Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng của Hongkong đăng tải một bài bình luận có tựa: “Những bài học từ quy định đội mũ bảo hiểm của Việt Nam”.
Trong bài viết, tác giả nhận định tuy còn nhiều khó khăn trong việc xử lý mũ kém chất lượng hay tỷ lệ thấp trẻ em đội mũ, nhìn chung lộ trình phổ cập mũ bảo hiểm ở Việt Nam đã đạt được những thành công nhất định.
Trong thập kỷ qua, Chính phủ và các tổ chức phi chính phủ đã cùng nhau làm việc để biến mũ bảo hiểm trở thành thứ không thể thiếu với người đi xe máy - loại xe chiếm tới 95% phương tiện được đăng ký của cả nước.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông ở Việt Nam là 24,5/100.000. Đây là con số cao thứ hai ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, con số này sẽ còn cao hơn nếu không có quy định về mũ bảo hiểm. AIP ước tính quy định này cứu được 15.000 mạng sống.
Trước khi quy định có hiệu lực vào tháng 12/2007, hiếm khi người ta nhìn thấy mũ bảo hiểm trên đường phố Việt Nam. Ngày nay, hơn 90% người đi xe máy đội mũ bảo hiểm. Điều này có được là nhờ việc thực thi luật nghiêm ngặt, các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng và các chương trình giáo dục về an toàn giao thông.
Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, đây được xem là yếu tố tạo ra sự khác biệt giữa Việt Nam với nhiều quốc gia đang phát triển khác có xe máy là phương tiện giao thông phổ biến, chẳng hạn như Thái Lan. Thái Lan ban hành quy định bắt buộc người lái xe đội mũ bảo hiểm vào năm 1994 và hành khách vào năm 2007 nhưng việc thực thi quy định lỏng lẻo không mang lại hiệu quả mong đợi khi tỷ lệ người chấp hành chỉ là 44%.
Qua đó, Việt Nam cho thấy chỉ thay đổi luật lệ thôi là chưa đủ và việc thay đổi hành vi của người tham gia giao thông đòi hỏi nỗ lực chung giữa các cơ quan chính phủ cùng với các tổ chức khác, theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng.
Đây được xem là một mô hình của Việt Nam và nó đã được AIP áp dụng vào các chương trình của họ ở Campuchia và Uganda. Thủ tướng Tanzania, nơi số xe máy tăng từ 46% lên 54% số phương tiện đăng ký trong 3 năm, cũng nói rằng nỗ lực kêu gọi đội mũ bảo hiểm của Việt Nam là mô hình mẫu trong chuyến thăm năm 2010.
.