Vui có chừng, dừng đúng lúc, ly rượu có thể làm câu chuyện thêm nồng, nhưng quá chén cũng có thể khiến ta ân hận cả đời. Hầu hết các vụ cố ý gây thương tích hay các vụ án giết người, đối tượng gây án trong tình trạng có hơi men. Ma men dẫn lối đã khiến người sử dụng mất kiểm soát bản thân, nhiều vụ án chỉ vì mâu thuẫn nhỏ dẫn đến án mạng.
Trong số gần 400 vụ phạm pháp hình sự xảy ra trong năm 2017 thì có khoảng 30% các đối tượng gây án khi đã sử dụng bia rượu. Đáng chú ý, hầu hết các vụ cố ý gây thương tích dẫn đến chết người, đối tượng gây án trong tình trạng có rượu, bia. Đặc biệt là các vụ trọng án trong thời gian gần đây, thủ phạm sử dụng bia rượu nổi máu côn đồ, quá khích, kiếm cớ gây sự, cãi vã gây ra trọng án.
Trong thực tế không ít những người vốn hiền lành, nhưng khi có rượu bia vào thì mất kiểm soát, ra tay đánh chết người. Để rồi lúc tỉnh cơn say, ngồi trong trại giam lại ân hận về những gì mình đã gây ra..
Theo các chuyên gia, các đối tượng sử dụng bia, rượu sau đó gây án giết người có dấu hiệu trẻ hóa, gia tăng về tính chất manh động, liều lĩnh, côn đồ, bạo lực và coi thường pháp luật, coi thường mạng sống con người.
Chỉ cần một mâu thuẫn nhỏ nhặt, xích mích trên bàn nhậu thì ngay lập tức tụ tập băng nhóm dùng hung khí huy truy sát, thậm chí sẵn sàng tước đi mạng sống của người khác.
Điều đáng lưu ý, bên cạnh những vụ án thanh toán lẫn nhau do các băng nhóm tội phạm thì đại đa các vụ án do rượu bia đều do nguyên nhân mâu thuẫn bột phát trong sinh hoạt.
.