(Congannghean.vn)-Năm 2019, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) xác định: Xóa “điểm đen” về ATGT là nhiệm vụ trọng tâm của các ngành và địa phương trên toàn quốc. Thời gian qua, trong điều kiện nguồn vốn còn khó khăn, Nghệ An đã có những giải pháp căn cơ, tiết kiệm nhất để xử lý hàng loạt "điểm đen" tai nạn giao thông (TNGT) trên các tuyến. Nhiều vị trí sau khi được cải tạo đã góp phần ngăn chặn các vụ tai nạn thảm khốc, được người dân ghi nhận, đánh giá cao.
Theo thống kê, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 69 “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT. Hầu hết các “điểm đen” giao thông đều có tầm nhìn hạn chế, bị che khuất, nhất là tại vị trí các góc ngã ba, ngã tư; góc cua hẹp, không có hệ thống đèn chiếu sáng về ban đêm; không có hệ thống đèn tín hiệu giao thông, các đường giao nhau với Quốc lộ tại ngã tư không đồng nhất. Ngoài ra, kết cấu hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập, chất lượng mặt đường không đảm bảo, hệ thống biển báo, vạch sơn giải phân cách mờ có nơi không có, mặt đường nhỏ hẹp, xuống cấp, xuất hiện nhiều “ổ gà”, nhiều rãnh sâu khá dài...
Đoàn liên ngành kiểm tra, khảo sát về 'điểm đen' giao thông tại huyện Tân Kỳ |
Ông Võ Minh Đức, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết: Việc xóa bỏ “điểm đen” trên địa bàn tỉnh Nghệ An nằm trong chủ trương chung của Bộ GTVT nhằm giảm thiểu TNGT trên các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ. Trước đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đề nghị UBND các tỉnh, thành rà soát tất cả các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT để cùng xử lý, quyết tâm xóa hết trong năm 2019. Cũng theo Bộ trưởng, tinh thần năm nay được Bộ GTVT xác định là không để tồn tại “ổ voi”, “ổ gà” trên hệ thống quốc lộ. Trên cơ sở đó, Sở GTVT Nghệ An đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng thành lập các đoàn kiểm tra, tổ chuyên môn nhằm xác định rõ những “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT để kịp thời xử lý, giảm thiểu TNGT, đảm bảo an toàn, thuận lợi cho các phương tiện khi tham gia giao thông.
Với nỗ lực tập trung xóa các “điểm đen” về ATGT trên địa bàn, Ban ATGT tỉnh đã chủ trì phối hợp với các ngành tiến hành khảo sát, kiểm tra trên tất cả các huyện, thành, thị. Tại huyện Nam Đàn, tại Km 34+809 thuộc địa phận xã Vân Diên thường là địa điểm “nóng” xảy ra các vụ TNGT nghiêm trọng. Đây là ngã tư giao với Quốc lộ 15, đèn tín hiệu giao thông đặt cách xa vị trí ngã tư, đèn đếm lùi đã hỏng, cộng với tầm nhìn bị che khuất, vạch kẻ đường mờ. Ông Nguyễn Quang Minh, người dân sinh sống tại khu vực này cho biết: Tôi đã chứng kiến nhiều vụ tai nạn thảm khốc, trong đó chủ yếu là xe tải va chạm với xe máy. Nhiều người bị chết oan do tài xế bị “điểm mù” không quan sát được. Về việc này, anh Nguyễn Mạnh Hoàng, lái xe lý giải: Khi chấp hành đèn tín hiệu, vì vướng nhà dân nên chúng tôi bị che khuất tầm nhìn, gây khó khăn trong di chuyển, nhất là khi rẽ phải. Vấn đề này đã được phản ánh và kiến nghị nhiều năm, nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết triệt để.
Trong chuyến kiểm tra mới đây, Thượng tá Lê Văn Thanh, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh cho biết: Nhiệm vụ quan trọng nhất là chính quyền phải tập trung giải tỏa phía phải tuyến Quốc lộ 46 với những hộ dân chưa được đền bù. Đồng thời, mở rộng vòng cua, di dời cột điện phía trái tuyến Quốc lộ 46. Cũng ở huyện Nam Đàn, tại Km 24+553 thuộc địa phận xã Nam Giang cũng tiềm ẩn nhiều phức tạp về TNGT. Mỗi lúc tan tầm, lưu lượng công nhân của Công ty TNHH Havina Kim Liên và Công ty Dệt may Hà Nội Hanoisimex rất lớn. Trong khi tại đây chưa có đèn tín hiệu giao thông, đèn chiếu sáng. Ưu tiên đặt ra lúc này mà Nam Đàn cần tập trung thực hiện là khẩn trương lắp đặt đèn tín hiệu giao thông, hệ thống đèn chiếu sáng, biển hạn chế, gờ giảm tốc độ.
