Pháp luật
Nghệ An: Thêm một vụ lừa tiền người dân qua 'bình phong' xuất khẩu lao động
(Congannghean.vn)-Dựa vào tấm “bình phong” là giấy giới thiệu của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) tỉnh và giấy giới thiệu của huyện, Công ty CP dịch vụ xuất khẩu lao động (XKLĐ) và Chuyên gia Thanh Hóa (Công ty Leesco Thanh Hóa) đã về tận các xã để tuyển dụng, sau đó thu tiền cọc rồi chiếm dụng của hàng chục người dân. Sau 4 năm mòn mỏi đi đòi lại, đến nay một số lao động chỉ mới nhận được một nửa số tiền đã bỏ ra.
Một lao động mệt mỏi sau 4 năm không đòi lại được tiền đặt cọc |
Lừa XKLĐ để chiếm đoạt tiền đặt cọc
Ngày 22/9/2013, tại UBND xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương, bà Nguyễn Thị Hiền, tự xưng là người đại diện cho Công ty Leesco Thanh Hóa đề nghị được mở hội nghị tư vấn XKLĐ cho người dân trên địa bàn. Thấy người phụ nữ này có giấy giới thiệu của Phòng LĐ,TB&XH huyện Thanh Chương, chính quyền đã đồng ý và khoảng 1 tháng sau đó, Công ty đã tổ chức hội nghị để tư vấn cho người lao động đi làm việc tại các nước Malaysia, Đài Loan, Trung Đông và Ma Cao. Mỗi thị trường có mức chi phí xuất cảnh khác nhau, trong đó thị trường Đài Loan có phí xuất cảnh cao nhất với 130.000.000 đồng/lao động. Sau khi được tư vấn, đã có 4 lao động đăng ký đi XKLĐ.
Sáng 10/10/2013, Công ty cho xe đến UBND xã Hạnh Lâm đón 4 lao động đi học tiếng tại TP Vinh, tuy nhiên sau đó 2 người đã bỏ về, còn 2 lao động khác đăng ký đi XKLĐ tại Đài Loan là anh Nguyễn Thế Anh (32 tuổi) và anh Trần Văn Thiện (30 tuổi). Trong thời gian này, Công ty Leesco Thanh Hóa đã thu của anh Anh 3 đợt với tổng số tiền 53.500.000 đồng và anh Thiện số tiền 10.500.000 đồng để làm thủ tục xuất cảnh. Từ đó đến nay, những người này không những không được đi XKLĐ mà tiền cũng không đòi lại được.
Nhận thấy Công ty có dấu hiệu không bình thường nên họ đã đến trình báo Công an phường Vinh Tân, TP Vinh (nơi Công ty đặt văn phòng và dạy tiếng). Ngay sau đó, Công ty đã chuyển đi khỏi địa bàn.
Ông Đặng Văn Lập, Trưởng phòng LĐ,TB&XH huyện Thanh Chương cho biết: Việc Phòng LĐ,TB&XH huyện cấp giấy giới thiệu cho phép Công ty Leesco Thanh Hóa tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài tại 14 xã trên địa bàn huyện, là căn cứ vào việc Sở LĐ,TB&XH Nghệ An đã cấp giấy cho phép Công ty này có hoạt động dịch vụ đưa người lao động trên địa bàn huyện Thanh Chương đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn tại Malaysia. Tuy nhiên, trong quá trình tư vấn, tuyển dụng tại các xã Đồng Văn, Hạnh Lâm và Thanh Thuỷ, Công ty đã không thực hiện đúng cam kết.
Cụ thể, tại xã Đồng Văn, trong số 11 lao động đăng ký tham gia tuyển dụng thì có 7 lao động đạt yêu cầu về sức khỏe nên được tuyển dụng. Quá trình làm thủ tục, các lao động này đã nộp cho Công ty 10.500.000 đồng, ngoài ra có 2 người khác là anh Trần Đình Lợi trú tại xóm Luân Phượng và chị Trịnh Thị Minh trú tại xóm Tiên Kiều, mỗi người nộp thêm 40.000.000 đồng. Tuy nhiên, khi ra Hà Nội để làm thủ tục xuất cảnh thì lao động không thể nào liên lạc được với Công ty nên đành bắt xe quay trở về.
