(Congannghean.vn)-Nghệ An là một trong những địa phương được xem có hoạt động khai thác khoáng sản nói chung, khai thác cát, sỏi nói riêng khá sôi động. Trước nhu cầu lớn về nguyên liệu trong khi công tác quản lý còn nhiều bất cập, vướng mắc khiến cho tình trạng khai thác “chui” ngày một diễn biến phức tạp, tác động không nhỏ đến hệ sinh thái dọc các con sông, làm thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng đến môi trường, mất an toàn giao thông đường thuỷ cũng như làm thất thoát tài nguyên và nguồn thuế.
Các lực lượng chức năng kiểm tra phương tiện hút cát trái phép trên sông |
Nghệ An có hệ thống giao thông đường thủy khá đa dạng, chạy dọc từ miền núi về miền xuôi và vùng biển với hàng trăm km. Nếu tính chiều dài sông Lam từ điểm khởi đầu khu vực cầu Bến Thủy, TP Vinh lên đến các nhánh chính của sông Hiếu, sông Nậm Mộ, Nậm Nơn, sông Giăng…, chúng ta có thể thấy, bất cứ đoạn sông nào chảy qua các địa phương đều có các tổ hợp cá nhân, hợp tác xã hay hộ gia đình tổ chức khai thác cát, sỏi dưới các dòng sông. Tuy nhiên hiện nay, có thể thấy rằng, nhu cầu về nguyên liệu thông thường là cát, sỏi đang trở nên cấp thiết và quan trọng.
Từ thực tế này mà ở các địa phương, do số lượng các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia khai thác rất nhiều nên thực tế số được cấp có thẩm quyền đồng ý, chấp thuận và cấp phép các thủ tục theo đúng quy định còn rất ít so với nhu cầu xây dựng công trình. Vì vậy mà tình trạng các cá nhân lâu nay lợi dụng quy trình hoàn thiện thủ tục của các cơ quan chức năng có phần chậm nên nhiều nơi đã tiến hành khai thác một cách bất hợp pháp diễn ra phổ biến. Thực trạng khai thác tài nguyên khoáng sản khi không có sự kiểm soát, không tuân thủ quy định và không theo quy hoạch đã dẫn đến nhiều hệ lụy, nhất là ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường, cuộc sống dân sinh của nhiều khu dân cư.
Trước thực tế này, quá trình đi sâu tìm hiểu của phóng viên có thể nhận ra rằng, nguyên nhân chính vẫn là do công tác quản lý của cơ quan chức năng và các địa phương; tiếp đến là sự bất cập trong các quy định, văn bản của Nhà nước còn những “lỗ hổng”, rồi mới đến yếu tố chủ quan do nhận thức pháp luật và ý thức chấp hành của chính người dân khi tham gia trong quá trình tổ chức khai thác. Do đó mà nạn khai thác cát, sỏi dọc các dòng sông là một trong những “điểm nóng” gây bức xúc trong dư luận ở các địa phương trong thời gian qua.
Trong thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có nhiều chủ trương, giải pháp chỉ đạo tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực khai thác khoáng sản nên đã nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành và ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân trong hoạt động này, lập lại trật tự, kỷ cương trong hoạt động khai thác khoáng sản, nhất là khai thác cát, sỏi.
Từ đầu năm 2017 đến nay, chính quyền các địa phương có hoạt động khai thác cát, sỏi cũng đã vào cuộc, phát hiện bắt giữ, xử lý nhiều tàu khai thác cát trái phép.
Tình trạng vi phạm trong hoạt động khai thác cát, sỏi còn diễn ra trên địa bàn tỉnh |
Với nhiệm vụ được giao, Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh cũng đã tổ chức phối hợp với đoàn liên ngành, UBND các huyện, thị, Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Công an các huyện phát hiện, bắt và xử phạt nhiều trường hợp. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp, chưa được ngăn chặn triệt để, có nơi còn buông lỏng và có hiện tượng bao che, tiếp tay cho hoạt động khai thác trái phép.
Đó là tình trạng “cát tặc” vẫn lén lút hoạt động, thậm chí công khai, thách thức chính quyền và cơ quan chức năng khi tổ chức khai thác giữa ban ngày. Điều đáng nói là công tác quản lý Nhà nước trong việc cấp phép khai thác cát của cơ quan chức năng còn có những hạn chế trong quy hoạch, quy trình thủ tục cấp phép cũng như công tác hậu thanh, kiểm tra.
Thực hiện Thông báo 161/TB-VPCP ngày 24/3/2017 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Hội nghị phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi, ngày 4/5/2017, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Công văn 2998 gửi thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, giám đốc các sở và chủ tịch UBND các huyện, thành, thị.
Cụ thể, UBND tỉnh giao Sở TN&MT tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp, cá nhân được cấp giấy phép khai thát cát, sỏi trên địa bản tỉnh; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là các điểm mỏ khai thác vi phạm nghiêm trọng phải tiến hành đình chỉ; kiên quyết thu hồi giấy phép, không để doanh nghiệp, cá nhân khai thác khoáng sản trong điều kiện không đủ các thủ tục theo quy định; chỉ đạo cơ quan liên quan phối hợp với cơ quan thuế để giám sát, kiểm tra sản lượng cát, sỏi để ngăn ngừa tình trạng trốn thuế đối với các doanh nghiệp đảm bảo quy định; đồng thời, tham mưu, kiến nghị đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý.
Sở Xây dựng tăng cường thanh, kiểm tra và giám sát các quy định về thiết kế mỏ, cũng như tham mưu cấp có thẩm quyền trong công tác quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản thông thường.
Cùng với đó, giao Sở Giao thông - Vận tải và Công an tỉnh phối hợp tham mưu thành lập đoàn liên ngành kiểm tra, xử lý, nhất là tại các địa phương có tình hình phức tạp, trọng điểm trong hoạt động khai thác cát, sỏi; mở các đợt cao điểm phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này; đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp bao che, tiếp tay cho hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết cát, sỏi không đúng quy định của pháp luật…