Pháp luật

Nâng cao chất lượng hệ thống chính trị tại các vùng đặc thù

Góp phần giữ vững an ninh trật tự

08:13, 09/03/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Thời gian qua, trên địa bàn toàn tỉnh, hệ thống chính trị ở cơ sở không ngừng được củng cố, kiện toàn, góp phần quan trọng vào việc đảm bảo ANTT, giữ vững quốc phòng - an ninh và thúc đẩy KT-XH phát triển. Đạt được kết quả trên là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị tại các vùng đặc thù.

Thực hiện tốt công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên ở vùng đặc thù góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội (Trong ảnh: Đồng bào dân tộc thiểu số huyện Quế Phong tham gia ngày hội bầu cử)
Thực hiện tốt công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên ở vùng đặc thù góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội (Trong ảnh: Đồng bào dân tộc thiểu số huyện Quế Phong tham gia ngày hội bầu cử)

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc kiện toàn hệ thống chính trị tại các vùng đặc thù (vùng có đông đồng bào theo đạo, vùng dân tộc thiểu số…) đối với sự phát triển bền vững của tỉnh nhà, thời gian qua, Tỉnh ủy đã ban hành nhiều nghị quyết, đề án, chỉ thị liên quan đến công tác trên; gần đây nhất là Đề án số 01/ĐA-TU ngày 10/8/2016 về xây dựng chi bộ, phát triển đảng viên ở các khối, xóm, bản chưa có chi bộ, chưa có đảng viên và khối, xóm, bản có nguy cơ không còn chi bộ, giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, các huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Quỳnh Lưu là 3 đơn vị được Tỉnh ủy chọn làm điểm để triển khai Đề án này.

Tại Quỳnh Lưu - địa bàn có đồng bào theo đạo Thiên chúa chiếm 16% dân số toàn huyện, thuộc 15/33 xã, thị trấn, công tác phát triển đảng viên và thành lập chi bộ ở các thôn, xóm chưa có chi bộ được quan tâm thực hiện một cách đồng bộ. Bên cạnh đó, việc thành lập chi bộ tăng cường, chi bộ ghép đã góp phần làm giảm tình trạng xóm chưa có chi bộ kéo dài.

Trước thực tế chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị vùng đặc thù còn hạn chế, đơn cử như tình trạng số lượng xóm trưởng chưa là đảng viên trong năm qua còn khá nhiều, phát triển đảng viên đạt thấp…, BTV Huyện ủy đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, đặc biệt quan tâm tới việc phát hiện, bồi dưỡng quần chúng ưu tú vào Đảng thông qua việc triển khai các phong trào thi đua sôi nổi ở cơ sở; thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác đánh giá, xếp loại, sắp xếp, bố trí luân chuyển cán bộ nhằm kịp thời bổ sung cho các đơn vị khó khăn.

Còn tại huyện Hưng Nguyên, xuất phát từ thực tế năng lực của cán bộ tại một số xã, xóm vùng có đông đồng bào theo đạo nhìn chung còn hạn chế, dẫn đến công tác vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước chưa thực sự hiệu quả, Đảng bộ huyện xác định giải pháp then chốt là cần giữ vững mối quan hệ tốt với đội ngũ chức sắc, chức việc; gây dựng những mô hình, nhân tố tốt để nhân rộng.

Đặc biệt, việc tập hợp, huy động các đối tượng quần chúng tiến bộ, có đủ điều kiện, được người dân tín nhiệm tham gia hệ thống chính trị ở cơ sở được đặt ra như một yêu cầu cấp thiết. Các đối tượng trên có thể là cán bộ đoàn, hội, thanh niên đã tốt nghiệp ĐH, CĐ, trung cấp về sinh sống tại địa phương, lực lượng Công an viên, dân quân tự vệ… Đó chính là những nhân tố tích cực cần được bồi dưỡng để giới thiệu cho các chi bộ Đảng ở thôn, xóm vùng có đông đồng bào theo đạo…

Đối với vùng dân tộc thiểu số, đơn cử như huyện Kỳ Sơn, nguyên nhân chính khiến công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên còn gặp khó khăn là do nhận thức của người dân còn hạn chế, đi liền với đó là tình trạng di dịch cư, thanh niên đi làm ăn xa, không có việc làm chính đáng.

Trước thực tế trên, để góp phần củng cố hệ thống chính trị cơ sở ở vùng dân tộc thiểu số nói chung và vùng biên giới nói riêng, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các địa phương này chủ động làm tốt công tác đào tạo, quy hoạch cán bộ, trong đó quan tâm quy hoạch cán bộ là người dân tộc thiểu số.

Cùng với đó, nhiều cán bộ biên phòng được tăng cường về các xã biên giới, tham gia cấp uỷ với cương vị Phó Bí thư Đảng uỷ xã; một bộ phận cán bộ đảng viên bộ đội biên phòng tham gia sinh hoạt Đảng tạm thời tại các thôn, bản tuyến biên giới phía Tây. Thực tiễn hoạt động của đội ngũ cán bộ, đảng viên tăng cường xuống cơ sở nói chung và cán bộ đảng viên là BĐBP nói riêng cho thấy, không chỉ là nguồn nhân lực tăng cường sức chiến đấu cho các chi bộ thôn, bản, lực lượng này còn là chỗ dựa vững chắc, tin cậy, giúp đỡ đồng bào phát triển kinh tế, nâng cao đời sống tinh thần và nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật.

Đặc biệt, những việc làm thiết thực của đội ngũ xung kích này đã tạo ra nhiều chuyển biến rõ nét trên lĩnh vực ANTT. Tình trạng di dịch cư tự do dần được xóa bỏ, phong trào nhân dân tham gia tự quản đường biên và đảm bảo ANTT thôn, bản đi vào nề nếp; thế trận an ninh vùng biên giới ngày càng được củng cố. Đây cũng là cơ sở vững chắc giúp đồng bào nơi đây đấu tranh có hiệu quả với các âm mưu, thủ đoạn chống phá chính quyền của các thế lực thù địch.

Có thể thấy, đến thời điểm này, nhìn chung, hệ thống chính trị cơ sở ở vùng đặc thù trên địa bàn toàn tỉnh cơ bản đảm bảo về mặt tổ chức, từ tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể từ cấp xã đến xóm, thôn, bản. Thời gian tới, việc đẩy mạnh thực hiện Đề án số 01/ĐA-TU ngày 10/8/2016 sẽ hứa hẹn tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trên mọi lĩnh vực, trong đó tình hình ANTT tại các vùng đặc thù được giữ vững là một trong những dấu ấn rõ nét.

Thùy Dương

Các tin khác