Ngôi nhà của chị Trịnh Thị Minh, một trong những lao động bị chiếm đoạt tiền |
Đùn đẩy trách nhiệm
Sau nhiều năm không được ra nước ngoài làm việc, lao động đòi lại tiền thì nhân viên trực tiếp thu tiền cho biết đã nộp cho Công ty, trong khi đó lãnh đạo Công ty này lại cho rằng, việc thu tiền là do cán bộ đào tạo và thủ quỹ thực hiện khi chưa có chủ trương của Công ty. Thậm chí, ông Nguyễn Ngọc Gấm, Phó Giám đốc Công ty Leesco Thanh Hóa còn đề nghị người lao động làm đơn tố cáo gửi các cơ quan chức năng giải quyết.
Mặc dù đã nhiều lần tổ chức đối thoại, chính quyền cũng đã có nhiều biện pháp để đòi lại tiền cho người lao động nhưng phía Công ty không chịu hoàn lại tiền đã thu của người dân. Trong khi đó, tại xã Thanh Thủy, các anh Lê Doãn Phẩm và Nguyễn Chương Thái cũng đã nộp cho Công ty Leesco Thanh Hóa số tiền 62 triệu đồng nhưng đến nay, Công ty vẫn chưa làm thủ tục để người lao động xuất cảnh.
Theo Báo cáo số 122 ngày 9/8/2016 của UBND huyện Thanh Chương, trong thời gian từ cuối năm 2013 đến nay, đã có 12 lao động trên địa bàn huyện đăng ký XKLĐ qua Công ty Leesco Thanh Hóa. Trong đó, xã Đồng Văn có 7 lao động, xã Thanh Thuỷ có 2 lao động, xã Hạnh Lâm 2 lao động và xã Thanh Ngọc 1 lao động. Các lao động này đã được Công ty tổ chức học giáo dục định hướng và đã nộp khoản tiền cọc 281 triệu đồng cho Công ty nhưng không xuất cảnh được.
Sau khi sự việc xảy ra, chính quyền địa phương đã yêu cầu ban lãnh đạo Công ty vào tận các địa phương để làm việc, ông Lê Văn Tình, Giám đốc Công ty cam kết sẽ chuyển trả đầy đủ số tiền đã thu và các giấy tờ liên quan cho người lao động. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Công ty mới chuyển trả được 50% số tiền cho các lao động ở 2 xã Đồng Văn và Thanh Thuỷ, với tổng số tiền 109.100.000 đồng. Còn 2 lao động ở xã Hạnh Lâm và 1 lao động ở xã Thanh Ngọc chưa nhận được đồng nào, gây bức xúc cho người lao động và chính quyền địa phương.
Đại diện Sở LĐ,TB&XH tỉnh Nghệ An cho biết, đã nhiều lần gửi công văn đề nghị Công ty Leesco Thanh Hóa trả lại tiền cho người dân, nhưng phía Công ty vẫn không hợp tác. Trong thời gian tới, Sở sẽ cử đại diện trực tiếp ra Thanh Hóa để làm việc với Công ty, nếu không trả lại số tiền đã nhận của người dân thì sẽ chuyển hồ sơ đến cơ quan Công an.
Được biết, Công ty Leesco Thanh Hóa có trụ sở chính tại tỉnh Thanh Hóa, vào thời điểm nhận tiền cọc của các lao động ở huyện Thanh Chương, đây là công ty Nhà nước, trực thuộc Sở LĐ,TB&XH tỉnh Thanh Hóa. Trong khoảng thời gian từ năm 2010 - 2015, hoạt động XKLĐ của Công ty này liên tục có nhiều biểu hiện bất thường, mập mờ và bị cơ quan chức năng nhiều lần ra quyết định xử phạt, thậm chí một số địa phương sau khi nhận ra hoạt động không uy tín của Công ty này đã tạm dừng, không cho tuyển dụng lao động trên địa bàn. Hiện nay, Công ty này đã được cổ phần hóa, thay đổi phần lớn lãnh đạo. Riêng ông Hà Văn Tài, người trực tiếp nhận tiền từ 12 lao động tại Thanh Chương hiện đã bị Công an bắt trong 1 vụ án khác.
Thiên Thảo