Pháp luật
Hiểu luật để sống đúng, sống hạnh phúc
10:08, 09/11/2018 (GMT+7)
Nhân dịp kỷ niệm 5 năm Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11) nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật, để pháp luật đi vào cuộc sống trên tinh thần “hiểu luật để sống hạnh phúc”, phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ đã phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long về những vấn đề liên quan.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long. Ảnh: VGP |
Thưa Bộ trưởng, làm thế nào để ý thức tôn trọng Hiến pháp, pháp luật không chỉ dừng lại trong lễ kỷ niệm, tuần lễ cao điểm mà hiển hiện ngay trong việc làm hằng ngày của mỗi công dân, để 365 ngày trong một năm ngày nào cũng là Ngày Pháp luật?
Bộ trưởng Lê Thành Long: Các buổi lễ như phóng viên đề cập nhân Ngày Pháp luật mà các bộ, ngành, địa phương triển khai vào ngày 9/11 hằng năm là những hoạt động mang ý nghĩa tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội.
Để việc kỷ niệm Ngày Pháp luật có ý nghĩa thiết thực, không hình thức, mang dấu ấn tích cực và được nhân dân ghi nhận thì từng đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và mỗi người dân luôn tự nhìn nhận lại mình, nghiêm khắc với mình hơn, tự kiểm điểm trách nhiệm, từ đó bồi đắp ý thức tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật, nâng cao ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật.
Mỗi cơ quan, tổ chức, đặc biệt là cán bộ, công chức, viên chức ngành tư pháp và những người làm công tác pháp luật cần gương mẫu, đi đầu trong việc tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, tích cực; chủ động đem kiến thức hiểu biết pháp luật của mình tham gia tuyên truyền, phổ biến các quy định của Hiến pháp, pháp luật, nhất là các quy định có liên quan mật thiết, gắn bó chặt chẽ với đời sống của nhân dân, tích cực tham gia vận động, thuyết phục nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật.
Bên cạnh đó, từng ngành, từng cấp cần tổ chức Ngày Pháp luật hằng năm phù hợp, sát thực với việc tổ chức triển khai các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội lớn, các sự kiện chính trị - pháp lý trọng đại của đất nước. Việc triển khai Ngày Pháp luật phải được thực hiện đồng bộ, gắn kết chặt chẽ với các nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng và thi hành pháp luật của các Bộ, ngành, địa phương, đảm bảo thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả,tránh hình thức, thực chất và đi vào chiều sâu.
Tôi tin tưởng rằng, nếu Nhà nước, xã hội và mỗi người dân cùng quyết tâm thực hiện thì Ngày Pháp luật sẽ luôn song hành với chúng ta không chỉ trong ngày 9/11 mà các ngày trong năm, tinh thần thượng tôn pháp luật sẽ luôn hiện hữu qua hành vi của mỗi người, giúp xây dựng, củng cố vững chắc nền pháp quyền Việt Nam XHCN.
Thưa Bộ trưởng, việc triển khai Ngày Pháp luật có tác dụng như thế nào đối với xã hội, với cuộc sống của mỗi con người hiện nay khi mà có nhiều người cho rằng,“hiểu luật để sống đúng, sống hạnh phúc”?
Bộ trưởng Lê Thành Long: Qua 5 năm triển khai thực hiện, Ngày Pháp luật không chỉ dừng lại ở sự tôn vinh mà quan trọng hơn, nó có ý nghĩa giáo dục sâu sắc trong việc đề cao giá trị của pháp luật trong nhà nước pháp quyền, hướng mọi tổ chức, cá nhân tích cực cộng hưởng tham gia với hành vi, thái độ xử sự pháp luật đúng đắn. Qua đó, góp phần nâng cao văn hóa pháp lý, dân trí pháp luật, từng bước phát triển nền văn hóa pháp lý ấy lên đỉnh cao mới, phù hợp với cuộc sống của xã hội đương đại góp phần xây dựng và duy trì xã hội có pháp chế nghiêm minh, kỷ cương chặt chẽ.
