Pháp luật
Làm giả bằng cấp và cái giá phải trả
09:59, 13/08/2017 (GMT+7)
Thời gian gần đây, trên mạng internet, các trang mạng xã hội xuất hiện những bài viết, quảng cáo dịch vụ về việc nhận làm bằng, chứng chỉ giả với giá”Cực ưu đãi” một cách công khai. Đã có nhiều người dân nhẹ dạ, trở thành nạn nhân của việc lừa đảo này.
Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) vừa triệt phá một đường dây chuyên làm giả giấy tờ, bằng cấp tại Hà Nội. Trước đó, qua thông tin quần chúng cung cấp, Công an quận Hoàng Mai đã bắt quả tang đối tượng Cao Thị Ngọc Anh (sinh năm 1983, trú tại phường Yên Sở, quận Hoàng Mai) đang có hành vi giao Bằng đại học giả cho khách hàng. Khai thác nhanh, Ngọc Anh khai nhận đã lấy các bộ bằng giả từ Hoàng Anh Quang (Sinh năm 1990, trú tại phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình).
Tiến hành kiểm tra hành chính tại nhà Quang, Công an quận Hoàng Mai phát hiện và thu giữ hàng trăm loại giấy tờ, bằng cấp giả. Quang khai nhận, được một đối tượng khác đưa các loại bằng giả để chuyển cho khách theo yêu cầu và thu tiền.
Mỗi bộ bằng giả bán khoảng từ 3,5 – 5 triệu đồng, sau khi giữ lại 300 ngàn đồng tiền công, Quang chuyển tiền lại cho đối tượng này bằng hình thức chuyển khoản ngân hàng…Từ lời khai ban đầu của các đối tượng, Công an quận Hoàng Mai lần lượt điều tra, xác định được hàng loạt đối tượng liên quan đến hành vi mua bán bằng cấp giả.
Trong giai đoạn này (ngày 16/5), đối tượng Hoàng Thanh Tùng - Hành nghề “xe ôm”tại khu vực bến xe khách Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm đã đến Công an quận Hoàng Mai đầu thú và thành khẩn khai báo hành vi phạm tội liên quan.
Theo đó, Tùng được một đối tượng giới thiệu tên là Đức thuê vận chuyển và đứng ra môi giới chomột số “xe ôm” khác đi giao các bộ hồ sơ được gói kín theo số điện thoại liên hệ ghi ngoài bao bì. Ngoài ra, Đức đưa cho Tùng 1 thẻ ATM mang tên Vũ Đình Đức.
Khi được yêu cầu, Tùng rút hết tiền trong tài khoản và giao lại cho Đức. Nếu trực tiếp đi đưa hồ sơ, Tùng được Đức trả 150 ngàn đồng. Trường hợp Tùng giao lại cho “xe ôm” khác đi giao cho khách thì đối tượng giữ lại khoảng 50 ngàn đồng. Ngoài ra, mỗi lần Tùng mang tiền rút từ cây ATM, Đức đều trả công khoảng 300 ngàn đồng.
Tiến hành mật phục, Công an quận Hoàng Mai tiếp tục bắt quả tang Nguyễn Mạnh Thắng (Sinh năm 1979, trú tại Đan Phượng, Hà Nội) là người mạo nhận tên Đức, khi đang mang hàng trăm bộ hồ sơ, giấy tờ giả giao cho Tùng. Kiểm tra nơi ở của Thắng, các trinh sát tiếp tục phát hiện đối tượng Nguyễn Văn Cảnh (Sinh năm 1986, trú tại tỉnh Hải Dương) đang có mặt trong phòng để chế tác các loại giấy tờ, bằng cấp giả.
Tại đây, các trinh sát thu giữ hàng loạt con dấu, hàng trăm phôi bằng, giấy tờ giả mạo cùng nhiều thiết bị liên quan đến hành vi làm giả bằng cấp, giấy tờ. Tại cơ quan Công an, Thắng khai đã thuê Cảnh làm bằng cấp và giấy tờ giả. Tránh lộ tung tích, Thắng mua Chứng minh thư Nhân dân mang tên Đức ở cửa hàng cầm đồ và tiến hành mở tài khoản mang tên giả này, phục vụ các giao dịch chuyển tiền của khách hàng.
Trong xã hội hiện nay đang tồn tại một nghịch lý - người có học hành, bằng cấp đàng hoàng sau khi ra trường thì thất nghiệp nhưng ngược lại người có quan hệ, có tiền bạc thì chỉ cần một chiếc bằng "dởm" là đã có thể kén chọn những chỗ làm việc nhàn hạ, lương cao. Đó là lý do hoạt động sản xuất, buôn bán bằng giả ngày càng tinh vi và diễn biến phức tạp.
Những kẻ làm bằng giả rất đáng bị lên án nhưng những kẻ mua bằng giả để thăng tiến còn đáng lên án hơn và ở trong một xã hội chuộng quan hệ, chuộng bằng cấp như Việt Nam hiện nay, chắc rằng những vụ việc mua, bán bằng cấp với nhiều hình thức, thủ đoạn khác nhau (không loại trừ hình thức bằng thật nhưng chất lượng giả) sẽ vẫn còn gây nhức nhối trong thời gian dài nữa. Và đến đây chương trình NDTP ngày hôm nay xin khép lại. Hẹn gặp lại quý vị và các bạn trong những chương trình lần sau.
Nguồn: ANTV