Thứ Hai, 13/05/2019, 08:42 [GMT+7]

Xét xử nghiêm các vụ án xâm hại tình dục trẻ em

(Congannghean.vn)-Thời gian qua, trên địa bàn cả nước nói chung và địa bàn tỉnh Nghệ An nói riêng liên tiếp xảy ra nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Trước tình trạng này, Tòa án nhân dân tối cao đã có văn bản yêu cầu tòa án các cấp phải xét xử nghiêm các vụ án xâm hại tình dục và bạo hành trẻ em.

Tình trạng xâm hại tình dục trẻ em đang có xu hướng gia tăng - Tranh minh họa
Tình trạng xâm hại tình dục trẻ em đang có xu hướng gia tăng - Tranh minh họa

Theo báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao, từ ngày 1/10/2017 - 28/2/2019, Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm và phúc thẩm 2.719 vụ với 2.894 bị cáo phạm tội xâm hại tình dục. Riêng tại Nghệ An, theo số liệu thống kê của VKSND tỉnh, trong 2 năm 2017 và 2018 đã phát hiện gần 50 vụ xâm hại trẻ em, với 45 nạn nhân, trong đó số vụ trẻ em bị xâm hại tình dục lên tới 42 vụ, trẻ em bị mua bán 4 người. Đã khởi tố 40 vụ, 42 bị can; truy tố 39 vụ, 40 bị can và xét xử 38 vụ, với 38 bị can. Ngoài ra, có trên dưới 3 vụ thuộc trường hợp mới thụ lý đang giải quyết tố giác tin báo tội phạm, tạm đình chỉ hoặc ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự.

Nhìn chung, tình hình tội phạm liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em đang diễn biến rất phức tạp. Số trẻ em ít tuổi bị xâm hại tình dục có chiều hướng gia tăng; đối tượng xâm hại đa số là người có trách nhiệm nuôi dưỡng, quản lý trẻ em như giáo viên, bảo mẫu, cha mẹ ruột, cha dượng, mẹ kế. Nạn nhân thường là trẻ em nhỏ tuổi được cha mẹ gửi quản lý, chăm sóc hoặc sống trong gia đình không hoàn thiện, cha mẹ ly thân, ly hôn… Các trường hợp khác nằm ngoài sự quản lý của cha mẹ, người thân nên bị các đối tượng xâm hại. Một số vụ việc do hoàn cảnh khó khăn, người mẹ sinh con ngoài ý muốn lo sợ ảnh hưởng đến bản thân, danh dự gia đình nên đã vứt bỏ con khi mới sinh hoặc cố ý bỏ con tại các nơi công cộng, nơi hoang vắng, các trung tâm bảo trợ xã hội, nhà chùa, nhà thờ…

Nguyên nhân của tình trạng trên là do tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường; sự xuống cấp của đạo đức xã hội; trách nhiệm phối hợp quản lý, giáo dục và tuyên truyền của xã hội, nhà trường và gia đình chưa cao; nhận thức pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế; khả năng nhận thức, phòng vệ và tự vệ của nạn nhân còn non nớt; công tác phát hiện, tố giác tội phạm hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, thậm chí có cả thái độ bất hợp tác từ phía nạn nhân và gia đình nạn nhân; một số tội danh chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe tội phạm…

Trước thực trạng này, các cơ quan chức năng đã tiến hành điều tra, truy tố xét xử các vụ án xâm hại tình dục, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em được tiến hành đúng pháp luật đảm bảo đúng người, đúng tội, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, việc phát hiện, xác minh, khởi tố điều tra loại tội phạm này còn gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, có một số vụ án xử lý chưa thật sự chặt chẽ, khiến dư luận bức xúc.

Để kịp thời phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm xâm hại tình dục và bạo hành trẻ em, Tòa án nhân dân tối cao vừa có văn bản yêu cầu tòa án các cấp khi thụ lý, giải quyết loại án trên cần thực hiện nghiêm các đạo luật mới được Quốc hội thông qua như Bộ luật Hình sự 2015, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015... xét xử đúng người, đúng tội; các hình phạt và biện pháp tư pháp được áp dụng đảm bảo nghiêm khắc. Trong quá trình xét xử, phải đảm bảo các quyền của trẻ em, người chưa thành niên theo nguyên tắc “bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi”. Tòa án cũng phải liên hệ với VKSND, Công an để đưa vụ án ra xét xử đúng thời gian luật định. Tòa án nhân dân tối cao cũng yêu cầu Tòa án các cấp cần báo cáo các vướng mắc, khó khăn trong quá trình giải quyết, thụ lý các vụ án xâm hại tình dục và bạo hành trẻ em để có thể thống nhất áp dụng pháp luật hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết.

.

Cao Loan

.