(Congannghean.vn)-Mặc dù là giáo viên của Trường THCS xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn nhưng cô Vi Thị Hoa đang bị nhiều người dân xã Lục Dạ, huyện Con Cuông tố cáo vì có hành vi lừa đảo dưới hình thức “chạy việc” để chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.
Theo thông tin phản ánh của người dân xã Lục Dạ, huyện Con Cuông, thời gian vừa qua, lợi dụng tâm lý sinh viên mới ra trường mong muốn sớm có việc làm và sự kém hiểu biết của một số phụ huynh, cô Vi Thị Hoa đang công tác tại Trường THCS Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn đã nhận tiền và hứa hẹn xin việc cho con em các gia đình trên địa bàn. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, cô Hoa không xin được việc cho trường hợp nào và cũng chưa trả lại số tiền đã nhận, khiến nhiều gia đình hết sức bức xúc.
Ông Lương Văn Hải (50 tuổi) trú tại bản Kim Đa, xã Lục Dạ, huyện Con Cuông buồn bã cho biết: Khoảng tháng 5/2016, sau khi nghe cô Vi Thị Hoa nói có mối quan hệ rộng, hứa hẹn sẽ xin được việc làm cho sinh viên mới tốt nghiệp, mặc dù hoàn cảnh kinh tế khó khăn nhưng gia đình tôi vẫn đi vay mượn và đặt cọc cho cô Hoa 60 triệu đồng, nhờ xin cho con trai là Lương Văn Sang, sắp tốt nghiệp Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội vào làm việc tại Sở Xây dựng Nghệ An và con gái Lương Thị Sinh đang học Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, sau khi tốt nghiệp sẽ dạy tiểu học tại huyện Con Cuông.
Vợ chồng ông Lương Văn Hải và Vi Thị Nhị đang rơi vào tình cảnh nợ nần, vì tiền mất tật mang |
Bà Vi Thị Nhị (vợ ông Hải) hết sức bức xúc: Cô Hoa lừa thôi, nhận tiền một năm rồi nhưng vẫn không xin được việc. Cuối năm ngoái, cô quay lại đòi thêm 10 triệu đồng nói để làm quà cho người ta, gia đình cũng phải đưa. Đầu năm nay, cô lại đến đòi tiếp 50 triệu đồng và nói sắp có quyết định. Vì gia đình không biết vay mượn ở đâu nên chưa có tiền đưa cho cô Hoa.
Không chỉ gia đình ông Hải, bà Nhị mà gia đình ông Lữ Văn Thá (SN 1969) ở bản Kim Đa cũng được cô Vi Thị Hoa hứa sẽ xin cho con gái Lữ Thị Bé về dạy tiểu học tại huyện Con Cuông. Theo lời ông Thá, gia đình đã đặt cọc trước số tiền 30 triệu đồng cho cô Hoa, sau đó cô đến đòi tiếp nhưng gia đình chưa vay được tiền nên chưa đưa thêm.
Mỗi trường hợp “chạy việc”, Vi Thị Hoa đều ký kết hợp đồng, thỏa thuận các điều khoản trước và sau khi xin việc xong |
Cũng thời gian này, cô Vi Thị Hoa đến nhà người quen tại bản Hua Nà, xã Lục Dạ, huyện Con Cuông để chơi và nghe lỏm được câu chuyện cô Ngân Thị Dần (nguyên Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Lục Dạ) có con gái là Hà Thị Dịu, tốt nghiệp ngành công tác xã hội nhưng cũng chưa xin được việc làm, hiện đang học thêm Trung cấp Sư phạm Mầm non và chờ cơ hội xin đi dạy. Nắm bắt thông tin này, cô Hoa lân la thăm hỏi rồi dùng lời ngon ngọt hứa hẹn sẽ xin việc cho cháu Dịu theo đúng ngành học.
Như gặp được “phao cứu sinh” trong lúc khó khăn, ngày 23/5/2016, cô Dần đặt cọc cho cô Hoa số tiền 40 triệu đồng và 1 ngày sau đó tiếp tục chồng thêm 80 triệu đồng nữa. Theo phản ánh của cô Dần, ngày 25/5/2016, cô Vi Thị Hoa đến lấy tiếp 20 triệu đồng của cô, với lời hứa xin cho Dịu về dạy mầm non ở Con Cuông. Ngày 8/9/2016, cô Hoa lại đến lấy tiếp 10 triệu đồng nữa và nói ít ngày nữa sẽ có quyết định. Như vậy, cô Vi Thị Hoa đã nhận từ gia đình cô Ngân Thị Dần tổng cộng 150 triệu đồng.
Để tạo niềm tin cho các gia đình, trước khi nhận tiền “chạy việc”, cô Vi Thị Hoa đều ký kết hợp đồng với từng trường hợp cụ thể, về số tiền đặt cọc, ngành nghề tuyển dụng và tổng số tiền phải thanh toán khi hoàn tất công tác tuyển dụng, nhận quyết định đi làm; đồng thời, điều khoản hợp đồng cũng ghi rõ, quá trình cô Hoa đang “chạy việc”, nếu các gia đình không tiếp tục thực hiện hợp đồng thì sẽ bị mất số tiền đặt cọc đã bỏ ra. Tuy nhiên, theo chúng tôi, giá trị các bản hợp đồng này không có tính pháp lý mà nó chỉ mang tính chất thỏa thuận giữa hai bên.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trong năm học 2016 - 2017, tại huyện Con Cuông không có chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên các cấp. Do đó, việc các gia đình được hứa hẹn xin việc cho con em làm giáo viên ở huyện Con Cuông là lừa đảo.
Những năm gần đây, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp ngày càng nở rộ trên cả nước. Mỗi năm riêng địa bàn tỉnh Nghệ An có hàng nghìn sinh viên tốt nghiệp với đủ các loại ngành học. Tuy nhiên, chỉ tiêu tuyển dụng công chức, viên chức vào làm việc tại các cơ quan Nhà nước hàng năm của tỉnh ta chỉ khoảng vài trăm người - con số rất ít ỏi so với số lượng sinh viên mới tốt nghiệp. Do đó, các đối tượng “cò mồi” đã lợi dụng tâm lý muốn có việc làm ổn định của sinh viên mới ra trường để bày vẽ các chiêu trò lừa đảo. Một khi tiền đã trao nhưng việc không thành, các đối tượng cũng chây ì việc hoàn lại số tiền đã nhận trước đó.
Thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo này không có gì mới, trước tiên chúng tạo cho mình một vỏ bọc khá hoàn hảo từ phong cách ăn mặc, nghề nghiệp đang làm, cách tiêu tiền phóng khoáng… và đặc biệt là chúng luôn “nổ” về các mối quan hệ xã hội hoặc quen biết lãnh đạo đứng đầu các sở, ngành cấp tỉnh cũng như ở Trung ương để dễ bề lừa gạt. Mặc dù, cơ quan Công an đã khám phá rất nhiều vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức “chạy việc”, nhiều kẻ lừa đảo đã phải trả giá cho hành vi của mình, song hiện vẫn còn không ít đối tượng lợi dụng sự kém hiểu biết của người dân để làm giàu bất chính.
Đề nghị các cơ quan sớm vào cuộc làm rõ hành vi của cô giáo Vi Thị Hoa, nếu đúng như phản ánh của người dân cần xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
.