Pháp luật

Chống 'cơ hội chính trị' chính là bảo vệ chính trị nội bộ tốt nhất

09:15, 10/12/2018 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Trong tháng 12 này, các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị tiến hành quy trình giới thiệu nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.
 
Tại phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021-2026, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Dứt khoát không đưa vào quy hoạch những người có biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, quan điểm lệch lạc, đặc biệt những kẻ cơ hội chính trị”.
 
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng còn nêu rõ: “Quy hoạch lần này khác trước là làm quy hoạch cho nhiều khóa. Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra là làm thận trọng, tập trung nhưng dân chủ, công tâm, khách quan, tuyệt đối không được thiên vị, không được mang tính lợi ích”.
 
Bước đi thận trọng đó của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và của các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng về công tác cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược là hoàn toàn có cơ sở.
 
Từ thực tế những năm qua, nhất là một số vụ việc cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị thi hành kỷ luật thời gian qua đã cho thấy những bài học sâu sắc trong công tác tuyển chọn và giới thiệu cán bộ, tránh không để cán bộ xấu có cơ hội leo cao, chui sâu vào bộ máy, nhất là cán bộ thuộc diện cấp chiến lược.
 
Không phải chỉ cấp chiến lược mà lãnh đạo quản lý ở tất cả các cấp, kể cả cấp cơ sở mà “cơ hội chính trị”, không trong sáng, không toàn tâm toàn ý với công việc khi "lọt" vào cơ quan lãnh đạo sẽ tác động xấu đối với Đảng, có thể dùng chức quyền của mình để vụ lợi, trục lợi, leo lên chức cao hơn. Chống “cơ hội chính trị” chính là bảo vệ chính trị nội bộ tốt nhất, để không cho những phần tử xấu lọt vào ban lãnh đạo các cấp, đặc biệt cấp chiến lược nhằm làm trong sạch hàng ngũ lãnh đạo.
 
Nhấn mạnh nội dung này, tại hội nghị giao ban trực tuyến toàn ngành Tổ chức Xây dựng Đảng tháng 12 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cho biết, trong tháng 12 hoàn thành việc Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược (Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương) với tinh thần công khai, minh bạch, bình đẳng, dân chủ, khách quan, chống tiêu cực, hạn chế yếu kém trong quy hoạch, đặc biệt chống “chạy” quy hoạch.
 
“Trước đây có “chạy” quy hoạch, tiêu cực trong công tác quy hoạch. Bây giờ làm dân chủ công khai, khách quan, đặc biệt chống “chạy” quy hoạch, chống tiêu cực trong quy hoạch. Lần này làm thận trọng bài bản, chặt chẽ về mặt quy trình theo kế hoạch 11 của Bộ Chính trị và hướng dẫn 03, 04 bổ sung” – đồng chí Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
 
Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 6 khóa XI, khi chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định quan điểm: “Không để "lọt" vào Trung ương những người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham nhũng, lợi ích nhóm, vun vén cho gia đình…”.
 
Thực tế cho thấy, tình trạng “chạy chức, chạy quyền”, “chạy quy hoạch”, “chạy luân chuyển” còn xảy ra, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Nhiều vụ việc bổ nhiệm cán bộ “thần tốc”, “cả nhà làm quan”, cả Sở làm lãnh đạo xảy ra ở một số địa phương thời gian qua như Quảng Nam, Hải Dương, Thanh Hóa… đã là những bài học đắt giá trong công tác cán bộ. Lần này, rất cần một sự lựa chọn sáng suốt và đầy tinh thần trách nhiệm để chuẩn bị cho nhân sự cấp chiến lược.
 
Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở, Ban Tổ chức Trung ương cho rằng việc quy hoạch cán bộ cấp chiến lược lần này cần rút kinh nghiệm, tiêu chuẩn phải rõ ràng, quy trình chặt chẽ hơn, tiêu chuẩn từng chức danh rõ hơn.
 
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, việc quy hoạch, lựa chọn cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược không nên trình tự, cần có bước đột phá, tránh tình trạng “xếp hàng”.
 
Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh: “Người nào nếu đủ trình độ, có tài, uy tín, đủ tiêu chuẩn thì đề nghị lựa chọn. Tôi đề nghị nên có hình thức thảo luận và có số “dư”. Tiêu chuẩn điều kiện như nhau thì cùng có cơ hội như nhau. Tôi nghĩ không có xếp hàng, không trình tự và có số dư để có bước đột phá trong công tác cán bộ”.
 
Để làm tốt quy trình giới thiệu nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, điều cần nhất lúc này là các cấp uỷ, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo địa phương, đặc biệt là người đứng đầu địa phương, tổ chức phải thực sự nêu cao trách nhiệm, bổn phận của mình trong việc xem xét, giới thiệu nhân sự quy hoạch.
 
Người lãnh đạo địa phương, tổ chức đơn vị chắc chắn biết rõ những vị lãnh đạo mà mình định giới thiệu trong lĩnh vực công tác đã để xảy ra tiêu cực, sai phạm hoặc có biểu hiện suy thoái thì nhất định không giới thiệu vào quy hoạch cấp chiến lược. Người đứng đầu tổ chức, cá nhân giới thiệu nhân sự quy hoạch phải có tâm, có tầm để nhìn rõ được những người khi ở vị trí bên dưới dù chưa “phát lộ” những biểu hiện tiêu cực, nhưng khi ở vị trí quyền lực có nguy cơ bộc lộ những biểu hiện suy thoái. Nếu giới thiệu được nhân sự có tài năng và đạo đức vào vị trí chiến lược phải được khen, còn ngược lại sẽ bị xử lý nếu đưa vào tổ chức những người có biểu hiện suy thoái, tham nhũng, mất đoàn kết hay cơ hội chính trị. Đồng thời với đó, cán bộ cấp chiến lược phải có mối quan hệ với dân, phải là người thấu hiểu dân, đồng cảm với dân, thực sự vì dân, càng không phải cán bộ thờ ơ, vô cảm với dân…
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Công tác cán bộ là “then chốt” của “then chốt”, quyết định sự thành bại hay không là do đội ngũ làm công tác cán bộ. Tổ chức tốt việc giới thiệu, quy hoạch cán bộ cấp chiến lược là bước chuẩn bị quan trọng để có đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài cho Đại hội khóa XIII của Đảng.

Nguồn: Lại Hoa/CAND

Các tin khác