Pháp luật
Bi kịch vì giận quá mất khôn
(Congannghean.vn)-Phiên tòa xét xử Phạm Văn Lâm (SN 1984) trú tại phường Quỳnh Thiện, TX Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An và đồng bọn về tội “Giết người” khép lại với mức án 6 năm tù giam dành cho kẻ đứng đầu. Mức án này được xem là hình phạt nghiêm khắc, đủ sức răn đe đối với những đối tượng coi thường pháp luật. Thế nhưng, với những người dự khán thì vẫn có phần ấm ức, bởi xét cho cùng thì ý định ban đầu của bị cáo là muốn giúp đỡ nạn nhân. Tuy nhiên, hành vi vi phạm pháp luật nào cũng bị trừng trị, dù thế nào thì Lâm cũng phải trả giá về lỗi lầm của mình.
Chỉ vì nóng giận, thiếu kiềm chế đã đẩy các bị cáo vào vòng lao lý và trả giá về những hành vi của mình |
Từ giúp người đến… hại người
Phiên tòa xét xử Phạm Văn Lâm là phiên tòa đông nhất kể từ sau kỳ nghỉ Tết đến nay. Không chỉ số lượng bị cáo đông (7 người) mà còn có rất nhiều người đến tham dự phiên tòa. Họ là anh em, người thân và nhiều bà con ở khối Tân Tiến, phường Quỳnh Tiến, TX Hoàng Mai chẳng ngại đường sá xa xôi, thời tiết mưa lạnh đến đây từ rất sớm. Trong số những hàng xóm có mặt ở đây, rất nhiều người lần đầu đến tòa án, hiểu biết pháp luật không nhiều. Phần lớn họ là những người dân quanh năm quen với việc đồng áng thế nên trước chốn công đường họ trở nên rất rụt rè, dè dặt. Thế nhưng, họ vẫn mong mình có thể làm được một điều gì đó để các bị cáo được giảm nhẹ hình phạt. Tuy nhiên, pháp luật vốn rất nghiêm minh, những ai gây tội ác thì phải trả giá.
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân TX Hoàng Mai, khoảng 22 giờ ngày 29/8/2016, Phạm Văn Lâm có mời một người thanh niên không rõ danh tính vào ăn bún tại cửa hàng ăn của gia đình ở phường Quỳnh Thiện. Người thanh niên này đã dùng tuốcnơvít đâm Lâm và dùng kéo cắt thức ăn đòi đâm chị Hải là vợ của Lâm. Lúc này chị Hải hô hoán thì Nguyễn Ngọc Vũ, hàng xóm chạy sang cùng Lâm đuổi đánh người thanh niên này.
Vũ gọi thêm người chú ruột là Nguyễn Ngọc Hoàn để “trợ giúp”, sau đó những hàng xóm khác là Nguyễn Bá Thành, Nguyễn Duy Đặng, Phan Đức Vinh, Nguyễn Bá Đại lần lượt chạy ra mang theo các hung khí như gậy, kéo, tuýp sắt… để “bảo vệ” gia đình hàng xóm bằng cách đuổi đánh người thanh niên này dẫn đến tử vong. Kết quả giám định cho thấy, nạn nhân chết do “nứt, vỡ xương hộp sọ, xuất huyết não, gãy xương sườn do đa chấn thương”.
Kể từ ngày Phạm Văn Lâm bị tạm giam, chị Lê Thị Hải không còn tâm trí để làm ăn, buôn bán. Cũng may, nhà đông anh em, hàng xóm láng giềng “tối lửa tắt đèn có nhau” nên mọi người thường xuyên qua lại, động viên chị. Cưới nhau từ năm 2005, cũng vì điều kiện gia đình nên cả Lâm và chị đều sớm bỏ dở việc học hành để bươn chải, mưu sinh. Chị yêu và đồng ý cưới anh cũng chính vì thương anh hiền lành, thật thà lại thương người.
“Ở trong xóm này không ai không biết anh Lâm hay giúp đỡ mọi người. Nhà làm hàng ăn nên những người lang thang, ăn xin thường hay ghé vào tá túc, ngủ qua đêm trước hiên nhà, nên khi thì anh cho mỳ tôm, lúc thì bánh mỳ. Rồi những khi ngoài đường xảy ra tai nạn, anh cũng xắn tay chạy ra gọi xe, giúp người ta đến bệnh viện, có trường hợp tử vong thì mua hương hoa khấn vái. Hôm đó chúng tôi chuẩn bị đóng cửa thì anh thấy một nam thanh niên mặc quần đùi nằm phía trước cửa. Sau khi hỏi han tên tuổi, quê quán, biết người thanh niên chưa ăn uống gì, anh gọi vào nhà và nói tôi nấu bát miến cho anh ta ăn. Nào ngờ đâu cơ sự như ngày hôm nay”, chị Hải nói trong nước mắt.