Nhiều ngã tư bị che khuất tầm nhìn gây khó khăn cho người dân khi di chuyển |
Trong các huyện, Diễn Châu là địa phương có số lượng “điểm đen” và điểm tiềm ẩn TNGT nhiều nhất với 13 điểm, chủ yếu tập trung ở Quốc lộ 1. Nguy hiểm nhất là tại Km1+00: Km3+300 với đặc điểm đường cong, hệ thống đèn tín hiệu giao thông chưa có tại điểm giao cắt khiến người dân gặp khó khăn trong di chuyển, nhất là với lái xe đường dài. Ngoài lý do kết cấu hạ tầng thì ý thức của người dân khiến các “điểm đen” càng thêm phức tạp. Điển hình như tại Km 420+400 thuộc địa phận xã Diễn Kỷ và Km431: Km 432+500 thuộc địa phận xã Diễn An. Dù là nơi có lưu lượng người tham gia giao thông đông đúc, song người dân vẫn cố tình vi phạm, đi ngược chiều, gây ra tình trạng ách tắc, cản trở tầm nhìn của tài xế.
Trong thời gian qua, để hạn chế tình trạng này, lực lượng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh Nghệ An đã tăng cường lực lượng, tổ chức tuần tra khép kín địa bàn, xử lý các trường hợp vi phạm. Kịp thời điều tiết giao thông mỗi khi thời tiết xấu hoặc vào giờ cao điểm. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông đường bộ đến từng phường xã, cơ quan, doanh nghiệp và trường học... Theo báo cáo, 6 tháng đầu năm, tình hình trật tự ATGT đã được kiềm chế, TNGT giảm cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương) so với cùng kỳ năm trước. Toàn tỉnh xảy ra 102 vụ TNGT, làm chết 71 người, bị thương 67 người. So với cùng kỳ năm 2018, giảm 14 vụ, giảm 8 người chết, giảm 23 người bị thương. Trên lĩnh vực đường bộ xảy ra 99 vụ, làm 69 người chết, 66 người bị thương. Dù đã giảm cả 3 tiêu chí song đảm bảo trật tự ATGT vẫn là thách thức với các ngành chức năng và địa phương trong nỗ lực xóa “điểm đen” và các điểm tiềm ẩn phức tạp về TNGT.
Sau khi tiến hành khảo sát toàn bộ các “điểm đen” và điểm tiềm ẩn TNGT trên địa bàn, Ban ATGT tỉnh Nghệ An đã kiến nghị các giải pháp giải quyết lên UBND tỉnh Nghệ An. Trong đó, bao gồm giải pháp trước mắt và lâu dài, chủ yếu vẫn là bổ sung các đèn tín hiệu, lắp biển cảnh báo, giải tỏa tầm nhìn... kết hợp với công tác tuyên truyền, vận động và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm. Trên thực tế, việc tăng cường đầu tư, xóa các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn phức tạp về TNGT trên toàn tỉnh trong những năm qua đã có những chuyển biến tích cực và rõ nét. Như tại Km 122 Quốc lộ 48 ở huyện Quế Phong. Trước đây tại khu vực này, trung bình mỗi năm xảy ra 9 - 10 vụ TNGT gây chết người, trở thành nỗi ám ảnh với người dân và lái xe mỗi khi đi qua đây.
Nguyên nhân chính là do thói quen sử dụng rượu bia của bà con, thiếu quan sát trong khi chưa được sự nhắc nhở, tuyên truyền thường xuyên. Sau khi khảo sát, huyện Quế Phong và ngành GTVT đã làm tường hộ lan bằng tôn phát sáng vào đêm, kẻ vạch sơn giảm tốc độ và làm đèn cảnh báo nguy hiểm. Dù kinh phí đầu tư không nhiều, song chỉ sau một thời gian, tình trạng tai nạn đã được giảm đáng kể. Hay như tại Cầu Mượu, Quốc lộ 46 đoạn giáp ranh giữa huyện Hưng Nguyên và Nam Đàn. Khu vực này thường xuyên xảy ra các vụ lật xe tải nguy hiểm, nhất là khi tài xế chạy với tốc độ cao. Sau khi Ban ATGT tỉnh kiểm tra, tham mưu và thực hiện lắp biển cảnh báo ở 2 đầu, gờ giảm tốc, các vụ tai nạn nguy hiểm đã giảm thiểu rõ rệt.
Việc giải quyết tại các “điểm đen” về ATGT đã góp phần giảm thiểu tối đa TNGT, đảm bảo thông thoáng, đảm bảo đi lại thuận lợi cho nhân dân. Nỗ lực tập trung xóa “điểm đen” là cần thiết, song phân tích những vụ tai nạn xảy ra gần đây, nhất là với xe khách liên tỉnh cho thấy hoàn toàn do người điều khiển phương tiện. Do đó, việc xóa “điểm đen” chỉ là hỗ trợ, chứ không phải cứ xóa “điểm đen” là sẽ hết tai nạn; quan trọng hơn vẫn là ý thức của người tham gia giao thông. Ngoài xóa “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT, việc “xóa sự thiếu ý thức” trong chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân cũng quan trọng không kém. Chỉ khi đó, những “điểm đen” và điểm tiềm ẩn về TNGT mới được giảm thiểu một cách triệt để và bền vững.
.