Pháp luật

Quyết liệt đấu tranh với nạn 'cò đất' trong các phiên đấu giá tài sản (Bài 1)

15:16, 12/12/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Thời gian qua, các cấp chính quyền trong toàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong công tác khai thác quỹ đất, nhất là đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ) ở. Nhờ từ nguồn quỹ đất, các địa phương có điều kiện hơn để xây dựng cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, hoạt động đấu giá tài sản, nhất là đấu giá QSDĐ hiện đang còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập, tiêu cực, nhất là nạn “cò đất”…

Bài 1: Ngăn chặn nạn “cò đất”

Một phiên đấu giá của Trung tâm đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp
Một phiên đấu giá của Trung tâm đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp

Thực trạng “cò đất” lộng hành

Thời gian qua, hoạt động đấu giá QSDĐ trên địa bàn tỉnh Nghệ An còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Đơn cử như, một số địa phương còn lúng túng trong việc lựa chọn hình thức tổ chức đấu giá tài sản; chưa ban hành được các tiêu chí phù hợp với tài sản đấu giá để lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản; chưa thực hiện tốt quy định việc thông báo công khai lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản; vai trò giám sát của UBND cấp huyện hiệu quả chưa cao, một số đấu giá viên điều hành cuộc đấu giá chưa nghiêm túc, không đúng trình tự theo quy định… Đặc biệt, do việc nộp đơn tham gia đấu giá không giới hạn về nơi cư trú nên đã có nhiều cá nhân, kể cả các đối tượng đấu giá chuyên nghiệp, tổ nhóm hoạt động theo hình thức “bảo kê” tham gia. Nhiều nơi, các đối tượng với nhiều thủ đoạn tinh vi đã công khai gây áp lực, đe dọa, thu tiền dìm giá mặc dù không có nhu cầu mua đất, nhằm mục đích trục lợi, gây bất bình trong nhân dân và mất trật tự xã hội, làm thất thu ngân sách Nhà nước.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 24 tổ chức bán đấu giá tài sản, trong đó có Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp bán đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh hiện nay chất lượng, phân bố không đồng đều, chủ yếu đặt trụ sở trên địa bàn TP Vinh; một số doanh nghiệp thiếu kinh nghiệm, thiếu tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động, chưa chú trọng đầu tư cơ sở vật chất cũng như nhân sự… Ngoài ra, các quy định về đấu giá QSDĐ hiện nay vẫn còn nhiều điểm sơ hở, bất cập, dễ bị lợi dụng. Đó là việc công khai thông tin tổ chức đấu giá, các lô đất đấu giá: Các quy định hiện nay yêu cầu phải đăng thông tin lên trang điện tử chuyên ngành. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 2 năm, trang thông tin điện tử này vẫn chưa được Bộ Tư pháp xây dựng xong. Mặt khác, việc tìm kiếm thông tin đấu giá cụ thể trên 1 trang thông tin điện tử chung cho toàn quốc đối với đa số người dân là khá khó khăn.

Việc đăng thông tin lên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương hoặc địa phương, một số tổ chức đấu giá đã “lách luật” bằng các phương thức như đăng vào khung giờ không có người xem, đăng ở những chuyên mục ít người  đọc… Việc niêm yết tại trụ sở UBND xã nơi có tài sản đấu giá cũng rất khó khăn cho những người dân ở các địa bàn khác tìm hiểu thông tin. Việc tổ chức đấu giá ngay tại trụ sở của cơ quan đấu giá hoặc địa điểm do cơ quan tổ chức đấu giá ấn định rất khó giám sát, thiếu phương tiện, thiết bị phục vụ việc giám sát, khó khăn cho người có thẩm quyền kiểm tra trách nhiệm của tổ giám sát, phát hiện tiêu cực…

Nỗ lực từ các cơ quan chức năng

Trước tình hình trên, vừa qua, UBND tỉnh Nghệ An có Văn bản số 8443/UBND-NC, ngày 2/11/2018, gửi các Sở Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh và Chủ tịch các huyện, thành phố, thị xã về việc tăng cường quản lý Nhà nước, đảm bảo công khai, minh bạch, nâng cao hiệu quả hoạt động đấu giá QSDĐ, khắc phục các tình trạng trên nên.

