Pháp luật

Mua bán người với mục đích mại dâm và hôn nhân là phổ biến nhất

09:20, 26/08/2017 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Thông tin trên được đưa ra trong Hồ sơ di cư Việt Nam năm 2016 mới được Cục Lãnh sự thuộc Bộ Ngoại giao phối hợp Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) công bố.
 
Theo số liệu của Ban Chỉ đạo 138/CP, trong giai đoạn từ ngày 21/11/2010 đến 20/11/2015, cả nước đã phát hiện 2.205 vụ mua bán người, với 3.342 đối tượng, lừa bán 4.495 nạn nhân, trong đó trên 85% là phụ nữ và trẻ em. Hầu hết các vụ mua bán người bị phát hiện đều là mua bán người qua biên giới. Gần 90% số vụ mua bán người ra nước ngoài diễn ra qua các tuyến biên giới giữa Việt Nam với Campuchia, Lào và Trung Quốc; đặc biệt các vụ mua bán người qua biên giới với Trung Quốc chiếm đến 70% tổng số vụ bị phát hiện.
 
Thực hiện Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người giai đoạn 2011-2015 của Chính phủ, ngày 8/5/2013, Ban chỉ đạo 138/CP ban hành Kế hoạch số 114/KH-BCĐ đã chỉ đạo việc tổng điều tra, rà soát toàn quốc tình hình hoạt động tội phạm mua bán người và các đối tượng có liên quan cho giai đoạn 2008-2013. Đây là hoạt động thu thập thông tin về mua bán người quy mô nhất ở  Việt Nam từ trước tới nay.
 
Báo cáo số 571/BC-BCĐ ngày 7/11/2013 về Kết quả tổng điều tra, rà soát tình hình hoạt động tội phạm mua bán người và các đối tượng khác có liên quan giai đoạn 2008-2013 cho thấy, bức tranh khá toàn diện về tình hình mua bán người đến thời điểm đó. Giai đoạn 2008-2016, đã phát hiện 3.897 vụ mua bán người với 6.188 đối tượng và 8.336 nạn nhân (theo báo cáo hàng năm của Ban Chỉ đạo 138/CP). Số liệu cũng cho thấy số vụ phát hiện được có xu hướng tăng từ năm 2008 và đạt đỉnh điểm vào năm 2013 với 507 vụ bị phát hiện. Sau năm 2013, số vụ  có xu hướng giảm xuống, song số nạn nhân của mua bán người có xu hướng tăng lên. Số lượng nạn nhân phát hiện được năm 2015 có giảm đôi chút so với năm 2014, song năm 2016 con số này lại tăng mạnh. Xu hướng chung trong toàn giai đoạn là sự gia tăng nạn nhân của mua bán người.
 
Theo Báo cáo của Ban chỉ đạo 138/CP, trong năm 2016, toàn quốc xảy ra 383 vụ, với 523 đối tượng, 1.128 nạn nhân và có khoảng gần 200.000 người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc, Lào, Cam-pu-chia, Thái Lan lao động thời vụ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị mua bán. Các tỉnh có số vụ mua bán người xảy ra nhiều bao gồm: Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Nghệ An, TPHCM, Sơn La, Đồng Tháp, Kiên Giang. Trong đó có 734 nạn nhân bị mua bán và 394 trường hợp nghi bị mua bán. Tình trạng mua bán người dưới dạng môi giới hôn nhân trái phép, kết hôn giả để lừa bán sang Malaysia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan… diễn ra nhiều ở các tỉnh phía Nam, trong khi các tỉnh biên giới phía Bắc xảy ra nhiều vụ  mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em (bao gồm cả trẻ sơ sinh và học sinh).
 
Mua bán người với mục đích mại dâm và hôn nhân là những hình thức phổ biến nhất và tuyến mua bán người ra nước ngoài chủ yếu là qua biên giới đường bộ Việt Nam-Trung Quốc.
 
Đáng chú ý là tội phạm mua bán người bị phát hiện ở tất cả 63 tỉnh/thành phố trong cả nước, nhưng nhiều nhất là các địa phương dọc tuyến biên giới giữa Việt  Nam với Trung Quốc, Lào và Campuchia. Các vụ mua bán người qua biên giới với Trung Quốc khá đa dạng, bao gồm hình thức kết hôn giả nhằm đưa phụ nữ vào các động mại dâm dọc biên giới, mua bán đàn ông để cưỡng bức lao động, mua bán trẻ sơ sinh, thai nhi, mua bán người để lấy nội tạng.
 
Mua bán người qua biên giới Việt Nam- Campuchia cũng chủ yếu là mua bán phụ nữ vì mục đích mại dâm khu vực biên giới. Ngoài ra cũng có mua bán người cho mục đích cưỡng bức lao động, đẻ thuê, hoặc trung chuyển sang nước thứ ba cho hôn nhân cưỡng bức. Một số phụ nữ, trẻ em người nước ngoài bị đưa trái phép sang Campuchia để bán đi nơi khác cũng đã bị phát hiện.
 
Tại tuyến biên giới Việt Nam-Lào cũng có nhiều vụ mua bán người với mục đích mại dâm hay ép buộc hôn nhân nhưng với quy mô và mức độ thấp hơn so với tuyến biên giới với Trung Quốc hay Campuchia. Các dạng tội phạm mua bán người nêu trên hiện nay vẫn đang diễn ra phức tạp. 

Nguồn: Nhật Thy/Chinhphu.vn

Các tin khác