(Congannghean.vn)-Cát, sỏi là nguồn nguyên, vật liệu quan trọng trong xây dựng, do đó nhu cầu cát, sỏi của người dân và doanh nghiệp trong xây dựng, công trình nhà ở và hạ tầng là tất yếu. Tuy nhiên, từ bất cập trong công tác quản lý Nhà nước, trực tiếp là khó khăn trong thủ tục cấp phép đối với loại hình này trong thời gian qua đang là vấn đề lớn, làm ảnh hưởng đến giải quyết nhu cầu của người dân, bởi trong số cát, sỏi được khai thác, sử dụng phần lớn đều qua khai thác “chui”.
Mặc dù trong giai đoạn chờ hoàn thiện thủ tục cấp phép nhưng nhiều doanh nghiệp trên địa bàn huyện Thanh Chương vẫn tổ chức khai thác cát, sỏi “chui” |
Lâu nay, địa bàn huyện Thanh Chương được ví như là “tâm điểm” nóng trong hoạt động khai thác cát, sỏi. Thuận lợi từ các dòng sông có bãi cát mịn, sạch, không nhiễm mặn, đáp ứng như cầu trong xây dựng nên những năm gần đây, các cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn huyện tổ chức khai thác rầm rộ. Quan trọng hơn, các hộ có tổ chức khai thác cát, sỏi đã tập trung lại thành lập nên Công ty khai thác cát, sạn và vận tải Thanh Chương nhằm mục đích dễ tập hợp “hội viên” và trong quản lý. Thế nhưng, sau nhiều năm tổ chức khai thác, doanh nghiệp này vẫn chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt các thủ tục theo quy định, đồng nghĩa với việc khai thác, vận chuyển cát, sỏi nơi đây đều là bất hợp pháp.
Không chỉ huyện Thanh Chương, tại các địa phương như Tương Dương, Anh Sơn, Thái Hòa, Nghĩa Đàn, Hưng Nguyên, Nam Đàn cũng có nhiều điểm khai thác cát, sỏi trái phép trong khi công tác quản lý Nhà nước tại các phương còn nhiều bất cập đã làm ảnh hưởng đến dòng sông, sạt lở và ô nhiễm tiếng ồn…, khiến cuộc sống người dân các khu vực xung quanh bị ảnh hưởng.
Theo ông Nguyễn Đình Định, Giám đốc Công ty Khai thác cát, sạn và vận tải Thanh Chương thừa nhận: Việc các hộ kinh doanh khai thác cát, sỏi trên địa bàn huyện Thanh Chương chưa được cấp phép nên đều là khai thác “lậu”. Chúng tôi cũng đã làm mọi thủ tục theo hướng dẫn, yêu cầu của ngành xây dựng, giao thông vận tải, nông nghiệp, công thương và chính quyền huyện nhưng trong một thời gian dài không được đáp ứng khiến Công ty gặp rất nhiều khó khăn. Tiền thuế hàng tháng, hàng năm chúng tôi đều đóng nhưng không hiểu sao tiến độ cấp phép từ cơ quan Nhà nước lại khó khăn đến thế.
Sau nhiều năm kiên trì “chờ” làm thủ tục, chúng tôi được biết, vướng nhất hiện nay là thủ tục tham vấn cộng đồng, mà đây không phải là yêu cầu về chuyên môn, trong luật định cũng không có. Bất cập này khiến nhiều doanh nghiệp các địa phương đều chung hoàn cảnh và chấp nhận khai thác “chui” khi không có sự kiểm soát của lực lượng chức năng.
Nghịch lý ở chỗ, trong khi thủ tục cấp phép khai thác cát, sỏi chậm nhưng nhu cầu của thị trường vẫn phải đáp ứng nên nhiều doanh nghiệp ngoài tập trung hoàn thiện các thủ tục khi cơ quan yêu cầu thì cũng phải tiến hành khai thác. Do đó, việc quản lý giá cả vật liệu cũng làm ảnh hưởng đến thị trường cũng như chênh lệch giá cát từ các huyện.
Theo Nghị định 15 ngày 9/3/2012 của Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khoáng sản thì các danh mục thủ tục hành chính cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản đang đánh đồng tất cả các loại khoáng sản. Có nghĩa là trình tự, thời gian cấp phép khai thác cát, đất san lấp, sét gạch ngói cũng giống như các loại khoáng sản quý hiếm, có giá trị kinh tế cao như vàng, thiếc, ti tan… và thời gian để được cấp phép lên đến 601 ngày. Với việc không thể đơn giản trong thủ tục nên hiện tại Nghệ An mới chỉ có rất ít doanh nghiệp được cấp phép. Đây là khó khăn cho địa phương so với nhu cầu thực tế của thị trường xây dựng nội tỉnh.
Trong khi đó, nếu cấp phép được cho các đơn vị khai thác, Nhà nước sẽ không bị rút ruột tài nguyên và quan trọng là khi đó doanh nghiệp sẽ là nhân tố góp phần cân đối cung - cầu, hạn chế nạn khai thác trái phép từ việc quản lý thị phần khoáng sản mà lâu nay cát tặc vẫn hoạt động. Từ đó, từng bước thu hút lao động tại chỗ vốn là “cát tặc” vào làm việc chân chính, mang lại thu nhập ổn định để giải quyết các tồn tại xã hội.
Đành rằng, việc cấp phép khai thác tài nguyên không thể tùy tiện mà phải dựa trên quy hoạch và những quy định liên quan đến quản lý tài nguyên, khoáng sản. Tuy nhiên, những nghịch lý trong hoạt động quản lý, cấp phép khai thác cát, sỏi - một loại vật liệu hết sức thông thường đang dẫn đến những chênh lệch cung - cầu khó kiểm soát. Để thị trường vật liệu này lành mạnh hơn, cần có những điều chỉnh, vận dụng linh hoạt để sát hơn với cuộc sống, để vừa đáp ứng nhu cầu chính đáng trong đời sống, vừa thuận lợi trong công tác quản lý.