Cụ thể, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu Sở Tư pháp phải tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đấu giá tài sản; tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát các hoạt động đấu giá QSDĐ. Yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường phải chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan để hướng dẫn và giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu giá QSDĐ…; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động đấu giá QSDĐ. UBND các huyện, thành phố, thị xã phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về kết quả đấu giá QSDĐ thuộc thẩm quyền quản lý của mình... Ngay sau khi nhận được văn bản chỉ đạo từ UBND tỉnh, Công an tỉnh cũng đã có Văn bản số 2721/CAT-PV01 về tăng cường quản lý hoạt động đấu giá QSDĐ trên địa bàn tỉnh, tăng cường công tác nắm tình hình, đảm bảo ANTT tại các cuộc đấu giá QSDĐ…

Ngoài ra, để các cuộc đấu giá tài sản thực sự công khai, minh bạch, dần ngăn chặn tình trạng “cò đất”, thông đồng, dìm giá, Luật Đấu giá tài sản có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2017 có nhiều quy định mới; trong đó các hình thức đấu giá mới như đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp, đấu giá trực tuyến; việc đăng ký, tổ chức và hoạt động của các tổ chức bán đấu giá; điều kiện, tiêu chuẩn của đấu giá viên được chặt chẽ hơn.

Với vai trò thực hiện nhiệm vụ giúp UBND tỉnh quản lý Nhà nước về hoạt động bán đấu giá tài sản tại địa phương, Sở Tư pháp đã phối hợp với các sở, ngành đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra hoạt động bán đấu giá tài sản, kịp thời phát hiện và xử lý, khắc phục các thiếu sót, hạn chế, vi phạm…; các phản ánh, khiếu nại liên quan đến hoạt động bán đấu giá tài sản đều được giải quyết kịp thời, đúng pháp luật.

Đặc biệt, để góp phần phòng ngừa tiêu cực, sai phạm trong hoạt động đấu giá QSDĐ, làm thất thu ngân sách Nhà nước, UBND tỉnh đã thành lập Tổ giám sát thực hiện cuộc bán đấu giá QSDĐ theo Quyết định số 2359/QĐ-UBND ngày 2/6/2017. Thành viên của Tổ giám sát gồm đại diện các sở, ngành: Công an, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp và UBND các huyện có đất đấu giá.

Tại Hội thảo Chuyên đề về đấu giá đất do Sở Tư pháp tổ chức vào ngày 23/11/2018 vừa qua, bà Nguyễn Thị Quế Anh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp nhấn mạnh: Thời gian tới, Sở Tư pháp sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động bán đấu giá tài sản. Đồng thời, yêu cầu UBND các huyện, thành, thị cần tổ chức quán triệt một cách toàn diện, đồng bộ Luật Đấu giá tài sản và các văn bản hướng dẫn thi hành, đảm bảo đưa Luật đi vào đời sống để lập lại trật tự, kỷ cương trong đấu giá tài sản, tránh được hiện tượng tiêu cực, hạn chế như hiện nay; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp để việc bán đấu giá đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; tăng cường đảm bảo ANTT và kịp thời xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm. Đối với các sở, ngành liên quan, căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình tăng cường công tác giám sát, thanh, kiểm tra thực hiện các giải pháp nhằm phát hiện, điều tra, xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản, nhất là tình trạng đe dọa, chèn ép, cản trở khách hàng tham gia đấu giá, nạn “cò đất”…

Sau khi UBND huyện lựa chọn và ký hợp đồng với tổ chức đấu giá chuyên nghiệp, thì tổ chức đấu giá chuyên nghiệp thực hiện công khai thông tin về lô đất, thửa đất và giá đất trên các phương tiện truyền thông, niêm yết tại trụ sở tổ chức hợp đồng đấu giá tại Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện và trụ sở UBND xã nơi có đất đưa ra đấu giá để người dân được biết và tham gia đấu giá. Thời gian công khai theo đúng quy định. Đặc biệt, về công tác thu đơn của người tham gia đấu giá, danh sách người đăng ký tham gia đấu giá được Phòng Tài nguyên và Môi trường bảo mật đến trước thời điểm tổ chức đấu giá. Sau khi khai mạc phiên đấu giá Phòng Tài nguyên và Môi trường bàn giao cho Tổ chức đấu giá chuyên nghiệp để thực hiện tổ chức đấu giá theo quy định.

                         (Còn nữa)

Thu Thủy

Các tin khác