy quyền cho anh Khương giao dịch. Khi viết giấy bán xe, Luân hứa hẹn sau 10 ngày sẽ giao giấy tờ. Đến thời điểm bàn giao giấy tờ, Luân cũng mất tăm. Các bị hại đã tố cáo hành vi của Luân lên cơ quan công an.
Cơ quan điều tra xác định, với thủ đoạn trên, trong vòng 2 năm, Luân đã lừa đảo, chiếm đoạt tiền của 14 người với tổng số hơn 5,3 tỷ đồng. Luân khai, sau khi nhận tiền của các bị hại, anh ta chi tiêu cá nhân hết, hiện không có khả năng bồi thường. Do đó, trong phiên xử vào đầu năm 2019, TAND TP Hà Nội tuyên phạt Luân 19 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Nguồn: CSTC/Báo CAND