Rất đông người đến dự phiên tòa không kìm được nước mắt khi nghe tòa luận tội |
Giận quá mất khôn
Kể từ khi vụ án xảy ra, cơ quan Công an đã nhiều lần thông báo truy tìm tung tích nạn nhân nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Tại phiên xét xử, chủ tọa đặt ra 2 trường hợp dẫn đến nạn nhân có hành vi dùng tuốcnơvít đâm bị cáo Lâm. Một là do nạn nhân hiểu nhầm bị cáo gọi người đến bắt mình, vì khi 2 người đang ngồi nói chuyện thì có anh Nguyễn Đức Sơn (nhân viên đường sắt) đi tuần tra ngang qua nên anh Lâm gọi vào uống nước, đúng lúc anh Sơn bước vào thì nạn nhân cầm chiếc tuốcnơvít đâm vào người Lâm. Hai là trường hợp nạn nhân bị tâm thần, hoặc “ngáo đá” nên không ý thức được hành vi của mình.
Vị chủ tọa cũng khẳng định rằng, trong vụ án này có một phần lỗi thuộc về nạn nhân. Cú đâm bị trượt ra ngoài, Lâm bỏ chạy ra khỏi nhà, còn người thanh niên tiếp tục dùng kéo tấn công chị Hải - vợ anh Lâm. Sau khi tấn công không thành, người thanh niên bỏ đi.
Sự việc sẽ chỉ dừng lại ở đó nếu như Lâm bỏ qua và không truy đuổi người thanh niên đó đến cùng. Sự việc lên đến đỉnh điểm khi người thanh niên kia dùng kéo tấn công Nguyễn Ngọc Hoàn khiến Lâm và mọi người càng thêm giận giữ nên đuổi đánh tới cùng. Khi phân tích về hành vi giết người của các bị cáo, vị chủ tọa nhấn mạnh, dù cho nạn nhân có một phần lỗi nhưng khi người ta đã bỏ đi rồi thì không nên làm to chuyện. Chỉ vì một chút nóng giận, thiếu bình tĩnh mà các bị cáo đã kéo thêm người dùng hung khí giải quyết. Hành vi đánh người khi đối phương không đủ khả năng chống trả dẫn đến chết người là hành vi tàn bạo, nguy hiểm cho xã hội.
Phiên tòa trở nên náo loạn trong giờ nghỉ chờ tuyên án, một số người trong gia đình các bị cáo và bà con lối xóm cảm thấy oan ức và giận dữ với những lời luận tội của tòa. Những người mẹ, người vợ gào khóc, thậm chí là la hét buộc những cán bộ bảo vệ phiên tòa phải đưa họ ra ngoài. Có lẽ đây là phiên tòa đặc biệt, khi tất cả bà con đều đến đây để bênh vực cho các bị cáo. Tất cả họ đều là láng giềng của nhau, cũng vì tình làng nghĩa xóm mà khi nhà hàng xóm có chuyện, chả ai bảo ai, cả 6 người đều chạy ra tham gia nhưng tuyệt nhiên không một ai trong số họ đứng ra can ngăn, dĩ hòa mọi chuyện.
Trong số các bị cáo chỉ có gia đình Nguyễn Bá Đại có điều kiện hơn một chút nên đã mời luật sư, còn lại những người khác hoàn cảnh gia đình cũng rất khó khăn. Đích thân mẹ vợ của Đại đã mời luật sư để bào chữa cho con rể. Với nhân thân tốt, gia đình có công với cách mạng, con cháu có thành tích trong quá trình rèn luyện trong quân ngũ và vai trò thứ yếu của mình trong vụ án này nên Đại nhận được bản án nhẹ nhất với 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 5 năm.
Người đáng thương nhất trong phiên tòa này là mẹ của Nguyễn Bá Thành. Từ đầu đến khi tòa tuyên án, bà chỉ ngồi yên một chỗ, nước mắt không ngừng rơi. Bố là liệt sỹ, chỉ còn lại mẹ và 3 người con, Thành may mắn sinh ra lành lặn, còn 2 người em bị tàn tật do ảnh hưởng của chất độc đioxin. Thành thay cha trở thành người đàn ông trụ cột trong gia đình chăm chỉ làm lụng nuôi mẹ và 2 em. Dù cuộc sống gia đình vợ chồng và 3 người con vẫn còn chật vật nhưng chưa bao giờ Thành để mẹ và các em phải thiếu thốn. Bản án 36 tháng tù giam nhưng cho hưởng án treo dành cho Thành cũng một phần an ủi được mẹ bị cáo. Ngoài Đạt, Thành và Nguyễn Ngọc Hoàn chịu mức án treo, những người còn lại chịu mức án từ 3 - 6 năm tù giam.
Phiên tòa kết thúc trong nước mắt và nuối tiếc của những người dự khán. Thế nhưng, họ đã hiểu rằng, đó là bản án nhẹ nhất có thể mà các bị cáo phải nhận nên không còn làm náo loạn như trước. Giá như trong số những người ngồi đây ngày hôm đó can ngăn được sự nóng nảy, bạo lực của các bị cáo thì sẽ không có kết cục như ngày hôm nay. Dẫu cho ý muốn ban đầu của Lâm là tốt và nạn nhân hành xử không phải phép khiến Lâm bị kích động, nhưng cũng không thể biện minh cho hành vi coi thường pháp luật của các bị cáo.
Huyền Thương