Pháp luật
Lừa đảo xuất khẩu lao động: Chiêu trò cũ, nạn nhân mới
08:51, 02/07/2019 (GMT+7)
(Congangnhean.vn)-Thông qua việc “vẽ” ra viễn cảnh tươi sáng ở các nước tư bản, thậm chí cả những quốc gia không được phép đưa người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ), một số đối tượng đã khiến cho không ít nạn nhân “sập bẫy”. Tiền mất, cơ hội tìm kiếm việc làm ở xứ người cũng khép lại là hậu quả chung mà người lao động phải gánh chịu khi chẳng may sa chân vào những đường dây lừa đảo này.
Chiếm đoạt tiền đặt cọc
Cơ hội XKLĐ của công dân Nghệ An sang Hàn Quốc đang ngày càng ít đi vì có nhiều người cư trú bất hợp pháp |
Năm 2016, sau một thời gian tìm kiếm cơ hội việc làm tại nhiều địa phương nhưng không như mong muốn, anh Nguyễn Văn M. trú tại huyện Thanh Chương quyết định khăn gói ra thủ đô để mưu sinh. Tại đây, anh M. tình cờ quen với Nguyễn Văn Luận (SN 1979) trú tại xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Biết nguyện vọng của M., Luận “nổ” mình là giám đốc một công ty chuyên đưa người đi XKLĐ và khoe có thể đưa người đi XKLĐ ở Mỹ trong thời gian 5 năm, công ty sẽ đứng ra chịu trách nhiệm làm thủ tục.
Sau khi trưng ra mẫu hợp đồng lao động, phiếu thu tiền và con dấu tên Nguyễn Văn Luận với chức danh Giám đốc kinh doanh, biết anh M. đã tin tưởng, Luận còn nhờ anh M. giới thiệu những người có nhu cầu đi XKLĐ, thông qua công ty của Luận để có công ăn việc làm ổn định. Không mảy may nghi ngờ, anh M. đã giới thiệu được 21 người trú tại tỉnh Nghệ An có nhu cầu đi Mỹ đến gặp Luận. Sau khi gặp gỡ số người này tại Nhà khách Ban cơ yếu Chính phủ để ký hợp đồng, Luận hứa hẹn sẽ đưa họ đi XKLĐ tại Mỹ trong vòng 5 năm từ tháng 4/2019 và thu của mỗi người số tiền 23,4 triệu đồng gọi là tiền đặt cọc. Tương tự, vào tháng 11/2018, khi gặp chị Trần Thị H. trú tại TP Vinh, Nguyễn Văn Luận cũng nhờ tìm người có nhu cầu sang Mỹ lao động để thu tiền đặt cọc. Chị H. đã tự ứng ra 298 triệu đồng là tiền cọc của 10 người lao động đưa cho Luận. Tổng số tiền mà Luận nhận của 32 lao động tại Nghệ An là 689,3 triệu đồng, cùng với hộ chiếu và giấy khám sức khoẻ.
Chờ mãi đến tháng 5/2019 nhưng vẫn không được xuất cảnh, khi Luận xuất hiện thì người lao động đã đưa đến Công an để trình báo. Tại đây, mọi người mới ngã ngửa khi biết Luận là “con lừa” chính hiệu. Kết quả điều tra cho thấy, Luận không nghề nghiệp, từ Bắc Giang về Hà Nội kiếm việc làm, qua mạng xã hội gặp Hà Thị Lụa (SN 1978) trú tại tỉnh Lạng Sơn, là người từng có thời gian XKLĐ tại Phần Lan trở về. Luận và Lụa đã cấu kết với nhau, tìm kiếm người đi XKLĐ với mục đích thu tiền cọc để làm thủ tục xin bảo lãnh và visa đi XKLĐ nhằm mục đích chiếm đoạt. Để người lao động tin tưởng, Luận đã tự soạn các mẫu hợp đồng, phiếu thu giả, tự khắc con dấu mang tên mình với chức danh giám đốc kinh doanh, sau đó nhờ dấu công ty của một người bạn để đóng vào các mẫu này. Số tiền thu được của người lao động, Luận đã đưa cho Lụa hơn 600 triệu đồng để làm thủ tục nhưng Lụa không làm mà dùng tiền này để tiêu xài cá nhân. Ngày 28/6, Cơ quan CSĐT Công an quận Đống Đa (Hà Nội) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Văn Luận và Hà Thị Lụa về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Từ vụ việc nói trên cho thấy, trong nhiều năm trở lại đây, khi cơ hội tìm kiếm việc làm ở trong nước ngày càng khó khăn hơn, thì XKLĐ lại trở thành cứu cánh cho không ít người. Vì nhiều lý do khác nhau, có một bộ phận không nhỏ người lao động đã không thông qua các công ty, doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực đưa người đi XKLĐ, đã được Bộ LĐ-TB&XH cấp giấy phép mà đi theo các con đường bất hợp pháp, vừa nhiều rủi ro lại không được bảo hộ khi làm việc ở xứ người. Điều này vô hình trung đã tạo điều kiện cho tội phạm trong lĩnh vực này có cơ hội và điều kiện để lừa đảo, trục lợi trên nỗi đau của người khác. Thực tế cho thấy, hằng năm, có không ít nạn nhân “sập bẫy” lừa XKLĐ, chiêu bài giống nhau nhưng cấp độ tinh vi hơn, khiến không ít người lao động dính quả lừa.