Giáo dục nâng cao văn hóa pháp lý là một bộ phận không thể thiếu của cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa mà về thực chất là nhằm tạo ra động lực từ bên trong, hướng tới giải quyết tận gốc các hành vi vi phạm pháp luật, nhằm thiết lập kỷ cương của xã hội ngay từ trong nếp nghĩ, cách sống của mỗi công dân, mỗi gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đặc biệt, đối với mỗi người dân - đối tượng thụ hưởng trực tiếp nhất từ kết quả triển khai hưởng ứng Ngày Pháp luật hằng năm. Hiểu biết pháp luật đã giúp người dân biết tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, biết tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của người khác và lợi ích chung của cộng đồng. Điều đó góp phần xây dựng môi trường sống lành mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội theo tinh thần “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.
Hiện nay, đất nước ta đang trong giai đoạn phát triển mới, tiếp tục đề cao vai trò của Hiến pháp và pháp luật. Văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã nhấn mạnh “Đẩy mạnh việc hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Bảo đảm pháp luật vừa là công cụ để Nhà nước quản lý xã hội, vừa là công cụ để nhân dân làm chủ, kiểm tra, giám sát quyền lực Nhà nước”.
Đặc biệt, với quyết tâm xây dựng Chính phủ hành động, liêm chính, kiến tạo phát triển và phục vụ nhân dân, Chính phủ nhiệm kỳ mới tiếp tục đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước bằng pháp luật. Do vậy, trong bối cảnh này, ý kiến“hiểu luật để sống đúng, sống hạnh phúc” hoàn toàn đúng khi pháp luật chính là công cụ hữu hiệu nhất để quản lý xã hội. Không thể phủ nhận rằng một cuộc sống thượng tôn pháp luật sẽ giúp xã hội yên bình hơn, văn minh hơn, con người hạnh phúc hơn.
Để Ngày Pháp luật phát huy hiệu quả và đi vào đời sống nhân dân, chúng ta cần có những giải pháp căn cơ gì thời gian tới, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Lê Thành Long: Với tư cách là cơ quan giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp rất mong sự tham gia, hưởng ứng tích cực của các bộ, ngành, địa phương với tinh thần trách nhiệm cao nhất; phối hợp chặt chẽ với ngành Tư pháp để cùng giúp Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức thực hiện tốt Ngày Pháp luật trong những năm tiếp theo, bảo đảm tính thường xuyên, liên tục, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực và hiệu quả, tránh phô trương, hình thức hoặc chạy theo phong trào mà ít chú trọng đến chất lượng.
Việc lựa chọn nội dung, hình thức tổ chức Ngày Pháp luật cần bảo đảm tính linh hoạt, chủ động, phù hợp với từng địa bàn, đối tượng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn cụ thể; gắn việc tổ chức triển khai Ngày Pháp luật với việc thực hiện nhiệm vụ chính trịcủa từng cơ quan, đơn vị, địa phương.
Mỗi cán bộ, công chức, đảng viên phải phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, tự giác, chủ động tìm hiểu, học tập, nâng cao nhận thức, hiểu biết về Hiến pháp và pháp luật gắn với nhiệm vụ chuyên môn. Mỗi người dân cần tích cực, chủ động tìm hiểu Hiến pháp và pháp luật để thi hành, bảo vệ Hiến pháp, pháp luật, góp phần tạo chuyển biến căn bản trong ý thức và lối sống làm việc theo Hiến pháp, pháp luật trong toàn xã hội.
Ngày Pháp luật có ý nghĩa nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội. Vì vậy, việc tổ chức thực hiện cần trực tiếp phục vụ cho quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật. Trong đó, Ngày Pháp luật phải gắn với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng pháp luật ngày càng đầy đủ,đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, phù hợp với thực tế, dễ tiếp cận, dễ thực hiệnvới chi phí tuân thủ thấp; thi hành pháp luật nghiêm minh, công bằng; xây dựng nền hành chính trong sạch; xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật; gắn kết chặt chẽ công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án với việc tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật có liên quan.
Ngoài ra, cần tiếp tục huy động sự tham gia của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và mọi tầng lớp nhân dân để hưởng ứng, triển khai Ngày Pháp luật, tạo sự đồng thuận chung về ý chí, ý thức pháp luật nói chung trong nhân dân.
Tôi tin tướng rằng với sự chung sức, chung lòng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Ngày Pháp luật hằng năm sẽ thật sự trở thành ngày hội của toàn dân tôn vinh Hiến pháp và pháp luật.
Xin cảm ơn Bộ trưởng về cuộc trao đổi này!
Nguồn: Lê Sơn (thực hiện)/Chinhphu.vn