Pháp luật
Xuất hiện dấu hiệu bảo kê 'cát tặc'
(Congannghean.vn)-Thấy tàu lạ xuất hiện, nghi lực lượng chức năng kiểm tra, bắt giữ, các chủ tàu đang hút cát trái phép dùng đèn quét thẳng về phía tàu của tổ công tác. Xác định tàu đang khai thác cát trái phép, bất chấp đêm tối hiểm nguy, các thành viên trong tổ công tác đã lao sang tiếp cận các chủ tàu. Hầu hết các chủ tàu đều tỏ ra bức xúc cho biết, mỗi lần khai thác cát trái phép, họ phải nộp từ 600.000 - 800.000 đồng cho nhóm người thường dùng xuồng gắn máy "tuần tra" trên sông vào ban đêm; nếu không sẽ báo chính quyền địa phương để xử lý.
Thượng tá Chu Minh Tiến giải thích để nam thanh niên lạ mặt hiểu được trách nhiệm của lực lượng chức năng đang thi hành nhiệm vụ |
1 giờ 15 phút ngày 17/8, nhận được điện thoại của Thượng tá Chu Minh Tiến, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Môi trường (CSMT), tôi cùng các trinh sát Đội 3 nhanh chóng lên đường. 15 phút sau, chúng tôi có mặt tại khu vực tập kết sát bờ sông Lam, cách huyện Hưng Nguyên khoảng 5 km. Khoảng 30 phút sau, 1 trinh sát báo tin, đã xuất hiện 3 tàu vỏ sắt khai thác cát trái phép tại hạ nguồn sông Lam.
Ngay sau đó, Tổ công tác của lực lượng CSMT Công an 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh lên xà lan được trưng dụng để thực thi nhiệm vụ trong đêm. Đến địa phận giáp ranh 2 xã Đức Quang, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh và xã Hưng Phú, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, Tổ công tác phát hiện gần chục tàu vỏ sắt đang khai thác cát trên sông nhưng không có biển báo, phao tiêu.
Thấy tàu lạ xuất hiện, nghi lực lượng chức năng kiểm tra, bắt giữ, các chủ tàu đang hút cát trái phép dùng đèn quét thẳng về phía tàu của Tổ công tác. Xác định tàu đang khai thác cát trái phép, Trung tá Nguyễn Văn Tùng, Phó Đội trưởng Đội 3, Phòng CSMT Công an Nghệ An yêu cầu các thành viên trong đoàn khẩn trương vào khoang nhằm tránh sự phát hiện của các chủ tàu nói trên.
Khoảng 5 phút sau, tàu của Tổ công tác tiếp cận được tàu khai thác trái phép đầu tiên. Theo kế hoạch, các thành viên trong Tổ công tác nhanh chóng tiếp cận 3 tàu vỏ sắt khác khi đang khai thác cát trái phép. Một số chủ tàu khác phát hiện liền điều khiển tàu rời khỏi hiện trường. Ngay lập tức, Thượng tá Chu Minh Tiến chỉ đạo chủ xà lan được trưng dụng đuổi theo. Khoảng 10 phút sau, Tổ công tác đã áp sát một mạn tàu hút cát trái phép. Cả 5 tàu vỏ sắt bị bắt giữ được xác định khai thác cát trái phép thuộc khu vực giáp ranh 2 xã Đức Quang và Hưng Phú, trong đó có 3 tàu của Nghệ An, 2 tàu của Hà Tĩnh.
Hầu hết các chủ tàu trình bày là khai thác cát cho 1 chủ mỏ tên Long ở huyện Đức Thọ. Tuy nhiên, khi 1 cán bộ CSMT Công an tỉnh Hà Tĩnh gọi điện thoại cho người có tên Long thì nhận được câu trả lời: Không liên quan đến các trường hợp khai thác cát trái phép bị bắt giữ. Sau đó, lực lượng chức năng yêu cầu chủ tàu tập trung tại điểm tập kết ở khu vực sửa chữa tàu thuyền tư nhân thuộc xã Đức Quang để xử lý nhưng một số chủ tàu không chấp hành và liên tục gọi điện để "cầu cứu".
Khoảng 20 phút sau, 1 thuyền gắn máy chở 3 người xuất hiện trên sông và nhanh chóng tiếp cận các tàu bị bắt giữ. Trong khi Thượng tá Chu Minh Tiến đang thuyết phục ông Đức (chủ tàu khai thác cát trái phép cuối cùng bị bắt giữ) nổ máy đi đến nơi tập kết để xử lý thì nhóm người đi trên thuyền gắn máy bước lên thuyền của ông Đức và có những lời nói thiếu tôn trọng lực lượng chức năng.
