Pháp luật

Bi kịch từ đồng tiền

14:28, 13/01/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Hầu hết khi phân tích nguyên nhân, động cơ phạm tội của bị cáo trong các phiên tòa xét xử bị cáo là người dân tộc thiểu số vi phạm pháp luật đều là do trình độ hiểu biết, nhận thức pháp luật còn hạn chế. Thế nên, đằng sau mỗi vụ án là những nỗi đau, ám ảnh day dứt khi có những người lầm đường lỡ bước mà chẳng hề hay biết. Tất cả bi kịch đó cũng đều từ đồng tiền mà ra.

 Chỉ vì thiếu hiểu biết mà 2 chú cháu Dìa và Lỳ đã mua nhu yếu phẩm đổi lấy thuốc phiện sang Việt Nam bán kiếm lời
Chỉ vì thiếu hiểu biết mà 2 chú cháu Dìa và Lỳ đã mua nhu yếu phẩm đổi lấy thuốc phiện sang Việt Nam bán kiếm lời

Cách đây không lâu, TAND tỉnh mở phiên tòa xét xử 2 bị cáo người Lào là Thò Dúa Dìa (SN 1988) và Thò Chá Lỳ (SN 1993) trú tại huyện Mường Quắn, tỉnh Hủa Phăn (Lào) về hành vi mua bán trái phép chất ma túy. HĐXX đã mời người phiên dịch để phục vụ quá trình xét hỏi, tranh luận. Dìa và Lỳ là 2 chú cháu, trong vụ án này, Lỳ rủ chú của mình tham gia. Theo lời người phiên dịch thì cả 2 đều là người thật thà, trong quá trình làm việc rất hợp tác và “nghe lời”. Sự thành thật đến ngô nghê đó cũng được thể hiện ngay trong phiên tòa khiến các vị trong HĐXX lấy làm tiếc cho hành vi dại dột của 2 bị cáo.

Theo lời trình bày của Dìa và Lỳ, nơi mà họ sinh sống thuốc phiện rất nhiều, hầu như nhà nào cũng có. Vì cuộc sống gia đình nghèo túng, làm không đủ ăn nên trong những lần sang Việt Nam làm ăn, Lỳ nhận thấy có thể kiếm tiền từ thuốc phiện. Khi có người đặt vấn đề mua “hàng”, Lỳ đã  rủ chú của mình cùng tham gia.

Nghĩ là làm, cả 2 chú cháu góp tiền sang Việt Nam mua quần áo, nhu yếu phẩm để đổi cho bà con trong bản lấy thuốc phiện. Số “hàng” họ đổi được là 7,3 kg thuốc phiện, chuyến “hàng” đầu tiên và cũng là cuối cùng 2 chú cháu đưa từ Lào sang Việt Nam bị lực lượng chức năng thu giữ.

Dù phải mất thời gian phiên dịch nhưng phiên tòa diễn ra rất nhanh vì sự thành khẩn của 2 bị cáo. Phiên tòa hôm đó chẳng có một bóng dáng người thân nào, 2 bị cáo đứng trước vành móng ngựa mắt đỏ hoe, rưng rưng. Bị cáo nói họ chỉ muốn có tiền để vợ con bớt khổ, cho con cái được đi học như chúng bạn. Và, họ cũng chẳng mảy may nghĩ việc mình làm là phạm pháp. Giờ đây khi phải ra hầu tòa, họ mới ân hận và trình bày nguyện vọng được giảm nhẹ hình phạt, sớm trở về với gia đình. Vì là người dân tộc thiểu số, trình độ văn hóa thấp, nhận thức pháp luật hạn chế, 2 bị cáo cũng thể hiện sự thành khẩn nên được hưởng sự khoan hồng của pháp luật, mỗi bị cáo chỉ phải nhận mức án 20 năm tù giam.

Đổ lỗi cho áp lực cuộc sống, gánh nặng gia đình nhưng lỗ hổng lớn nhất vẫn là trình độ nhận thức, hiểu biết pháp luật dẫn đến những hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật của một bộ phận người dân tộc thiểu số. Có không ít những vụ án đau lòng mà cả bị cáo lẫn bị hại đều là những người thân trong gia đình.

Như vụ em rể Lương Văn Tuấn (trú tại xã Quang Phong, huyện Quế Phong) lừa bán chị vợ sang Trung Quốc. Cho rằng thương chị vợ sống một mình vất vả, lại đang nợ ngân hàng nên nghĩ cách đưa chị đi lấy chồng xứ người, vừa có tiền vừa có cuộc sống an nhàn, khuây khỏa lúc tuổi già nhưng chính Tuấn không ngờ đã đẩy người thân vào chốn tủi cực. Sau thời gian bị đối xử tàn nhẫn, nhận được điện thoại cầu cứu của chị vợ, chính Tuấn đã bỏ tiền để chị trốn về Việt Nam. Dù muộn, nhưng Tuấn đã kịp nhận ra lỗi lầm của mình và tìm cách sửa lỗi. Hơn nữa, bị cáo là người dân tộc thiểu số, lại mù chữ nên được sự khoan hồng của pháp luật, chỉ phải nhận mức án 3 năm tù giam.

Dẫu biết rằng những kẻ vi phạm pháp luật đều phải nhận hình phạt nghiêm khắc để trả giá cho những sai lầm của mình, nhưng xét ở góc độ người dân tộc thiểu số phạm tội, nếu như họ được trang bị kiến thức pháp luật một cách đầy đủ, phù hợp thì ít nhiều tình trạng vi phạm pháp luật trong đồng bào dân tộc thiểu số sẽ giảm đáng kể.

Anh Quân

Các tin khác