Pháp luật

Chuyển nhượng 'chui' đất rừng được giao theo Nghị định 163: Khó trong quản lý

15:13, 21/04/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Thời gian gần đây, tại các xã miền núi trên địa bàn Nghệ An, tình trạng mua bán, chuyển nhượng đất rừng khi chưa có sự đồng ý của cấp có thẩm quyền và sử dụng trái mục đích đất lâm nghiệp, đất rừng diễn ra hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý và bảo vệ rừng. Tuy nhiên, để giải quyết tình trạng trên, các địa phương đang gặp nhiều khó khăn.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và tuyên truyền, vận động là giải pháp nhằm hạn chế tình trạng chuyển nhượng đất rừng trái phép
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và tuyên truyền, vận động là giải pháp nhằm hạn chế tình trạng chuyển nhượng đất rừng trái phép

Rừng bị chuyển nhượng “chui”

Là huyện miền núi, có diện tích đất rừng khá lớn nên vài năm trở lại đây, tình trạng mua bán, chuyển đổi trái phép mục đích sử dụng đất rừng xảy ra ở nhiều xã trên địa bàn huyện Quỳ Châu. Tại xã Châu Hạnh, nhiều hộ đồng bào dân tộc Thái ở các bản Pà Cọ, Kẻ Nính được giao đất rừng theo Nghị định 163 của Chính phủ từ những năm 2003, 2004 đã bán cho một doanh nghiệp với giá rẻ. Ông Hà Văn Linh, Trưởng bản Pà Cọ cho biết, có khoảng 45 hộ đã bán giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCNQSD) đất rừng. Việc chuyển nhượng khi chưa có sự chấp thuận của chính quyền các cấp đã dẫn đến các “đầu nậu” sau khi thu gom đất rừng sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau nhưng địa phương rất khó kiểm soát.

Theo tìm hiểu của P.V, tại địa phương này, số diện tích rừng sau chuyển nhượng trái phép được Công ty cổ phần Nghệ An Xanh đưa máy móc, thiết bị mở đường vào phát rừng để trồng keo. Thời điểm chuyển nhượng, dưới hai hình thức “hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” và “hợp đồng thuê quyền sử dụng đất với thời gian 50 năm”. Theo thông tin thu thập được, ngoài Công ty cổ phần Nghệ An Xanh còn có một số cá nhân, trong đó có cả cán bộ, công chức cũng mua gom đất rừng.

Tình trạng trên cũng diễn ở huyện Quế Phong. Tại xã Nậm Giải, đến cuối tháng 8/2016, lực lượng chức năng địa phương đã xác minh vụ việc 29 hộ dân đem 427 ha đất rừng đi cầm cố để lấy 378,5 triệu đồng. Cũng từ vụ việc ở Nậm Giải, phát hiện có 151 hộ thực hiện hành vi trên.

Mới đây, vào cuối tháng 3/2017, qua kiểm tại khu vực bản Xiềng, xã Đôn Phục, huyện Con Cuông, Hạt Kiểm lâm huyện đã phát hiện 4 hộ gia đình tự ý đốt, phát rừng 163 để trồng rừng khi chưa có sự cho phép của cơ quan chức năng. Qua đo đếm diện tích phát đốt và diện tích có gốc chặt, đã có trên 10 ha của các hộ Lữ Văn Bạch, La Thị Hà, Lữ Xuân Hường và Nguyễn Văn Xao chuyển nhượng cho các cá nhân ở huyện Anh Sơn.

Khó trong kiểm soát và xử lý

Trước tình trạng trên, các huyện như Quỳ Châu, Quế Phong, Con Cuông… đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền các xã điều tra, rà soát việc mua bán, chuyển nhượng trái phép, sử dụng đất rừng sai mục đích. Tuy nhiên, việc điều tra, rà soát, xử lý vẫn gặp nhiều khó khăn do nhiều hộ dân đã mua bán, chuyển nhượng “chui” nên che giấu, không tự giác phối hợp với cơ quan chức năng; hoặc không nhận đã bán, chuyển nhượng mà chỉ nhận là “phối hợp” làm kinh tế rừng, “cầm, cố” GCNQSD đất rừng cho các đối tượng “đầu nậu”...

Nhiều diện tích đất rừng 163 tại xã Đôn Phục bị chặt đốt sau khi chuyển nhượng trái phép
Nhiều diện tích đất rừng 163 tại xã Đôn Phục bị chặt đốt sau khi chuyển nhượng trái phép

Theo ông Thái Minh Hiệp, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Con Cuông, thời gian gần đây, tại một số xã, phong trào trồng rừng nguyên liệu phát triển mạnh, góp phần thúc đẩy công cuộc xóa đói, giảm nghèo cho địa phương. Tuy nhiên, thực trạng này cũng gây nên những hệ hụy, ảnh hưởng đến công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Hiệu quả và lợi nhuận kinh tế từ khai thác rừng trồng mang lại đã khiến không ít hộ dân bất chấp pháp luật, tự ý phát, đốt rừng tự nhiên để trồng rừng; thậm chí nhiều cá nhân ngoài địa phương đã đầu cơ, thu mua rừng và đất rừng với số lượng lớn, gây nhiều khó khăn cho chính quyền địa phương và cơ quan chức năng trong công tác quản lý và bảo vệ rừng, nhất là tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng diễn ra rất cao.

Theo quy định, việc giao đất, cấp GCNQSD đất rừng cho nhân dân cần hướng dẫn nhân dân thực hiện quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, sản xuất lâm nghiệp, chính quyền cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo các lực lượng trên địa bàn phát hiện, ngăn chặn kịp thời những hành vi xâm hại rừng.

Thực tế, diện tích đất rừng chuyển nhượng “chui” và sử dụng trái phép trên địa bàn tỉnh rất lớn. Do đó, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, các địa phương và chủ rừng cần tiếp tục vào cuộc quyết liệt nhằm kiểm tra, rà soát, thống kê chính xác về số hộ, cá nhân, tổ chức đã chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng đất rừng, hiện trạng các diện tích đất lâm nghiệp, đất rừng đã giao.

Bên cạnh đó, cần chỉ đạo các cơ quan thực thi pháp luật xác minh, điều tra, thu thập chứng cứ để làm rõ hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân đã mua, nhận chuyển nhượng “chui” và sử dụng trái mục đích đất rừng.

Từ đó, xử lý nghiêm, xem xét, đánh giá lại việc giao đất lâm nghiệp, đất rừng đã quy hoạch cho các doanh nghiệp trồng rừng; đồng thời nhằm tạo điều kiện để người dân có nhận thức đúng về vùng đất rừng được giao để phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hộ gia định, gắn với việc nâng cao nhận thức trong quản lý, phát triển rừng, bảo vệ rừng và lâm sản.

Xuân Thống

Các tin khác