Thượng tá Chu Minh Tiến, Trưởng đoàn công tác hỏi 1 nam thanh niên lạ mặt: “Anh là ai? Ở đâu đến đây?” thì anh này chỉ nói là người của công ty ông Long, có mỏ khai thác cát tại khu vực xã Đức Quang, sau đó có những động thái nhằm gây cản trở lực lượng chức năng và lấy điện thoại di động ghi hình ảnh lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ khi chưa được sự đồng ý của đồng chí Trưởng đoàn.
Trước sự can thiệp của nhóm người lạ mặt, ông Đức, chủ tàu giả vờ sửa chữa máy và nói với Tổ công tác: "Máy chính của tàu bị hỏng do trước đó tăng ga quá lớn để chạy trốn". Mặc dù đã được vận động, giải thích nhưng ông Đức vẫn cố tình không chấp hành. "Tôi là Trưởng đoàn công tác, lực lượng CSMT Công an 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh chịu trách nhiệm trong việc kiểm tra và xử lý tình trạng khai thác cát, sỏi trên sông Lam theo chỉ đạo của cấp trên, đề nghị ông đến bãi tập kết để xử lý. Nếu lần này chủ tàu vẫn không chấp hành, buộc chúng tôi phải thuê tàu khác đến kéo, kinh phí hết bao nhiêu chủ tàu phải bỏ ra", Thượng tá Chu Minh Tiến, Phó Trưởng phòng CSMT nói như ra lệnh, tuy nhiên chủ tàu vẫn không chấp hành.
Điều đáng nói, khi lực lượng chức năng gọi tàu vỏ sắt đến kéo tàu ông Đức thì nam thanh niên có động thái cản trở lực lượng chức năng, thậm chí còn có lời đe dọa chủ tàu được thuê đến kéo. Tuy nhiên, trước sự quyết liệt của lực lượng chức năng, các đối tượng buộc phải rời khỏi hiện trường.
Sau khi nhóm người lạ mặt bỏ đi, qua tìm hiểu được biết, người thanh niên lạ mặt tên là Thơ, thường xuyên dùng thuyền gắn máy đi thu tiền của các chủ tàu khai thác cát trái phép trên khu vực thuộc địa phận xã Đức Quang, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh giáp ranh với xã Hưng Phú, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Nếu chủ tàu nào không nộp tiền sẽ bị nhóm người này báo với chính quyền địa phương cấm việc khai thác cát.
Một chủ tàu đưa “hóa đơn” trình bày với lực lượng chức năng |
Khoảng 8 giờ 15 phút cùng ngày, ông Long - chủ mỏ, cán bộ địa chính, Công an xã Đức Quang cùng nhóm thanh niên lạ mặt đến gặp Thượng tá Chu Minh Tiến và chủ tàu. Sau đó, ông Đức mới nổ máy đưa tàu về nơi tập kết để làm việc.
Tại điểm tập kết, tôi gặp 2 chủ tàu khác, họ đều tỏ thái độ bức xúc vì các chủ tàu này bị nhóm người lạ mặt thu tiền một cách vô lý. Chủ tàu Trần Đình Truyền (SN 1970) trú tại huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An cho biết: "Mỗi chuyến họ thu của tôi 800.000 đồng, nhưng trong hóa đơn chỉ ghi khối lượng cát mà không ghi số tiền mặt đã thu. Tôi có đầy đủ các phiếu thu". Sau đó, anh Truyền đưa ra một tập hóa đơn nhưng không phải hóa đơn GTGT cũng không phải hóa đơn thu tiền thông thường mà là phiếu giao hàng của Công ty Cổ phần tư vấn và Xây dựng Á Châu ở Hà Tĩnh. "Đây là hóa đơn sau khi thu tiền họ đưa cho tôi, nhưng tôi nghi chữ ký không phải tên thật của họ”, anh Truyền cho biết thêm. Khi tôi hỏi: “Anh nộp tiền cho ai?” thì anh Truyền chỉ tay về nhóm người lạ mặt đi trên thuyền gắn máy rồi nói: "Chính các anh này thu tiền của tôi".
Mặc dù thời gian qua, lực lượng chức năng đã vào cuộc quyết liệt nhưng tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên sông Lam vẫn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Điều đáng nói, một số địa phương do thiếu sự quản lý chặt chẽ đã để một số mỏ và chủ tàu khai thác cát trái phép, làm ảnh hưởng đến môi trường, thay đổi dòng chảy, gây sạt lở, mất đất canh tác trên tuyến sông Lam; thậm chí còn xảy ra dấu hiệu bao che, bảo kê. Đề nghị lực lượng chức năng sớm vào cuộc điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Hữu Trọng