Lừa đảo bằng con đường XKLĐ bất hợp pháp
Ngày 28/6, Hoàng Thị Hương (SN 1982) trú tại TP Vinh và Ngô Hồng Sơn (SN 1977), quê quán tại xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu đã bị Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Thanh Hóa bắt tạm giam, khởi tố để điều tra về “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép”. Kết quả điều tra cho thấy, từ năm 2015, Hương và Sơn ra tạm trú tại Hà Nội, lập Công ty TNHH Bright Prosperite Việt Nam, đăng ký kinh doanh chính là bán buôn tổng hợp. Thế nhưng, với vỏ bọc này, nhận thấy nhu cầu đi XKLĐ của người dân ở các tỉnh lớn, 2 đối tượng nói trên đã cấu kết với nhiều đối tượng “chân rết” ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước để tư vấn du học, XKLĐ nước ngoài trái pháp luật.
Chỉ tính từ tháng 7/2017 đến tháng 10/2018, Hương và Sơn đã gặp gỡ, ký kết với Công ty Hoàng Phát, đóng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa để tư vấn, làm thủ tục cho 13 trường hợp là lao động ở 2 tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An sang Nhật Bản theo đơn hàng kỹ sư nhưng thực chất là đi theo visa du lịch 15 ngày, sau đó ở lại Nhật Bản để lao động bất hợp pháp. Đây cũng là chiêu bài đang được nhiều công ty, đường dây lừa đảo có tổ chức sử dụng, đánh vào tâm lý người lao động vừa ít kinh phí, lại tiết kiệm được thời gian chờ đợi và học tiếng theo yêu cầu từ phía đối tác.
4 đối tượng Hương, Sơn, Luận, Lụa lừa đảo XKLĐ nhằm vào nạn nhân là người Nghệ An vừa bị bắt giữ |
Liên quan đến vấn đề này, mới đây nhất, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã lên tiếng cảnh báo người lao động cần lưu ý và phòng tránh những hành vi lừa đảo. Nguyên nhân là do những ngày vừa qua, xảy ra hiện tượng nhiều lao động tìm đến trụ sở Công ty cổ phần VietBright tại Khu đô thị Mỹ Đình (Hà Nội) để đòi trả lại tiền đã đóng để được đi XKLĐ tại Hàn Quốc. Trước đó, công ty này cho rằng, để đưa người lao động sang Hàn Quốc bằng con đường chính thống rất khó khăn. Vì thế, công ty hứa đưa lao động đi bằng visa thương mại, được lưu trú tại Hàn Quốc 30 ngày, sau đó sẽ có công ty của Hàn Quốc tiếp nhận và đổi thành visa lao động dài hạn với mức lương tối thiểu là 1.500 USD/tháng.
Nhiều người cả tin đã đến nộp tiền nhưng chờ mãi vẫn không thể đi XKLĐ được bằng con đường này. Đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyến cáo, hiện chỉ có 3 hình thức đưa người lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc. Thứ nhất, là chương trình cấp phép việc làm (chương trình EPS, visa E9). Thứ hai, là chương trình thuyền viên làm việc trên tàu đánh cá và Chương trình lao động kỹ thuật cao (visa E7). Ngoài ra, từ năm 2018, Chính phủ đồng ý cho thí điểm đưa lao động thời vụ 3 tháng sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thông qua hợp tác giữa hai địa phương hai nước. Do đó, nếu doanh nghiệp nhận đưa lao động sang Hàn Quốc bằng các loại hình khác như: Đi bằng visa du lịch, hay dạng vừa học, vừa làm là không đúng quy định.
Trong một diễn biến khác, năm 2019, do không giảm được tỉ lệ lao động cư trú bất hợp pháp (lao động hết hạn hợp đồng không về nước trên 30%) nên 9 huyện, thành, thị của Nghệ An tiếp tục bị "cấm" XKLĐ sang Hàn Quốc, bao gồm Nghi Lộc, Cửa Lò, Nam Đàn, Vinh, Hưng Nguyên, Thanh Chương, Yên Thành, Diễn Châu và Đô Lương. Theo các chuyên gia, số lao động cố tình trốn ra bên ngoài làm việc hoặc hết hạn nhưng không về nước, một bộ phận không nhỏ đi theo các con đường bất hợp pháp.
THIỆN THÀNH