Pháp luật

Hiểm họa từ các xưởng gỗ trong khu dân cư

15:22, 22/08/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Hiện nay, có rất nhiều xưởng gỗ được đặt trong các khu dân cư, không chỉ gây ô nhiễm môi trường và tiếng ồn, mà còn đe dọa trực tiếp đến sự an toàn của bà con nhân dân khi tiềm ẩn nhiều nguy cơ về phòng cháy, chữa cháy (PCCC).

Từ những vụ cháy xưởng gỗ…

Khoảng 1 giờ 30 phút ngày 14/8, 1 vụ cháy đã xảy ra tại xưởng gỗ có diện tích hơn 1.000 m2 của Công ty TNHH Hoàng Hà Linh ở số 5A, đường Nguyễn Trãi, phường Quán Bàu (TP Vinh). Vụ hỏa hoạn đã khiến xưởng gỗ bị đổ sập, hàng trăm m3 gỗ và tài sản bên trong xưởng bị thiêu rụi.

Tại thời điểm nói trên, công nhân phát hiện đám cháy bốc lên từ xưởng gỗ bên trong khuôn viên Công ty nên đã sử dụng các dụng cụ sẵn có để dập lửa, nhưng đám cháy đã nhanh chóng bùng phát dữ dội, cột khói cao hàng chục mét. Nhận được tin báo, lực lượng Cảnh sát PC&CC đã điều 9 xe chữa cháy cùng gần 100 CBCS đến hiện trường để dập lửa, nhưng phải mất gần 8 giờ đồng hồ, đám cháy mới được khống chế. Tại hiện trường, hàng trăm m3 gỗ bên trong xưởng gỗ đã bị thiêu cháy hoàn toàn.

Cảnh sát PC&CC Nghệ An tổ chức chữa cháy tại 1 xưởng gỗ trong khu dân cư
Cảnh sát PC&CC Nghệ An tổ chức chữa cháy tại 1 xưởng gỗ trong khu dân cư

Trưa 8/6/2016, tại bãi chứa gỗ thuộc Công ty cổ phần Hưng Hiếu ở xã Hưng Thịnh, huyện  Hưng Nguyên cũng đã xảy ra một vụ cháy lớn. Công nhân của Công ty trong quá trình đốt rác, gặp gió lớn nên rác bắt cháy và lan rộng ra khu vực xưởng gỗ. lực lượng Cảnh sát PC&CC đã huy động hàng chục CBCS đến hiện trường dập lửa. Sau hơn 2 giờ đồng hồ, đám cháy đã được khống chế. Tuy nhiên, vụ cháy đã làm thiệt hại trên 100 m3 gỗ thành phẩm, trị giá ước tính hàng trăm triệu đồng.

Được biết, Công ty Hưng Hiếu cùng lúc kinh doanh các mặt hàng xăng dầu và gỗ, thời điểm xảy ra đám cháy, trong xưởng còn khoảng 300 m3 gỗ các loại, xung quanh còn có 3 tẹc chứa dầu và 1 cửa hàng xăng dầu kề cận, nếu không xử lý kịp thời sẽ gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng.

… Đến những ẩn họa từ xưởng gỗ trong khu dân cư!

Không chỉ là những “quả bom” lửa, hiện nay trên địa bàn TP Vinh cũng như các khu vực đô thị, đông dân cư sinh sống có hàng chục xưởng gỗ đang hoạt động, vừa gây ô nhiễm về tiếng ồn, ô nhiễm môi trường vừa không đảm bảo các tiêu chuẩn về PC&CC, khiến người dân trong khu vực hết sức bức xúc, lo lắng.

Xưởng gỗ bị “tố” gây ô nhiễm môi trường tại phường Đông Vĩnh (TP Vinh)
Xưởng gỗ bị “tố” gây ô nhiễm môi trường tại phường Đông Vĩnh (TP Vinh)

Mới đây, bà con nhân dân khu dân cư 2 khối Yên Duệ và Trung Nghĩa, thuộc phường Đông Vĩnh (TP Vinh) đã có đơn khiếu nại về ô nhiễm môi trường liên quan đến xưởng gỗ của ông Nguyễn Văn Thái, đặt tại tổ 1, khối Trung Nghĩa. Theo phản ánh, xưởng gỗ này thường xuyên xả bụi gỗ, phát tán mùi hóa chất độc hại, hoạt động suốt cả ngày lẫn đêm, gây ô nhiễm nghiêm trọng cho khu vực dân cư. Thậm chí, một số người già và trẻ em, do thường xuyên hít phải hóa chất thải ra từ xưởng mộc nên phải điều trị các bệnh hen suyễn, phế quản.

Ngoài ra, một số xưởng gỗ gây ô nhiễm môi trường, bị người dân kịch liệt lên án, phản ánh đến cơ quan chức năng, trong đó nhiều xưởng gỗ đã buộc phải di dời, thậm chí đóng cửa ngừng hoạt động.

Có thể kể đến như xưởng mộc của Công ty TNHH Đức Duy tại xóm 20, xã Nghi Phú, tổ chức phun sơn PU gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống người dân trong suốt 10 năm trời; xưởng gỗ kiêm xưởng mộc của hộ gia đình ông Nguyễn Đức Bình tại số 11, đường Lê Thiết Hùng, khối 5, phường Bến Thủy gây ô nhiễm và tiếng ồn; xưởng sản xuất gỗ của ông Nguyễn Văn Chương ở số nhà 59, đường Thành Thái, khối Quang Phúc, phường Hưng Phúc (TP Vinh)… Đây là những cơ sở gây ô nhiễm lâu năm, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, bị người dân sinh sống xung quanh phản ánh, buộc phải di dời và đã được các cơ quan chức năng can thiệp. Trên thực tế, hiện đang còn rất nhiều cơ sở tồn tại, vi phạm các quy định về đảm bảo môi trường và PCCC nhưng vẫn mặc nhiên tồn tại.

Được biết, các công ty, hộ gia đình này sau khi được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh kèm giấy chứng nhận an toàn PCCC là có thể đi vào hoạt động. UBND cấp phường, xã chịu trách nhiệm quản lý, đôn đốc và kiểm tra, còn về công tác PCCC do các phòng Cảnh sát PC&CC phụ trách.

Khi được hỏi về trách nhiệm liên đới khi xảy ra cháy nổ, nhiều chủ cơ sở không có câu trả lời dù theo quy định, nếu xảy ra cháy nổ, chính các chủ hộ sản xuất, chủ nhà xưởng phải chịu trách nhiệm đầu tiên trước pháp luật, ngay cả khi ảnh hưởng đến các hộ xung quanh. Điều 37, Luật Bảo vệ môi trường quy định: "Cơ sở sản xuất hoặc kho tàng có chất dễ cháy, dễ gây nổ; phát tán mùi ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ con người; gây tiếng ồn, phát tán bụi, khí thải quá tiêu chuẩn cho phép… không được đặt trong khu dân cư hoặc phải có khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư". Quy định là vậy, song hiện nay nhiều khu dân cư vẫn phải sống chung với nỗi lo thường trực về an toàn cháy nổ và ô nhiễm môi trường vì các xưởng gỗ, xưởng mộc vẫn tồn tại và hoạt động.

Thiện Thành

Các tin khác